Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nếu kinh tế Mỹ suy thoái thì sẽ ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

Hàn Lam

(VNTB) – Trong khi các nhà kinh tế, chuyên gia tin chắc rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở sát mép vực suy thoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông vẫn khẳng định đó không phải điều “không thể tránh khỏi”.

Có lẽ ở lúc này, Việt Nam cũng có niềm tin như ông chủ Nhà Trắng, vì nếu kinh tế Mỹ suy thoái thì hệ lụy dắt dây đến kinh tế Việt Nam là điều cũng là “không thể tránh khỏi”.

Ngày 20-6, khi các phóng viên đuổi theo để hỏi về việc các chuyên gia nói rằng kinh tế Mỹ sắp suy thoái, Tổng thống Biden trả lời: “Không phải phần đông đều nói vậy. Tôi không nghĩ suy thoái là điều không thể tránh khỏi. Tôi đã nói chuyện với cựu bộ trưởng tài chính Larry Summers sáng nay và không có chuyện không thể tránh khỏi suy thoái” – ông Biden nói, nhắc đến cuộc phỏng vấn gây xôn xao dư luận trước đó của ông Summers cho rằng suy thoái thường xảy ra khi lạm phát cao.

Lần trước, ông Biden cũng khẳng định điều này khi Cục Dự trữ liên bang (FED) nâng lãi suất kỷ lục vào ngày 15-6.

Các quan chức trong chính quyền ông Biden cũng phát đi thông điệp tương tự trên truyền thông. “Tôi nghĩ kinh tế sẽ chững lại… nhưng tôi không nghĩ suy thoái là không thể tránh khỏi”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói trong phỏng vấn trên Đài ABC.

Trở ngược quá khứ để tìm câu trả lời Việt Nam đang chuẩn bị ứng phó ra sao? Đó là câu chuyện của những năm đầu 2000.

Chỉ số sản xuất của Mỹ tháng 2-2008 ở mức thấp hơn nhiều so với dự báo và chỉ số này đã giảm 2%, lưu ý là vào 6 tháng trước cuộc suy thoái năm 2001, chỉ số sản xuất đã giảm 2,2% và mức giảm trung bình trong 6 tháng trước của hầu hết các cuộc suy thoái là 2,5%.

Tăng trưởng kinh tế của quý 4/2007 của Mỹ chỉ đạt 0,6%, thấp hơn nhiều so với quý 3 trước đó, kéo tốc độ tăng trưởng cả năm 2007 xuống còn 2,2%, mức thấp nhất tính từ năm 2002 là năm kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục. Tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 5% vào tháng 12-2007. Từ tháng 12-2007 đến tháng 2-2008, hoạt động xây dựng giảm 16,9%, chỉ số Dow Jones giảm 13%, vượt quá mức 10% – một mức đã được xem là ảm đạm.

Thời điểm đó, GDP của Mỹ chiếm khoảng 28% GDP của toàn thế giới. Nhập khẩu của Mỹ hàng năm lên đến 1.700 tỷ USD.

Còn với Việt Nam thì tăng trưởng kinh tế từ 1992 – 1997 đạt 8,77%/năm, nhưng năm 1998 giảm xuống chỉ còn 5,76%, năm 1999 chỉ còn 4, 77%, năm 2000 đã tăng lên 6,8%, nhưng năm 2001 cũng chỉ tăng 6,9%, bình quân thời kỳ 1998 – 2001 chỉ tăng 6,05%/năm, thấp hơn nhiều so với bình quân thời kỳ 1992 – 1997 và cũng thấp hơn tốc độ tăng bình quân 7,88%/năm của thời kỳ 2002 – 2007.

Các nhà hoạch định chính sách khi đó nhận định là suy thoái kinh tế của Mỹ sẽ tác động trực tiếp đối với Việt Nam, trước hết là xuất khẩu, bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tác động này thể hiện trên hai mặt.

Một, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Mỹ đối với thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng thời điểm đó được ghi nhận là một trong 37 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ, trong đó có một số mặt hàng đứng thứ hạng cao hơn như dệt may, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, đồ gỗ, thuỷ sản…

Mặt khác, do tỷ giá VND/USD giảm, tức là VND lên giá so với USD sẽ làm cho xuất khẩu vào Mỹ của các doanh nghiệp sẽ bị lỗ về tỷ giá, tức khi vay tiền để sản xuất, mua hàng xuất khẩu, tỷ giá VND/USD chẳng hạn còn ở mức 16.200 VND/USD (thời giá lúc đó), nhưng khi xuất khẩu thu được USD mang đổi ra VND lại chỉ còn 15.700, tức là đã bị lỗ về tỷ giá là 300 đồng. Đó là chưa kể, để cạnh tranh bán hàng vào Mỹ, nhiều nước có mặt hàng tương đồng đã giảm giá.

Tác động thứ hai là tỷ giá VND/USD giảm (tức là USD giảm giá trên thị trường thế giới, trong đó có cả VND, hay VND lên giá so với USD).

Lâu nay, đồng Việt Nam được định giá gắn với đồng USD. Khi giá USD giảm trên thị trường thế giới, nếu không chấp nhận cho VND lên giá thì sẽ góp phần làm cho lạm phát tăng lên, tức “nhập khẩu lạm phát”, đồng thời người tiêu dùng phải chịu giá cả tăng do nhập khẩu. Do đó giải pháp ở thời điểm đó là chấp nhận cho phép VND lên giá để tăng nhập khẩu, vừa tăng cung hàng hoá làm giảm bớt mất cân đối hàng – tiền, vừa hạ giá hàng nhập khẩu làm giảm áp lực lạm phát.

Mặc dù giá VND lên sẽ làm cho xuất khẩu bị thiệt, nhưng nhập khẩu lại có lợi về tỷ giá. Về xuất khẩu thì bị lỗ như ở ví dụ trên. Về nhập khẩu, khi vay thì tỷ giá là 16.200 VND/USD, khi nhập khẩu, bán hàng, thanh toán xong để trả nợ thì tỷ giá xuống 15.700 VND/USD, thì người nhập khẩu sẽ được lãi 500 VND hoặc người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trong số đó.

…Có lẽ chờ đợi thêm thời gian ngắn nữa coi các chính sách về hối đoái của nữ Thống đốc đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra sao trước viễn cảnh kinh tế Mỹ có thể suy thoái.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Giá đô la và vàng cùng tăng mạnh

Do Van Tien

VNTB – Tỷ giá USD ở Việt Nam vẫn “ổn định”

Do Van Tien

VNTB – Thị trường tài chính Việt Nam mùa làm ăn Tết lại thêm căng thẳng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.