VNTB – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘bơm tiền’ ra thị trường dịp Tết Nhâm Dần

VNTB – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘bơm tiền’ ra thị trường dịp Tết Nhâm Dần

 

Ngọc Lan

(VNTB) – Trong tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ròng ra thị trường hơn 8.800 tỷ đồng.

 

Tính chung 2 tuần giao dịch cuối năm Âm lịch, số tiền Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường đạt gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, các hợp đồng tín phiếu mua vào đều có lãi suất 2,5%/năm và kỳ hạn mua tuần trước là 28 ngày và tuần gần nhất có kỳ hạn 14 ngày. Điều này đảm bảo các hợp đồng tín phiếu sẽ được đáo hạn khi thị trường quay trở lại giao dịch sau Tết khoảng 1 tuần.

Một chi tiết đáng quan tâm là Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước luân phiên mua ngoại tệ và bơm sang hệ thống ngân hàng hàng trăm ngàn tỷ đồng trong nửa cuối năm 2021. Động thái này được ghi nhận là thể hiện thiện chí của các cơ quan chức năng trong việc duy trì thanh khoản thị trường dồi dào để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Chỉ tính từ đầu tháng 12, Kho bạc Nhà nước đã có 4 lần thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại, tổng khối lượng mua vào dự kiến là 900 triệu USD. Với loại hình giao dịch giao ngay và giá mua vào niêm yết trên Ngân hàng Nhà nước là 22.650 VND/USD, tương ứng lượng tiền VND được bơm sang hệ thống ngân hàng là 20.400 tỷ đồng.

Nếu tính cả tháng 10 và tháng 11-2021, Kho bạc Nhà nước đã có 6 đợt chào mua ngoại tệ từ các ngân hàng với tổng khối lượng 1,3 tỷ USD, tương ứng lượng nội tệ đối ứng chuyển vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 29.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục mua vào một lượng lớn ngoại tệ, qua đó đẩy hàng trăm tỷ đồng nội tệ vào hệ thống ngân hàng trong nửa cuối năm 2021.

Theo số liệu của SSI Research, chỉ riêng trong vòng 3 tuần đầu tháng 11, lượng VND bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước lên tới hơn 60.000 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 7 và tháng 8, hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần đã nhận thêm hơn 127.000 tỷ đồng thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ. Đây là các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng cho Ngân hàng Nhà nước với tổng giá trị thực hiện ước tính khoảng 5,5 tỷ USD.

Hoạt động mua ngoại tệ của hai cơ quan trên đã giúp hệ thống ngân hàng liên tục có thêm lượng tiền đồng mới. Qua đó duy trì thanh khoản và ổn định mặt bằng lãi suất trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường huy động dân cư.

Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, số tiền Ngân hàng Nhà nước bơm ròng ra năm nay chỉ tương đương 1/5 giá trị. Cụ thể, trong 2 tuần làm việc cuối cùng của năm Âm lịch 2020, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ra thị trường tới hơn 50.700 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Trong đó, số bơm ròng tập trung chủ yếu vào 2 ngày cuối năm, với giá trị hơn 26.600 tỷ.

Trên thị trường liên ngân hàng, hoạt động cho vay chéo giữa các nhà băng cũng diễn ra nhộn nhịp hơn ở các kỳ hạn dài 2 tuần đến 3 tháng, cùng với đó là lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất 1 năm. Cụ thể, phiên 27-1-2022, doanh số cho vay giữa các nhà băng đạt khoảng 144.200 tỷ đồng. Trong đó, cho vay qua đêm đạt gần 104.500 tỷ, với lãi suất 2,24%/năm. So với phiên 25-1-2022, mức lãi suất này đã tăng 1,14 điểm %.

Ở kỳ hạn 1 tuần, doanh số cho vay liên ngân hàng đã giảm xuống mức 100 tỷ đồng với lãi suất đi ngang ở 2,2%/năm. Trong phiên này, doanh số cho vay ở các kỳ hạn 2 tuần đến 3 tháng tiếp tục tăng mạnh. Số tiền vay chéo kỳ hạn 2 tuần giữa các ngân hàng đạt 34.630 tỷ, chiếm 1/4 doanh số giao dịch trong ngày, lãi suất bình quân 2,47%/năm. Tương tự, doanh số giao dịch kỳ hạn 1 và 3 tháng lần lượt là 1.675 tỷ và 2.715 tỷ đồng, lãi suất ở mức 2,75% và 2,92%/năm.

Chính giao dịch cho vay liên ngân hàng tăng mạnh trong những phiên cuối năm đã giúp Ngân hàng Nhà nước không phải bơm quá nhiều tiền hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Diễn biến ở trên cho thấy các tổ chức tín dụng này đã chấp nhận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất lên tới 2,5%/năm, kỳ hạn 14 ngày. Mức lãi suất này cao hơn nhiều so với lãi suất liên ngân hàng cùng kỳ hạn hiện chỉ vào khoảng 1,9%/năm.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, và có thể linh hoạt theo định hướng điều hành. Việc phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sẽ được thực hiện theo các công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và các phương án điều hành khác.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)