Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Thay đổi tư duy là rào cản lớn nhất khi chuyển đổi số giáo dục…
“Rào cản lớn nhất khi thực hiện chuyển đổi số giáo dục một cách đồng bộ như mục tiêu mà ngành giáo dục thành phố đặt ra không đến từ yếu tố công nghệ hay trang thiết bị dạy học, mà trên hết xuất phát từ yếu tố con người. Đó là tư duy, nhìn nhận của đội ngũ cũng như nhận thức của phụ huynh, học sinh.
Chỉ khi thay đổi được các yếu tố này, coi chuyển đổi số là điều tất yếu, coi việc dạy và học kết hợp trong môi trường trực tiếp và môi trường số là điều song hành để tăng hiệu quả giáo dục thì mục tiêu chuyển đổi số mới thành công” – cô Nguyễn Thị Thu Hằng- Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Trần Quốc Toản 1 (thành phố Thủ Đức) nhìn nhận.
Vậy chuyển đổi số là gì mà dường như đây đang là “mốt” trong chuyện chính trị ở Việt Nam, giống như hồi nhiệm kỳ trước, người ta vẫn hay nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cổ động về “công nghiệp/ công nghệ 4.0”.
Trong hội thảo “Chuyển đổi số – Cơ hội và thách thức” diễn ra hồi tháng 11-2018 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông, giải thích “số hóa” là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn “chuyển đổi số” là khi có dữ liệu được số hoá rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.
Có thể lấy ví dụ Grab trong việc xây dựng ứng dụng gọi xe.
Những gì người dùng thấy trên màn hình điện thoại đơn giản là một chu trình đặt xe và hoàn thành chuyến đi của khách và tài xế, nhưng ẩn sâu là cả một hệ thống phức tạp. Công ty phải phân tích khối lượng dữ liệu lớn liên quan tới thói quen lái xe của tài xế, nhu cầu của người dùng, tính năng tạo sẵn cung đường, điều hướng thời gian thực… Từ dịch vụ đặt xe, công ty đã mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác như giao hàng, mua đồ ăn…
“Có ba điều cần phải làm. Đầu tiên là sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào.
Thứ hai là sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Chúng ta cần đào tạo và phát triển nhân sự. Thứ ba là sẵn sàng về phương diện công nghệ. Điều này cần được phát triển song song với yếu tố nhân sự” – ông Phương Trầm, Tư vấn trưởng Chuyển đổi số của FPT, nhận định.
Tuy nhiên có một vấn đề gần như ít được nhắc đến trong việc “chuyển đổi số”, đó là tính xác thực của dữ liệu nạp vào ban đầu. Lâu nay ai cũng biết là các số liệu báo cáo thường được “định hướng” để phục vụ cho yêu cầu nào đó của người làm chính trị.
Nhớ lại năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2018 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong bài diễn văn của Thủ tướng Phúc có đoạn: “Nhìn lại năm 2017, lần đầu tiên chúng ta có kịch bản tăng trưởng hàng quý. Khi quý 1-2017 tăng trưởng chỉ đạt thấp, 5,15%, nhiều người khuyến nghị nên điều chỉnh chỉ tiêu.
Khi đó, Thủ tướng đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cùng với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các kịch bản tăng trưởng của quý 2, 3 và 4, làm rõ các sản phẩm chủ lực, các lĩnh vực cần tăng trưởng để chỉ đạo, quy trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, trưởng các đơn vị, các địa phương”.
Khi ấy ông Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, “Phương pháp, chế độ thống kê còn bỏ sót; kể cả trong tính giá trị GDP, nhất là kinh tế không chính thức, cần khắc phục trong năm 2018”.
Như vậy một cách gián tiếp, người đứng đầu Chính phủ khi ấy nhìn nhận số liệu thống kê tiếp tục là câu chuyện của “cần khắc phục”; và điều này cho thấy sẽ dẫn đến những “sai số” tất nhiên khác khi “đầu vào data” được cho rằng “còn bỏ sót”.
Nói một cách khác, lâu nay cứ mỗi lần người ta cần “làm đẹp chính sách” để phục vụ nhu cầu nào đó của Đảng, thì sẽ là có những “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”…
[ads_color_box color_background=”#f5eded” color_text=”#444″]
Thông tin chính phủ – 30/01/2023
Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ đề ra.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ hệ thống hành chính nhà nước và đổi mới việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, số hoá, thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
[/ads_color_box]