Hàn Lam
(VNTB) – Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sử dụng tới giao dịch mua kỳ hạn lên tới 91 ngày để ‘bơm’ tiền hỗ trợ các ngân hàng thương mại.
Ngày 12-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘bơm’ ra thị trường mở hơn 5.177 tỷ đồng. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp kể từ đầu tháng 12 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bơm ròng ra thị trường hơn 62.595 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong phiên gần nhất, bên cạnh giao dịch mua tín phiếu với kỳ hạn 14 ngày, giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, thực hiện với 7 thành viên tham gia và trúng thầu, nhà điều hành đã ghi nhận giao dịch mua kỳ hạn 91 ngày, giá trị gần 3.000 tỷ đồng, áp dụng với 4 thành viên trúng thầu.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sử dụng tới giao dịch mua kỳ hạn lên tới 91 ngày để ‘bơm’ tiền hỗ trợ các ngân hàng thương mại. Với thời gian kể trên, gần 3.000 tỷ đồng này sẽ lưu thông trong nền kinh tế tới đầu tháng 3-2023 mới quay trở lại Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc lãi suất trúng thầu của các giao dịch mua kỳ hạn 91 ngày từ Ngân hàng Nhà nước chỉ ở mức 6,33%/năm, chỉ cao hơn 0,33 điểm % so với mức 6%/năm của kỳ hạn 14 ngày, cho thấy nhà điều hành chủ động ‘bơm’ tiền ra với kỳ hạn dài hơn để dòng tiền chảy trong nền kinh tế lâu hơn.
Việc cơ quan quản lý tiền tệ duy trì loạt phiên bơm ròng khối lượng tiền đồng liên tiếp qua kênh giao dịch thị trường mở cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang muốn tăng khối lượng tiền trong hệ thống ngân hàng để đáp ứng các nhu cầu vay vốn tăng cao khi ‘room’ tín dụng được nới lên mức 15,5-16%, so với kế hoạch đầu năm là 14%.
Trong chuyện ‘bơm’ tiền trên thật ra là điều không lạ, bới với quyết định nới ‘room’ kể trên của Ngân hàng Nhà nước, đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ được ‘bơm’ thêm khoảng 156.000 – 200.000 tỷ đồng trong tháng 12 này thông qua hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, phần ‘room’ tín dụng được nới thêm kể trên cộng với phần ‘room’ tín dụng còn lại chưa dùng hết trong kế hoạch ban đầu, ước tính tổng hạn mức tín dụng cho nền kinh tế trong riêng tháng còn lại của năm 2022 sẽ đạt khoảng 400.000 tỷ đồng.
Kho bạc Nhà nước phát hành 42.790 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong tháng 11-2022. Lợi suất trái phiếu chính phủ thứ cấp đi ngang so với tháng trước. Khối ngoại bán ròng 959 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong tháng.
Về lý thuyết tài chính thì ‘bơm’ tiền là việc Ngân hàng Nhà nước (hay còn gọi là Ngân hàng trung ương) ‘bơm’ tiền vào thị trường làm cho lượng tiền lưu hành tăng. Chính sách này sẽ được áp dụng khi mà nền kinh tế đang suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Ngân hàng trung ương sẽ tiến hành ‘bơm’ tiền vào nền kinh tế. Mức cung tiền tăng lên làm cho mức lãi suất giảm. Tức là người ta có thể vay tiền ở ngân hàng thương mại dễ dàng hơn với một mức lãi suất thấp. Điều này kích thích những khoản vay cá nhân và doanh nghiệp. Từ đó sẽ thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Để mở rộng cung tiền thì Ngân hàng trung ương sẽ sử dụng 1 trong 3 cách sau đây, hoặc có thể thực hiện đồng thời cả ba: Mua chứng khoán ở trên thị trường mở – Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc – Giảm mức lãi suất chiết khấu.
Lưu ý, chính phủ có một quyền năng đặc biệt khác với người dân và doanh nghiệp là thể vay nợ mà không cần thế chấp, có thể tự phát hành tiền để tiêu và trả nợ, và khả năng vô cùng đặc biệt khác nữa là có thể làm tăng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.
Do vậy, ‘bơm’ tiền và lạm phát có mối quan hệ mật thiết với nhau. Lạm phát sẽ được hiểu đơn giản là mức giá hàng hóa chung sẽ gia tăng cao và đồng tiền bị giảm giá trị. Việc này sẽ gây khó khăn trong hoạt động trao đổi hàng hóa trong nước và quốc tế.