Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nếu “bị hại” tiếp tục từ chối “hầu tòa” thì làm sao rõ trắng đen?

tịnh thất bồng lai

Hà Nguyên – Cát Tường

 

(VNTB) – Nếu tu sĩ Thích Nhật Từ tiếp tục vắng mặt tại phiên tòa của vụ án “Tịnh thất Bồng Lai”, vậy thì sẽ đối chất ra sao trong yêu cầu có thể được nêu ra từ phía luật sư bảo vệ các bị cáo

 

Dự kiến vào ngày 20-7-2022 sẽ mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án “Tịnh thất Bồng Lai”.

Người tu hành hại nhau?

Vụ án có các bị cáo gồm ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) và Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) và Cao Thị Cúc (62 tuổi), cùng ngụ tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An bị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 của Bộ luật hình sự.

Các bị hại của vụ án có ông Trần Ngọc Thảo (tức tu sĩ Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, TP.HCM). Thượng tá Nguyễn Sơn, Trưởng Công an huyện Đức Hòa là đại diện bị hại. Đại diện bị hại Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Long An, là ông Trương Ngọc Toàn (pháp danh Thích Minh Thiện, là trụ trì chùa Thiên Châu).

Theo cáo trạng, từ năm 2019 đến 2021, các bị cáo đã đăng tải trên Facebook và YouTube thông tin sai sự thật, xuyên tạc nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa (Long An), xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ), gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.

Trong danh sách các bị hại như cáo trạng nêu, cho thấy với tư cách cá nhân bị hại chỉ có mỗi ông Trần Ngọc Thảo, tức tu sĩ Phật giáo có pháp danh Thích Nhật Từ. Ông Thảo đã vắng mặt ở phiên xét xử hình sự sơ thẩm vụ án “Tịnh thất Bồng Lai” hồi cuối tháng 6-2022, và sự vắng mặt này là một trong số duyên cớ để dời phiên tòa sang ngày 20 tháng 7 tới đây.

Đối chất giữa các nhà tu tại pháp đình?

Nếu tu sĩ Thích Nhật Từ tiếp tục vắng mặt tại phiên tòa của vụ án “Tịnh thất Bồng Lai”, vậy thì sẽ đối chất ra sao trong yêu cầu có thể được nêu ra từ phía luật sư bảo vệ các bị cáo?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì bị hại có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Bình luận về điều luật trên cho biết trong vụ án hình sự việc bị hại tham gia phiên tòa vừa có quyền và đồng thời có nghĩa vụ. Việc người bị hại tham gia phiên tòa trong nhiều vụ án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp hội đồng xét xử làm sáng tỏ nội dung vụ án.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp vì một nguyên nhân nào đó bị hại không tham gia phiên tòa khiến việc giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn. Vậy trong trường hợp này có cần tiến hành biện pháp “Dẫn giải” bị hại tham gia phiên tòa không? Đây chính là một kẻ hở pháp lý mà rất có thể ông Trần Ngọc Thảo sẽ lách nếu như vị tu sĩ này tiếp tục ngại ra tòa trong trang phục dân sự thay cho pháp phục Phật giáo.

Kẻ hở đó là theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 4 và điểm b khoản 2 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, thì biện pháp “Dẫn giải” chỉ được áp dụng đối với bị hại khi bị hại từ chối đi giám định, chưa có quy định đối với trường hợp khi bị hại từ chối hoặc trốn tránh tham gia phiên tòa.

Tuy nhiên kẻ hở trên khá mong manh vì việc “Dẫn giải” bị hại tham gia phiên tòa chịu sự điều chỉnh của điểm a khoản 4 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự (đã nêu ở trên) thì vẫn có thể áp dụng đối với trường hợp “Dẫn giải” bị hại Trần Ngọc Thảo khi tham gia phiên tòa, vì tu sĩ Thích Nhật Từ là “bị hại trực tiếp”.

Nhóm tác giả viết bài này cho rằng ở phiên tòa ngày 20-7-2022 trong vụ án “Tịnh thất Bồng Lai”, chỉ khi trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại Trần Ngọc Thảo gây trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại, thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ai sẽ hầu toà nếu cụ Lê Tùng Vân cũng sân si như ông Thích Nhật Từ?

Trương Thế Tử

VNTB – Lợi dụng trẻ em kiếm tiền từ thiện?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và Giáo Hội Phật Giáo VN lạm quyền

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo