Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mua lại trái phiếu trước hạn nhằm tránh việc đe dọa hình sự hóa một giao dịch dân sự?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Chứng khoán Bản Việt (VCI) muốn mua lại hơn 392 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.

 

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC (Hose: VCI) vừa thông qua nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu với tổng giá trị gần 393 tỷ đồng. Lãi trái phiếu sẽ được thanh toán cùng lúc với khoản nợ gốc.

Cụ thể, VCSC dự định mua lại 5 lô trái phiếu: VB20206000.03.031 (28,8 tỷ đồng), VCIH2123002 (212,7 tỷ đồng), VCIH2123003 (49,7 tỷ đồng), VCIH2123006 (41 tỷ đồng), VCIH2123008 (60,4 tỷ đồng). Tổng Giám đốc Tô Hải hoặc Phó Tổng Giám đốc Đinh Quang Hoàn được giao thực hiện các công việc có liên quan để hoàn thành việc mua lại trái phiếu.

Trước đó, ngày 2-11, VCI đã thông báo mua lại trước hạn 125 tỷ đồng trái phiếu, gồm 250 trái phiếu mã VCIH2123008 với tổng giá trị 25 tỷ đồng và 1.000 trái phiếu mã VCIH2123009 với tổng giá trị 100 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý 3-2022, tại thời điểm 30-9-2022, tổng nợ phải trả của VCSC là 9.110 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Chiếm phần lớn là dư nợ vay ngắn hạn với 6.500 tỷ đồng (chủ yếu vay tại ngân hàng) và dư nợ phát hành trái phiếu ngắn hạn gần 1.760 tỷ đồng.

Về dư nợ trái phiếu, VCSC cho biết đây là các lô trái phiếu ghi danh không chuyển đổi do công ty phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Các trái phiếu có mệnh giá 10 triệu đồng, 100 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng kể từ ngày phát hành. Trái chủ có quyền yêu cầu công ty mua lại trước ngày đáo hạn.

Theo ghi nhận của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong 9 tháng đầu năm nay, khối lượng trái phiếu mua trước hạn đạt 135.180 tỷ đồng. Trong đó, lượng mua lại bắt đầu tăng cao kể từ tháng 6. Riêng tháng 10-2022, hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu được mua lại.

Trong nhóm mua lại trái phiếu nhiều nhất, ngoài ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao thứ hai. Trong đó, Công ty Azura mua lại hơn 7.300 tỷ trái phiếu trước hạn, Yamagata mua lại gần 4.800 tỷ, Osaka Garden mua lại 3.400 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thông báo kế hoạch mua lại các lô trái phiếu trước hạn của một số doanh nghiệp trong quý IV năm nay và năm 2023 với tổng giá trị 2.140 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cồ phần Hưng Thịnh Land sẽ mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu đã phát hành vào ngày 28-12-2021 (đáo hạn ngày 28-12-2023) nhằm thanh toán các chi phí liên quan đến dự án Khu Nha Trang. Thời gian dự kiến bắt đầu mua là ngày 24-11-2022 và dự kiến hoàn thành trong 30 ngày kể từ ngày bắt đầu mua. Lô trái phiếu này có giá trị 400 tỷ đồng.

Phương thức mua lại được thực hiện trực tiếp từ người sở hữu trái phiếu. Giá mua bằng tổng mệnh giá trái phiếu, các khoản lãi và tất cả khoản tiền khác phát sinh nhưng chưa được thanh toán trên trái phiếu tính đến (nhưng không gồm cả) ngày mua lại trước hạn.

Tương tự, Công ty TNHH Nam Land, đơn vị huy động trái phiếu để đầu tư dự án Shizen Home, cũng lên kế hoạch mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu phát hành ngày 13-7-2021 kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị 900 tỷ đồng.

Một công ty bất động sản khác là Công ty cổ phần Gotec Land cũng cam kết mua lại trước hạn toàn bộ 6 triệu trái phiếu được phát hành ngày 15-10-2021 (đáo hạn ngày 15-10-2025), giá trị phát hành 600 tỷ đồng.

Cả hai công ty kể trên đều có thời gian dự kiến mua lại không muộn hơn ngày 30-6-2023.

Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản, một số doanh nghiệp sản xuất như Công ty cổ phần Thương mại Công nghệ An Phát cũng vừa có kế hoạch mua lại 2 triệu trái phiếu phát hành ngày 30-12-2020 (đáo hạn ngày 30-12-2028) với giá trị 200 tỷ đồng. Trong đó, công ty này dự kiến mua lại trước hạn tối thiểu 50% tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành, tương đương 1 triệu trái phiếu ngay khi có thể nhưng không muộn hơn ngày 31-12. Sau đó, toàn bộ số lượng trái phiếu còn lại sẽ được mua lại ngay khi có thể nhưng không muộn hơn ngày 31-3-2023.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), khối lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tập trung nhiều vào năm 2023-2024 với ước tính lên tới 790.000 tỷ, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu đang lưu hành và tập trung nhiều ở nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Áp lực thanh toán sắp tới hạn, trong khi việc phát hành trái phiếu mới không thu hút được nhà đầu tư, có thể khiến cả hệ thống tài chính gặp rủi ro thanh khoản, tạo ra các hệ lụy tiêu cực cho hoạt động của doanh nghiệp mọi ngành và tổng thể nền kinh tế.

Lưu ý, trái phiếu là kênh huy động vốn thường dùng để thực hiện các dự án, kế hoạch kinh doanh mang tính trung, dài hạn. Tuy nhiên, việc ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn, thậm chí là mới phát hành được vài tháng, là động thái khiến giới phân tích lo ngại về các đồn đoán ‘úp sọt’ của nhà chức trách như đang diễn ra gần đây với Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Rút tiền tháo chạy trước Tết

Phan Thanh Hung

VNTB – Sau kiệt sức là… chết

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Kinh tế cuối năm đầy ảm đạm

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo