Hồng Dân
(VNTB) – Từ sát Tết Giáp Thìn, người dân vùng nông thôn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc (Long An) đã buộc lòng phải chi 300.000 đồng để mua 1 khối nước…
Cứ vào mùa hạn hán, xâm nhập mặn hằng năm, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân các địa phương vùng hạ thuộc huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ của tỉnh Long An lại tái diễn. Điều này khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, sinh hoạt bị đảo lộn.
Tại buổi họp báo quý I-2024 do UBND tỉnh Long An tổ chức mới đây, bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An – cho biết, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương thống kê, tổng số hộ đang bị thiếu nước trên địa bàn tỉnh là 5.013 hộ dân, tương ứng với 20.052 người.
Đối với những gia đình ở miền hạ Long An có nhu cầu sử dụng nhiều thì phải bỏ tiền mua nước sạch với giá 200.000 – 300.000 đồng/m3, tùy theo đường vận chuyển. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, theo bà Khanh, là do các huyện vùng hạ không có nguồn nước cấp tại chỗ để thực hiện công trình cấp nước tập trung; do đó phải dẫn nước từ nơi khác về. Trong mùa khô, nhu cầu sử dụng nước hầu hết ở các nơi đều tăng dẫn đến thiếu nước. Bên cạnh đó, sản lượng của các nhà máy nước cũng chưa được đảm bảo.
“Chúng tôi cũng đã phối hợp với các đơn vị cấp nước để điều tiết nước tạm thời; đóng mở các khu vực đường ống theo thời gian thích hợp để đảm bảo lượng nước đủ mạnh cho người dân sinh hoạt. Các địa phương cũng điều tiết các xe chở nước để cung cấp cho người dân. Một số xã cũng mua nước để vận chuyển đến cho người dân”, bà Khanh nói và cho hay sở này cũng sẽ tham mưu với UBND tỉnh làm việc với các nhà máy nước để nâng cấp các đường, tuyến ống và đảm bảo sản lượng nước.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước như hiện nay, sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ hỗ trợ khoảng hơn 164 tỷ đồng để đầu tư nạo vét các công trình phòng chống hạn mặn. Trong đó, sẽ sử dụng 34 tỷ đồng để đầu tư cho các công trình cấp nước, đảm bảo nước sạch sinh hoạt trước mắt và lâu dài cho người dân.
Như vậy các giải pháp căn cơ cho chuyện giải quyết bài toán nước ngọt cho người dân miền hạ Long An vẫn dừng ở các kế hoạch dự tính, mặc dù tình trạng này xảy ra gay gắt từ tuần lễ cuối năm Quý Mão âm lịch 2023.
Theo lời kể của ông Lê Văn Tùng, ấp Tân Quý, xã Tân Tập (Cần Giuộc) thì, “Gia đình ở đây 40 năm mà vẫn chưa thoát khỏi cảnh thiếu nước sinh hoạt khi đến mùa khô hạn, xâm nhập mặn. Bây giờ bà con ở đây thức lúc 1, 2 giờ sáng để lấy nước giống như canh trộm. Nguồn nước ngọt hợp vệ sinh từ các nhà cung cấp về không đủ nên hai trạm tăng áp của ngành nông nghiệp đầu tư tại địa phương đang trong tình trạng… khóa cổng rào”.
“Giá nước rất cao, nhưng đến chậm là không có nước để mua. Có nhiều người thức cả đêm vẫn không mua được nước”, ông Nguyễn Văn Hiếu ở ấp Tân Quý, xã Tân Tập cho biết. Có nhà phải mua nước lọc về nấu ăn, lấy nước từ sông rạch lên, lắng phèn để tắm giặt…
Mặc dù vậy nhưng chính quyền địa phương tiếp tục đưa ra những hứa hẹn ở thì tương lai, “về lâu về dài, Cần Giuộc sẽ rà soát lại các giếng nước ngầm để giải quyết bài toán cấp bách trong mùa hạn, xâm nhập mặn. Cùng với đó địa phương sẽ phân vùng cấp nước, loại bỏ những nhà đầu tư không có năng lực, phối hợp Sở Xây dựng Long An xây dựng phương án đầu tư nước sạch phục vụ nhân dân” – trích phát biểu với giới truyền thông của Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc Nguyễn Anh Đức.
Ở diện rộng hơn, tại lễ phát động Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tổ chức tại Cà Mau hôm 9-4, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho biết, hiện còn khoảng 30% trên tổng số 18.000 công trình nước sạch nông thôn hoạt động chưa hiệu quả. Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 50.000 gia đình thiếu nước sạch và phải sử dụng rất nhiều giải pháp để đảm bảo có nước sinh hoạt.
Tuần lễ Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện từ ngày 29-4 đến tháng 6-5 hàng năm. Năm 2024, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức phát động sớm do đang ở trong cao điểm hạn mặn, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.