Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nền kinh tế mà có ‘cục máu đông’ thì không chừng sẽ ‘đột quỵ’

Hàn Lam

 

(VNTB) – Nợ xấu được coi là “cục máu đông” của nền kinh tế, nếu không xử lý kịp thời sẽ làm “tắc nghẽn”, cản trở sự phát triển, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận hơn 1 triệu tỷ đồng phải gửi ở Ngân hàng Nhà nước lấy lãi 0,8%/năm mà không tiêu được chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế.

“Cục máu đông” này không phải chỉ ở Bộ Tài chính.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), riêng trong hai tuần cuối của tháng Năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản là 7.000 tỷ đồng, doanh nghiệp kinh doanh nguyên vật liệu khoảng 2.600 tỷ đồng và các ngân hàng là 2.000 tỷ đồng…

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu rõ khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 là gần 290.000 tỷ đồng, trong đó quý 3 lớn nhất với khoảng hơn 104.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thị trường và doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đang “chậm” khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro về áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023.

Trên thực tế, “cục máu đông” trái phiếu doanh nghiệp cũng đang dần lớn lên. Sau Tết Nguyên đán, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rất lo lắng với thông tin Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố về danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi cho trái chủ (trong đó có trên 30 doanh nghiệp bất động sản).

Đến tháng Năm, tình trạng này tiếp tục gia tăng khi FiinRatings (công ty vị xếp hạng tín nhiệm nội địa) ghi nhận gần 100 tổ chức phát hành công bố chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp với giá trị lên tới 128 ngàn tỷ đồng, tương đương 16% tổng quy mô trái phiếu phi ngân hàng đang lưu hành.

Theo giới quan sát, thì sau cuộc đại khủng hoảng, Mỹ đã ban hành Đạo luật Dodd-Frank nhằm chấn chỉnh lại thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường trái phiếu để bảo vệ những nhà đầu tư cá nhân. Đạo luật này quy định việc thiết lập một số những định chế mới để nâng cao sự kiểm soát thị trường và làm tăng tính minh bạch của thị trường.

Tình cảnh lúc này của Việt Nam cũng cần nâng cao khả năng kiểm soát và quyền lực cho các cơ quan quản lý, kiểm toán Nhà nước trong việc quản lý và kiểm soát thị trường. Thế nhưng tính đến hiện tại một đạo luật như kiểu Dodd-Frank vẫn chưa thấy đề cập.

Vấn đề cần lưu ý là các khuyến cáo với những con số cụ thể ở trên, thật ra không hề mới, đó chỉ là phần ‘cập nhật’ mà thôi.

Hồi trung tuần tháng 7-2022, tại một tọa đàm về vấn đề nợ xấu do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, kết luận cuối cùng đã đưa ra song cho đến nay không rõ vì sao vẫn chưa thấy thực hiện: Cần nhanh chóng đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để hướng tới việc xử lý nợ một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam…

Và trước đó nữa, sổ tay phóng viên của người viết còn lưu giữ nhắc rằng chiều 26-5-2017, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật các tổ chức tín dụng. Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng: Nợ xấu được coi là “cục máu đông” của nền kinh tế, nếu không xử lý kịp thời sẽ làm “tắc nghẽn”, cản trở sự phát triển, đe dọa an ninh tài chính quốc gia, là sự bức xúc, lo lắng của cử tri cả nước.

“Cục máu đông” ấy lúc đó không thể ‘đổ thừa’ về hệ lụy dịch giã Covid.

Thời điểm 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ông Lê Minh Hưng, người hiện là Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Ông Hưng là ‘hạt giống đó’: thân phụ của ông là Lê Minh Hương (1936-2004), Bộ trưởng Công an; hai người anh trai đều mang cấp tướng là trung tướng Lê Minh Hùng và thiếu tướng Lê Minh Hà.

Có ý kiến với lý lịch ‘đỏ choét’ như trên, nên “cục máu đông” khởi sự từ thời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng rất khó trong việc có ai đó dám kê toa kháng sinh liều mạnh cho “cục máu đông” nợ xấu. Vậy là dằng dai để rồi đưa đến ‘cú đổ đô-mi-nô’ như hiện tại.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lãi suất ngân hàng ở Việt Nam bắt đầu tăng

Phan Thanh Hung

VNTB – “Công an hóa”… thị trường vàng ở Việt Nam?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Khi nhà băng ‘ôm’ nợ xấu

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo