Hiền Vương
(VNTB) – Sáng mồng Một thức dậy, thắp hết một lượt nhang ở nhà rồi thì người người mới đi chùa lễ Phật, đi chơi, đi chúc Tết…
Ba ngày Tết bàn thờ rạng đèn, nhang khói không để lạnh ngắt một phút nào… Vậy nên Tết nhất thiết phải có người ở nhà tiếp khách và trực đốt nhang trên bàn thờ.
Khó ai diễn tả nỗi xúc động khi vào khoảnh khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, cả gia đình quây quần bên nhau, thắp trên bàn thờ vài nén nhang thơm để cùng tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người kính yêu đã khuất. Sự lẩn khuất của làn khói trắng, mùi thơm nhẹ lan tỏa, làm cho ta thấy ấm cúng và gắn bó với nhau nhiều hơn.
Những sợi khói nhang cuộn tròn, rồi phảng phất bay đi để lại mùi hương thoang thoảng, dịu dàng như một sợi dây thiêng liêng gắn kết cuộc sống con người với đất trời, là cầu nối giữa con người ở trần gian với thần thánh, ông bà, tổ tiên đang ở cõi vĩnh hằng.
Lạ là, cũng mùi hương khói ấy, nhưng nhang khói trong những ngày Tết cho cảm giác lạ hơn, ấm áp hơn ngày thường. Có lẽ điều này nằm trong kiến giải rằng bởi vì tâm thức của mỗi người Việt Nam đều tin tưởng ở thế giới bên kia, trong khoảng không gian vô định, có những hình ảnh, những con người đang hướng về chúng ta, đang ở bên chúng ta hằng ngày. Và khi thắp nén nhang lên, ta có thể tâm sự với họ, sưởi ấm với cả thế giới này và cả với thế giới vô hình kia nữa.
Rất nhiều vùng dân cư ở Nam bộ, người ta còn thắp nhang cho từng gốc cây, ụ mối, góc nhà với quan niệm mọi vật đều có đời sống tâm linh. Triết lý nhân sinh thật đơn giản, nhưng lại mang nội hàm đa dạng, phong phú thường thấy ở các dân tộc Á đông.
Cứ thử tưởng tượng, lần nào đó trong chuyến xe quá khứ ta chợt mang cảm giác ghé lại cố xứ chiều 30 Tết, và rồi tự tay thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, khi ấy dường như trong bát ngát hương trầm tỏa bay, tưởng như từng sợi khói thơm kia có bóng dáng người xưa đang trở về.
Khi ấy, tin rằng lòng ta tĩnh lặng dõi vọng bóng dáng của tổ tiên trong nhang thơm, nghĩ về điều linh thiêng, những ước vọng kiếp sống, những hoài bão bao đời mà ông cha giống nòi gửi gắm, nghĩ về người thân ta nay đã không còn.
Tết của người Việt thiêng liêng là bởi không chỉ dành cho người đang sống, mà còn để tưởng nhớ người đã khuất. Tất cả giao thoa quyện chặt giữa hai cõi dương – âm, giữa hiện tại – quá khứ, cùng hướng đến tương lai.
Nén nhang cũng như đời người, vô thường và ngắn ngủi. Tàn tro của nhang nhắc nhở người ta đừng để thời gian trôi qua uổng phí tháng ngày. Đối với mỗi người Việt, dù thành thị hay nông thôn, dù miền xuôi hay miền ngược nhưng mỗi khi Tết đến, Xuân về đều thắp lên trong nhà mình một nén nhang để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên.
Đó là còn bởi năm tháng không bao giờ quay trở lại nên có những thứ nếu không cùng nhau gìn giữ, vun đắp, dựng xây thì chỉ mãi mãi còn trong ký ức. Chẳng phải Tết năm trước đi sang Tết năm nay nhanh như cơn gió, nhẩm tính như cây mấy lần trổ hoa… Chẳng phải có những khoảnh khắc, những âm thanh, những mùi hương luôn làm đầy thêm nỗi khắc khoải nhớ thương…
Nhiều người Việt xưa có thói quen, khi đi xa về thường thắp nhang trên bàn thờ, và những người sắp đi xa lại cũng thắp nhang để cầu mong đi đường được bình an, may mắn. Ngày Tết đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm, người ta luôn bắt gặp những hình ảnh rất quen thuộc: cụ ông, cụ bà, nam thanh nữ tú tay cầm nén nhang, miệng lâm râm khấn vái cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, phúc lộc thọ khang ninh…
Một nén nhang cầu chúc hạnh phúc, an lành cho mọi người, cầu xin sự bình an trong năm mới và để cho không khí của những ngày đầu năm thêm ấm áp, tươi vui…