(VNTB)-Luật Trưng cầu dân ý: Quốc hội còn nợ dân những gì?

VNTB: Luật Trưng cầu dân ý – “món nợ” thứ hai vừa được Quốc hội Việt Nam đưa ra hứa hẹn sẽ thông qua vào cuối năm 2015. Đây cũng là thời điểm mà Luật Biểu tình có thể lần đầu tiên được ban hành chính thức, cho dù độ trễ của văn bản luật tối cần thiết này đã gần một phần tư thế kỷ, kể từ Hiến pháp năm 1992.

Trưng cầu ý dân là một nhu cầu không thể thiếu và cũng là quyền đương nhiên của người dân Việt Nam, nhất là khi nhân dân phải sống trong bầu không khí “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” – như tuyên bố của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm 2013.
Tuy thế, sự thật hiển nhiên là nếu xã hội Việt Nam không được khởi đi từ Phong trào Kiến nghị 72 đòi dân chủ vào đầu năm 2013, có lẽ cho tới giờ vẫn không có bất kỳ bóng dáng lời hứa hẹn nào từ phía 500 đại biểu quen “gật” hơn là “lắc”.

Chỉ cách đây chưa đầy một tuần, Ủy ban Thường vụ quốc hội lại dính vào tính thủ cựu quá khó sửa khi áp đặt quan điểm “chưa nên cho phép tự vận động ứng cử tại Việt Nam”. Lý do mà cơ quan này trưng ra là “Thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác”. Và đó cũng có thể là nguyên cớ để chẳng cần thiết phải thay đổi dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Vẫn còn khá nhiều thời gian để minh nghiệm những hứa hẹn của Quốc hội sẽ được trải nghiệm như thế nào, vì từ đây đến cuối năm 2015 sẽ còn nhiều biến động trong – ngoài mà có thể tôn tạo tính khí thất thường của cơ quan dân cử tối cao này.

Chưa kể đến việc ngoài hai món nợ đã thực hiện công đoạn hứa hẹn, vẫn còn một món nợ thứ ba của Hiến pháp năm 1992 mà Quốc hội Việt Nam còn túng thiếu dân chúng của mình: Luật Lập hội.

Việt nam từng có trưng cầu dân ý năm 1955

Ảnh: Wikipedia

Tòa Đô Chánh Sài Gòn ngày 26-10-1955 – Ngày Khai Sinh Nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa (Ngày Quốc Khánh Đệ Nhất VNCH). Ảnh: VietnamExodus

 

—————-

Trình Quốc hội thông qua Luật trưng cầu ý dân vào tháng 11/2015

Theo kế hoạch xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân, dự kiến đến tháng 10/2015, Ban soạn thảo sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đến tháng 11/2015, trình Quốc hội thông qua Luật (tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội).

Ngày 21/8, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức phiên họp để lấy ý kiến, định hướng xây dựng Luật Trưng cầu ý dân, kế hoạch xây dựng Luật năm 2014-2015.

Đến dự và chủ trì phiên họp có Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm cùng các thành viên thuộc Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật Trưng cầu ý dân.

Tại phiên họp, PGS.TS Chu Hồng Thanh – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban thư ký Ban soạn thảo, Tổ biên tập trình bày báo cáo về quan điểm và những định hướng nội dung cơ bản xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân như: Sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân và các quan điểm cơ bản xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân…

Tham dự phiên họp, đa số thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập nhất trí cao việc xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân và cơ bản thông qua kế hoạch xây dựng dự luật này. Bên cạnh đó, các thành viên cũng đóng góp nhiều ý kiến về quan điểm và những định hướng nội dung cơ bản xây dựng Dự án Luật trưng cầu ý dân.

Theo kế hoạch xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân, dự kiến đến tháng 10/2015, Ban soạn thảo sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật. Đến tháng 11/2015, trình Quốc hội thông qua Luật (tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội).

Được biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2015, Hội Luật gia Việt Nam được giao chủ trì xây dựng Luật Trưng cầu ý dân. Tại phiên họp, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Lê Minh Tâm tổng kết và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đồng thời thống nhất kế hoạch xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh khẳng định: Mặc dù việc xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân được thực hiện trong thời gian gấp và trách nhiệm nặng nề nhưng Hội Luật gia Việt Nam sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

TRẦN QUYẾT

Theo đời sống Pháp luật

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)