VNTB – Nâng tiếng dân ngang tiếng đảng

VNTB – Nâng tiếng dân ngang tiếng đảng

 

Thục Đoan

 

(VNTB) – Khi người dân biết đấu tranh cho quyền của họ, buộc nhà nước phải trả lại quyền con người cho dân thì sự độc tài đảng trị phải giảm đi.

Ngày 29 tháng 9 các chuyên viên LHQ công bố nhận xét buổi rà soát Việt Nam thực thi Công Ước LHQ về Quyền Trẻ Em. Bản kết luận dài 17 trang (1) chỉ cho Việt Nam thấy những lĩnh vực bất cập của họ mà Liên Hiệp Quốc quan tâm và đưa ra các khuyến nghị liên quan. 

Xuyên qua bản kết luận của Uỷ ban LHQ về Quyền Trẻ Em, chúng ta có thể thấy các chuyên viên LHQ không bị phía Việt Nam ‘kéo giò” bởi những lời phát biểu dài dằng dặc, vô hồn, rỗng tuếch không nói được điều gì, không trả lời trực tiếp vào các chất vấn chứa đựng toàn sự thật. Những cáo buộc LHQ đưa ra khiến Việt Nam không thể chối cãi, thậm chí ngạc nhiên, bất ngờ vì tưởng có thể che dấu được. Vụ Thiền Am Bên bờ Vũ Trụ, chỉ mới bung ra vài tháng qua đã được đưa đến tay các chuyên viên LHQ khiến họ bất ngờ, đau xót, và người đại diện bộ công an khi nghe đến phải cúi mặt, chau mày, xấu hổ.(2)

Những thông tin, báo cáo về vụ Thiền Am cũng như các vi phạm khác của Việt Nam được chính những người biết rõ cuộc đàn áp với đầy đủ hình ảnh, chi tiết, thời gian từng vụ việc xảy ra, địa điểm, tên tuổi của nạn nhân, và của các nhân viên chính quyền có dính líu gửi đến tận tay LHQ.

Cuộc họp rà soát quyền trẻ em vừa qua cho thấy tiếng nói của chính quyền Việt Nam theo kiểu dối trá, cả vú lấp miệng em đã bị các chuyên viên LHQ lật tẩy bởi các chứng cứ rõ ràng, chân thực, kịp thời được cung cấp từ người trong nước qua các tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho nhân quyền.

Đối với chính quyền Việt Nam nói riêng, các chính quyền độc tài, đảng trị trên thế giới nói chung, tự do ngôn luận là kẻ thù của họ. Chính quyền ra sức trấn áp tiếng nói của người dân. Điều đó không lạ, vì họ “trấn áp” luôn những điều khoản về nhân quyền được thêm vào hiến pháp để làm màu mè nhằm qua mặt người dân trong nước và dối gạt thế giới.

Hiến pháp năm 2013, điều 25, ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng.” Nhưng hiển nhiên mọi người đều thấy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình không hề có tại Việt Nam. Hệ thống truyền thông Việt Nam không đại diện của tiếng nói người dân, chúng chỉ là công cụ độc quyền của đảng. Hệ thống này chịu sự chỉ huy dưới cái gậy của ban tuyên giáo trung ương, hay các lãnh đạo chủ quản, hay địa phương. Luật an ninh mạng giới hạn người dân tiếp cận thông tin. Chuyện lập công đoàn, lập hội, biểu tình chỉ là giấc mơ của người dân. ĐCSVN biến những quyền này thành con quái vật hù dọa dân chúng, khiến mọi người sợ khi nghe, nói đến các đòi hỏi này.

Tự do ngôn luận trong một xã hội dân chủ luôn được tôn trọng, nó làm xã hội càng ngày càng dân chủ hơn, nó kiểm soát quyền lực của nhà nước, giúp nhà nước hiểu dân và gần gũi người dân hơn. điều này hoàn toàn khác trong xã hội độc tài, đảng trị, nơi đảng tìm mọi cách bắt người dân phải phục tùng đảng, sống và làm việc theo ý đảng. Sự đe dọa và trả thù những người dám nói sự thật là công việc chính của đảng cộng sản để ngăn chặn tự do ngôn luận làm yếu đi sự kiềm chế của đảng.

Đã từ lâu người dân phải ngậm miệng. Điều này cũng khó trách khi phải sống trong chế độ độc tài. Tai nạn giáng xuống đầu không chỉ cho riêng cá nhân dám nói, mà còn ảnh hưởng xấu về mặt chính trị mà cả về kinh tế và sự tự do đến gia đình, cả dòng họ.

Tuy nhiên con giun xéo mãi cũng phải oằn. Trước đây ít năm, người ta còn trách lẫn nhau sao không ‘ẳng’ lên một tiếng như con chó bị đánh. Những tiếng ‘ẳng’ lên từ con chó bị đánh, những cái oằn lên từ đám giun bị xéo nay đã bắt đầu thấy. Người ta chấp nhận chính quyền dùng cách này, cách kia trả thù, thậm chí bị bỏ tù dài hạn với những cái án mang tên rất dễ sợ và ít nơi trên thế giới có.

Mặc dù số người bị chế độ vu khống đưa ra tòa về các tội như âm mưu lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống phá chế độ, hay liên lạc với các tổ chức phản động nước ngoài vv.., số người yêu nước can đảm đấu tranh cho hạnh phúc của dân tộc càng nhiều hơn. Sự đấu tranh của họ diễn ra từ rất nhiều góc độ, đa dạng, nhưng hầu hết là trong ôn hòa, trong vòng luật pháp.

Việt Nam muốn hội nhập vào sự tiến bộ của thế giới bắt buộc phải ký các công ước về quyền con người, nhưng nếu tuân thủ, công nhận, tôn trọng  và trả lại mọi quyền con người như đòi hỏi trong các công ước Việt Nam đã phê chuẩn thì thế lực của đảng phải dần giảm bớt. Khi người dân biết đấu tranh cho quyền của họ, buộc nhà nước phải trả lại quyền con người cho dân thì sự độc tài đảng trị phải giảm đi. Ý thức được điều đó và vượt qua sợ hãi, nhiều người đã lên tiếng tố cáo tội ác của ĐCSVN với quốc tế, các tổ chức bênh vực cho nhân quyền, Liên Hiệp Quốc.

Các quốc gia thành viên của LHQ phải trải qua các cuộc đánh giá thường xuyên của những Ủy ban gồm các chuyên gia quốc tế độc lập về cách thực hiện Công ước, Nghị định thư, cũng như các khuyến nghị trước đó của Ủy ban qua các cuộc đối thoại công khai. Các chất vất của LHQ căn cứ trên các dữ liệu, chứng cứ thu nhận được từ các chuyến viếng thăm ngoại giao đến từng quốc gia và căn cứ trên các bản báo cáo từ cá nhân hay các đoàn thể gửi đến.

Trong cuộc rà soát về Quyền Trẻ Em tháng trước tại Geneve chẳng hạn, Việt Nam bị chất vấn về tất cả nhưng thiếu sót, sai lầm đối với công ước về quyền trẻ em của LHQ  đã được ký kết và những vi phạm tồn tại từng bị khuyến cáo và không thi hành, hoàn chỉnh từ phiên họp trước cách nay hơn 5 năm.

Việt Nam không thể che dấu được các vi phạm về nhân quyền trước công luận quốc tế hay LHQ vì nay đã có nhiều người dám đại diện những người dân thấp cổ bé miệng, nhóm bị đàn áp lên tiếng báo cáo, phản đối đến các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tiếng nói chân thực của người dân trong nước đã át đi tiếng nói giả dối của chính quyền, của ĐCSVN và đã được quốc tế nghe.

Nhờ nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, bất cứ ai, dù ở đâu có thể báo cáo những vi phạm của chính quyền (3). Tất cả báo cáo sẽ được chuyển đến LHQ. Trước công luận quốc tế, tiếng nói của người dân thấp cổ bé họng được cân nhắc, ngang bằng như của đảng và chính quyền, thậm chí còn được coi trọng hơn vì hàm chứa sự thật; từ đó sẽ làm giảm thiểu những bất công đặt trên đầu người dân.

 

______________

Xem thêm:

(1)https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/SessionDetails1.aspx?SessionID=2503&Lang=en&fbclid=IwAR38VRRJOksqZ6VseMmGx0V4aI_W2DAT9phLORFpb8IXKyNpHok9kX7CpaE

(2)https://www.facebook.com/VNAdvocacy/videos/1086301965198842/?extid=NS-UNK-UNK-UNK-IOS_GK0T-GK1C&ref=sharing

(2) https://media.un.org/en/webtv/schedule Có thể chọn tiếng Việt

(3) https://machsongmedia.org/kienthuc/luatphap/1523-anonymous-2.html


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Thằng dân nào có giỏi lên tiếng đi, không ăn 331 thì cũng 117!