Lynn Huỳnh
(VNTB) – Con số thống kê thiệt hại 100 tỉ USD ban đầu mới chỉ là “ước chừng”, bao gồm thiệt hại về đường sá, cầu, bệnh viện, thiết bị và các tài sản khác.
Thông thường việc tính toán giá trị thiệt hại tài sản đã rất khó khăn. Việc tính toán giá trị thiệt hại do chiến tranh gây ra càng khó khăn hơn.
Hiện nay, đang xảy ra cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Rồi thì cuộc chiến cũng phải kết thúc. Theo luật pháp quốc tế thì Nga sẽ phải bồi thường chiến tranh cho Ukraine bởi vì Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Nga “không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine”, mà mục tiêu cuối cùng của chiến dịch quân sự đặc biệt này là để bảo vệ người dân khu vực Donbass.
Hàng ngày, phía Nga vẫn liên tục thông báo là đã phá huỷ được bao nhiêu cơ sở hạ tầng, phương tiện, tài sản và sinh mạng của Ukraine, và đó chính là bằng chứng hữu hiệu để sau này tàn cuộc binh đao, Nga phải bồi thường chiến phí.
Công pháp quốc tế có một chế định gọi là Công ước “Về trách nhiệm của quốc gia vì các hành vi trái Luật quốc tế” (Articles on International Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts – viết tắt là ARSIWA) năm 2001.
Nhiều điều khoản trong ARSIWA đã từng được các toà án quốc tế công nhận là phản ánh tập quán quốc tế – như Điều 1 của ARSIWA quy định rằng “Mỗi hành vi sai phạm quốc tế của một quốc gia đều làm phát sinh trách nhiệm quốc tế đối với quốc gia đó”. Quy định này đã được các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng như một quy định hay nguyên tắc pháp lý quốc tế từ rất lâu như Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice – ICJ).
Cũng lưu ý rằng luật pháp quốc tế có quy định riêng về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm này chỉ áp dụng cho các cá nhân. Ví dụ khi Nga xâm lược Ukraine thì hành vi xâm lượng sẽ làm phát sinh trách nhiệm pháp lý cho quốc gia Nga, còn trách nhiệm hình sự sẽ áp dụng cho lãnh đạo của quốc gia đó là Vladimir Putin nếu có vi phạm luật nhân đạo quốc tế).
Theo Khoản 2, Điều 3 của Công ước này thì trách nhiệm bồi thường đầy đủ phát sinh trong trường hợp thiệt hại xảy bởi các hành vi trái Luật quốc tế, nghĩa là quốc giả phải bồi thường cho thiệt hại là kết quả của hành vi trái luật gây ra.
Điều 31 của Công ước cũng quy định chính phủ có trách nhiệm phải bồi thường đầy đủ thiệt hại do hành vi trái Luật quốc tế của mình gây ra, thiệt hại là tổn thất bất kỳ cả về vật chất và tinh thần. Điều 34 Công ước đã quy định về hình thức bồi thường, theo đó bồi thường đầy đủ thiệt hại gây ra do hành vi vi phạm Luật quốc tế được thực hiện dưới các hình thức: phục hồi, hoàn lại, hoặc kết hợp cả hai hình thức đó theo nội dung chương II Phần 2 Công ước.
Theo quy định của Công ước thì đền bù là việc bồi thường thiệt hại vật chất được thể hiện bằng tiền, hàng hoá hoặc các dịch vụ. Tổng số thiệt hại cần đền bù, theo nguyên tắc, thường ít hơn nhiều so với thiệt hại thực tế gây ra bởi chiến tranh.
Trung tuần tháng 3-2022, phát biểu tại sự kiện trực tuyến do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổ chức, ông Oleg Ustenko – cố vấn kinh tế chính của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng, chiến tranh đã khiến 50% doanh nghiệp Ukraine phải đóng cửa hoàn toàn, trong khi nửa còn lại hoạt động dưới công suất của họ.
Theo ông Ustenko, con số thống kê thiệt hại 100 tỉ USD ban đầu mới chỉ là “ước chừng”, bao gồm thiệt hại về đường sá, cầu, bệnh viện, thiết bị và các tài sản khác.
Có thắc mắc lúc tàn binh đao, khi Nga có thể dựng lên một chính phủ khác thân Nga và dứt khoát không đền bù chiến tranh thì ‘thi hành án’ có bế tắc?
Ông Ustenko cho hay, một phần tiền bạc để tái thiết Ukraine sau chiến tranh có thể được lấy từ các tài sản Nga đang bị đóng băng khắp thế giới, bao gồm tài sản của ngân hàng trung ương Nga ở nước ngoài theo lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông nói thêm rằng, tài sản bị tịch thu của các tài phiệt Nga cũng có thể được chuyển vào quỹ tái thiết đó.
Nói thêm, sở dĩ ông Oleg Ustenko ít nhiều lạc quan về khoản bồi thường chiến tranh này, vì Điều 48 của ARSIWA quy định bất kỳ quốc gia nào không phải là quốc gia vi phạm cũng có quyền yêu cầu, nếu (a) nghĩa vụ đó là một nghĩa vụ tập thể của một nhóm quốc gia và nhằm bảo vệ lợi ích tập thể của cả một nhóm quốc gia đó; hoặc (b) nghĩa vụ đó là nghĩa vụ đối với toàn thể cộng đồng quốc tế.
Quốc gia có quyền yêu cầu theo Điều 48 không phải với tư cách là quốc gia chịu thiệt hại, mà với tư cách là thành viên của một nhóm quốc gia hay của cộng đồng quốc tế.
Việc quy định cho phép quốc gia không phải là quốc gia bị thiệt hại được quyền yêu cầu nhằm lấp khoảng trống trong việc cưỡng chế chống lại các vi phạm nghĩa vụ chung nhằm bảo vệ lợi ích tập thể – và có lẽ đây cũng là một trong những nguồn cơn mà Nga không thích chút nào, nếu như Ukraine có thể nhượng bộ không gia nhập khối Nato, nhưng vẫn khăng khăng phải vào bằng được EU.