Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mong manh định chế “dân được làm những gì luật pháp không cấm”

Trường Sơn

(VNTB) – Việc ‘được làm’ của người dân bị đình hoãn, thậm chí không còn cơ hội thực hiện.

 

Nghị quyết 27 nêu một trong những nhiệm vụ khi xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới là thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.

Gần một năm trước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII) về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Một nội dung đáng chú ý là Nghị quyết 27 yêu cầu thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia – dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Với dân, luật pháp chỉ cần ban hành danh mục những gì cần cấm, thế là đủ. Căn cứ vào danh mục này, người dân không làm, thế là xong. Nhà nước và người dân không ai bị phiền vì ai, bởi ai. Bộ máy và nhân sự nhà nước sẽ gọn nhẹ, hoạt động không có gì dư thừa, vô bổ. Còn với người dân, không có gì phải lăn tăn giữa mong manh có thể và không thể làm.

Thế nhưng, cuộc sống thường ngày lại không thênh thênh như vậy. Theo qui định, cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Đúng quá, nhưng tìm mãi không thấy danh mục “cho phép” này. Đâu chỉ vậy, rất đáng chú ý là trong khi cán bộ làm sai chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm thì việc ‘được làm’ của người dân lại bị đình hoãn, thậm chí không còn cơ hội thực hiện.

Thật đáng buồn, định chế “dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm” trở nên mong manh trước định chế “cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép”; và ở đây còn là vấn đề của cái gọi là “kiểm soát quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Quyền lực là khả năng thực hiện được ý chí của mình, bất chấp sự phản kháng của người khác. Nhờ có quyền lực mà các chủ thể sẽ có nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh phân bổ nguồn lực sống, qua đó duy trì và gia tăng được địa vị của mình trong cấu trúc xã hội.

Ở Việt Nam cho tới nay, chưa vội nói đến “quyền lực của Đảng”, chỉ mỗi việc khả năng kiểm soát quyền lực nhà nước của các lực lượng xã hội thông qua các kỳ bầu cử cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng, đã là một điều gần như không tưởng.

Nhận xét ‘không tưởng’ này được căn cứ từ thực tế Việt Nam không tồn tại cái gọi là sức ép từ dư luận xã hội, thể hiện trên truyền thông đại chúng, và lá phiếu của cử tri có thể loại bỏ những cá nhân có biểu hiện lạm quyền vì các mục tiêu vị kỷ, xâm phạm lợi ích công, hay trái với mong đợi của số đông người dân.

Diễn giải theo lý thuyết tuyên giáo ở các trường chính trị, thì việc kiểm soát quyền lực ở thể chế chính trị đơn nguyên của Việt Nam không được thực hiện dựa trên cơ chế “cân bằng và kiểm soát” lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước.

Thay vào đó, kiểm soát quyền lực sẽ được thực hiện với 2  cơ chế: tự kiểm soát, tức là trông đợi vào khả năng người nắm giữ quyền lực tự giác tuân thủ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; và các phản ứng kiểm tra, giám sát bởi các đơn vị chức năng nhằm bảo đảm sự nhất quán của cả hệ thống quyền lực nhà nước trong hoạch định và thực thi chính sách công.

Về bản chất, kiểm soát quyền lực trong hệ thống quản trị quốc gia với một đảng lãnh đạo và cầm quyền ở Việt Nam là nhằm bảo đảm ý chí của hạt nhân quyền lực được thực thi nhất quán ở mọi phạm vi, mọi cấp độ.

Cụ thể hơn, kiểm soát quyền lực tức là vun đắp khả năng tự kiểm soát của mỗi cá nhân nắm giữ quyền lực và thực hiện các phản ứng nhằm bảo đảm chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước được thực hiện nghiêm túc, nhất quán ở mọi cấp độ, mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trên thực tế thì chỉ cần quan sát những vụ án được phanh phui từ chủ trương “đốt lò” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ thấy rõ yêu cầu “tự kiểm soát của mỗi cá nhân nắm giữ quyền lực và thực hiện các phản ứng nhằm bảo đảm chủ trương, đường lối, quy định của Đảng” là điều mơ mộng của vấn đề nặng tính đạo đức.


Tin bài liên quan:

VNTB – Sacombank đánh tiếng về việc đang bị thôn tính?

Do Van Tien

VNTB – “Quân đoàn thiết giáp Việt Nam hệ thống Long Diễm”

Do Van Tien

VNTB – Ai đang điều hành giá xăng dầu tại Lào?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.