Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật sư Phạm Công Út: “Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 là điều khoản chết…”

Hàn Giang (VNTB) Với kết quả biểu quyết là 434/457, tương đương với tỷ lệ số phiếu tán thành là 88,39% trong tổng số phiếu tham gia, vào chiều 20/06/2017 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) trong đó Khoản 3 Điều 19 với nội dung luật sư, người bào chữa pháp lý phải tố cáo khi thân chủ phạm các tội Đặc biệt nghiêm trọng hoặc các tội xâm phạm an ninh quốc gia khiến dư luận quan tâm. Đã có những ý kiến trái chiều, có ý kiến cho rằng đây là một sự đánh đố qua lại và Khoản 3 Điều 19 này sẽ khó áp dụng vào thực tế cuộc sống…
Luật sư Phạm Công Út: “Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 là điều khoản chết…”
Đây là điều khoản “chết”…!
Nguyên văn nội dung Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”
Có nghĩa là người bào chữa, các luật sư sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi biết được thân chủ của mình thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện các hành vi phạm vào các tội Đặc biệt nghiêm trọng hoặc các tội xâm phạm an ninh quốc gia mà không tố cáo cho các cơ quan tiến hành tố tụng biết.
Thực tế việc quy định tố giác tội phạm không hề mới trong các văn bản pháp luật hình sự Việt Nam kể từ BLHS 1985 đến nay, trong khoảng 30 năm này Việt Nam có 2 BLHS đó là BLHS 1985 và BLHS 1999 trong đó có BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung vào năm 2009, hành vi không tố giác tội phạm của người bào chữa được xác định như mọi công dân khác và được điều chỉnh chung trong quy định “người nào”. Tuy nhiên, đối với BLHS 2015 nếu khộng có gì thay đổi đột xuất thì đến ngày 01/01/2018, BLHS 2015 chính thức có hiệu lực áp dụng vào cuộc sống của người dân và xã hội Việt Nam. Đối với hành vi không tố giác tội phạm ở Khoản 3 Điều 19 BLHS đối với người người bào chữa, các luật sư là một điểm mới so với BLHS 1985 và BLHS 1999 vì nó tách biệt giữa “người nào” với “người bào chữa, luật sư” mặc dù cả hai đối tượng đều là công dân. Người bào chữa, luật sư sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi biết thân chủ của mình đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thôi, còn các tội phạm ít nghiêm trọng thì không nằm trong phạm vi phải điều chỉnh ở Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015.
Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 trong đó Khoản 3 Điều 19. Dư luận đã dấy lên làn sóng tranh luận trái chiều, đông đảo cho rằng nếu người có hành vi phạm tội, cần thuê một luật sư để giúp đỡ pháp lýnhưng sau đó phát hiện hành vi người phạm tội thuộc điều chỉnh ở Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 thì luật sư lại quay sang tố cáo thêm tội cho thân chủ vậy thuêLuật sư được lợi gì? Rồi đạo đức của người hành nghề luật sư sẽ như thế nào khi quay lại tố cáo thân chủ?
Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB), luật sư Phạm Công Út ở An Giang cho rằng, Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 giống như “trò chơi” đánh đố. Luật pháp đánh đố Luật sư và Luật sư đánh đố Luật pháp. Về phía người dân là những thân chủ, khách hàng của Luật sư đơn cử trường hợp nếu Luật sư phát hiện thân chủ của mình là một cái bẫy, là một con mồi dụ mình do mình có những vụ án nhạy cảm, con mồi này dụ mình thì Luật sư sẽ có cách ứng xử thông qua một trường hợp giả định sau:
“Một trường hợp giả định mà tôi đặt ra là có người thứ ba nói: “Luật sư ơi! Tôi đang chuẩn bị giết người, nhờ luật sư bào chữa cho tôi sau khi tôi giết người”, tức là hành vi giết người sẽ xảy ra và sắp sửa xảy ra đang nói về tương lai, hậu quả của hành vi đó xảy ra thì luật sư sẽ chấp nhận hay không chấp nhận? Luật sư phải hiểu đây là con mồi thì luật sư phải có cách từ chối bởi vì Luật sư phải bảo vệ công lý, bảo vệ an nguy của cộng đồng chứ Luật sư không thể nào vì tiền. Tôi thêm một ví dụ nữa, trong vụ án Hoa hậu Phương Nga và đại gia Cao Toàn Mỹ vừa xảy ra, thông qua phương tiện thông tin đại chúng thì có một Luật sư bày vẽ cách tạo ra chứng cứ giả là có hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng, di chúc…v.v…điều này là không có thật, tức là Luật sư đã tháo ngòi nổ cho một thân chủ nào đó tương lai của mình bằng cách ngụy tạo những chứng cứ giả dối thì Luật sư đó lẽ ra không có nghĩa vụ tố giác tội phạm nhưng cũng không được quyền đồng phạm với họ trong vai trò giúp sức, tạo ra những chứng cứ giả. Như vậy, vào ngày 01/01/2018, Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 hiệu lực thì Luật sư phải biết cách từ chối, nếu anh không từ chối có khi đây là con mồi dẫn dụ anh tham gia những vụ án nhạy cảm thì anh sẽ chết, bởi vì anh tham gia tư vấn cho họ tìm những cách thoát tội để người đó thực hiện hoàn chỉnh một hành vi, công việc mang xâm hại đến xã hội, xâm hại đến an ninh quốc gia mà Khoản 3 Điều 19 quy định, luật sư phải cẩn thận hơn.”- Chia sẻ của luật sư Phạm Công Út.
Theo luật sư Phạm Công Út, những ví dụ đưa ra trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay không phải chưa xảy ra mà xảy ra rất nhiều nhưng các Cơ quan tiến hành tố tụng có phần ngại va chạm với các Luật sư thành ra chưa dám khởi tố. Nhưng sau ngày 01/01/2018, những Luật sư mà có hành vi “đi đêm”, hướng dẫn, giúp đỡ cho người thực hiện hành vi phạm tội mà quy định phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc xâm phạm an ninh quốc gia làm sao theo kịch bản giúp thoát tội thì luật sư đó trở thành tội phạm. 
Tuy vậy, luật sư Phạm Công Út cũng cho rằng Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 này cũng là điều khoản chết bởi vì khó áp dụng trong cuộc sống do nó có từ “biết rõ”, làm sao người bào chữa, luật sư có thể thừa nhận mình có chứng cứ biết rõ thân chủ của mình phạm vào các tội như trong Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 đã nêu? Luật sư Út nói:
“Điều khoản chết đó nằm ở chữ “biết rõ” nằm trong Khoản 3 Điều 19 bởi vì có luật sư nào tự nhận là mình “biết rõ” thân chủ của mình đã, đang và sẽ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc xâm phạm an ninh quốc gia đâu. Ví dụ một người nói với luật sư rằng là mình phạm tội giết người và nói vụ này chỉ cần luật sư ra cho có thôi chứ thực tế đã bỏ 1 tỷ đồng ra chạy án hết rồi, đã mua kết quả nào đó. Như vậy 1 tỳ đồng để đưa hối lộ cho người thi hành tố tụng nào đó thì nó thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng như với tình huống này thì luật sư có dám đi tố giác thân chủ của mình hay không? Ở đây nếu luật sư đi tố giác có thể luật sư bị tội vu khống bởi anh không thể nào biết rõ được vụ chạy án bởi anh đâu có thấy người kia đưa tiền để chạy án hay không? Đi tố giác thân chủ rồi bị thân chủ quật ngược lại nên luật sư không thể nào đi tố giác được, điểm chết là ở chổ “biết rõ”. Thế nào là biết rõ ? Biết rõ phải là mắt thấy, tai nghe, chứng cứ phải phù hợp với lại những gì trình bày. Do đó Khoản 3 Điều 19 nó đưa ra hai chữ “biết rõ” như đánh đố luật sư nhưng luật sư sẽ là người đánh đố”
“Điều này, mỗi quốc gia có một hoàn cảnh riêng nếu mà phản đối thì nó là một trò đùa nhưng nếu thông qua thì nó cũng là trò đùa, thực tế Khoản 3 Điều 19 này sẽ là điều khoản chết và nó không thể nào mang tính khả thi áp dụng trong cuộc sống bởi vì nó đã có từ năm 1985.”
Do đó với Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015, theo luật sư Phạm Công Út những người nhờ đến luật sư thì họ nhờ khi nào? Họ nên nhờ những vấn đề gì mà họ bị oan khuất, còn nếu họ chủ động thực hiện một hành vi phạm tội nào đó nếu mà nhờ luật sư thì nên tìm những luật sư gian dối để giúp và đồng hành với họ, thành công hoặc thất bại cùng chịu cùng hưởng với nhau. Còn những luật sư không để mình bị dẫn dụ, không để mình bị những người khác cò mồi thì họ sẽ yên tâm hành nghề luật sư. Do đó, những lời nói đùa sau ngày 01/01/2018, luật sư sẽ chuyển nghề thì luật sư Út nghĩ chỉ số ít thôi chứ luật sư có trăm mưu ngàn kế để mà tồn tại.
Luật sư được cởi trói nhiều hơn trước
Ngoài ra VNTB còn ghi nhận có ý kiến cho rằng Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 là hạn chế quyền bào chữa của Luật sư, là không có tính nhân đạo hoặc không phù hợp với quy tắc ứng xử văn minh tiến bộ. Luật sư Út cho rằng ông không tán thành ý kiến trên và cho rằng:
“Không. Tôi cho quan điểm nói như vậy là không đúng bởi vì quyền của Luật sư nó quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, còn chịu trách nhiệm hình sự và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Luật sư vi phạm điều khoản không tố giác tội phạm nó nằm trong Bộ luật hình sự. Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự là 02 Bộ luật khác nhau. Trong Bộ luật tố tụng hình sự có quy định Luật sư có những quyền hạn và có những nghĩa vụ. Bộ luật tố tụng hình sự nó khác với Bộ luật hình sự bởi Bộ luật hình sự nó xem là bộ luật về nội dung còn Bộ luật tố tụng hình sự nó được xem là Bộ luật về hình thức. Luật sư người ta bám theo Bộ luật tố tụng hình sự để làm “kim chỉ nam” cho mình để xác định mình có quyền và nghiã vụ gì?”
“Riêng BLHS 2015 nó đóng khung trong khoản 3 Điều 19 mà như tôi phân tích đây là sự đánh đố giữa 02 bên, Luật sư là người ngồi cười nhạo chứ không phải các Cơ quan Nhà nước hoặc là Quốc Hội ra Điều luật này để cười nhạo giới luật sư. Bởi vì, từ năm 1985 tới nay chưa có một Luật sư nào bị khởi tố về tội không tố giác tội phạm đối với thân chủ của mình mặc dù Điều luật đó có từ năm 1985 tới nay là tất cả mọi công dân phải có nghĩa vụ tố giác tội phạm. Sau đó, người ta sửa đổi bổ sung từ năm 2009 thì loại trừ đi ông, bà, cha, mẹ, những thân thích và luật sư nằm trong khoản 1Điều 19 là những loại tội phạm ít nghiêm trọng. Nay người ta cụ thể hóa hơn là luật sư chỉ tố giác tội phạm đối với các loại tội phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng hoặc xâm phạm an ninh quốc gia. Những điều ít nghiêm trọng nó là đa số, anh đánh đố người ta còn chưa làm được thì giờ thiểu số anh không làm gì được đối với người ta hết.”.
Kết lời, luật sư Phạm Công Út cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự nó cởi trói cho rất nhiều đối với các luật sư về vấn đề: người dân được quyền im lặng cho đến khi có mặt của luật sư, luật sư cũng không phải xin giấy chứng nhận bào chữa mà chỉ cần đăng ký và đăng ký 01 lần từ lúc chưa khởi tố cho tới lúc kết thúc xong trừ trường hợp người đó từ chối luật sư và một số trường hợp đơn lẻ khác như vậy nó cởi trói cho luật sư rất nhiều. Thậm chí Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay không cho quyền luật sư tự thu thập chứng cứ nhưng Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cho phép luật sư tự mình được cung cấp chứng cứ như vậy là cở trói rất nhiều cho luật sư. Nếu mà nói trói buộc luật sư thì cho rằng suy nghĩ này chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi của mình./

Tin bài liên quan:

Kê khai tài sản: Chống tham nhũng hay kiểm soát quyền lực?

Phan Thanh Hung

Ông Chung khôn ngoan hay lừa bịp?

Phan Thanh Hung

Cạn kiệt cát xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.