Thiền Lâm
Dự toán 230 ngàn tỷ đồng để triển khai dự án cao tốc đường bộ Bắc – Nam vẫn không hề được “nương tay”.
Môt văn bản của Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam, trong đó “giao Bộ Giao thông chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện 2 phương án là nhà nước hỗ trợ 63.000 tỷ đồng và 70.000 tỷ đồng, báo cáo Thủ tướng quyết định trước khi trình Quốc hội. Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước sẽ chủ yếu dành cho giải phóng mặt bằng và một phần cho đầu tư, phần còn lại khoảng 70% tổng mức đầu tư sẽ huy động từ nguồn xã hội hóa”.
Vào tháng 10/2016, các “nhà làm luật” của Bộ Giao thông Vận tải đã lộ rõ ý đồ “hốt cú chót” trong buổi hoàng hôn chế độ, khi không chỉ đẩy vọt dự toán của dự án cao tốc đường bộ Bắc – Nam đến 230 ngàn tỷ đồng, mà còn đòi chính phủ phải có cơ chế chỉ định thầu cho dự án này.
Ở Việt Nam trong rất nhiều năm qua, ai cũng quá biết chỉ định thầu là một hình thức dễ dàng mang lại “lại quả” tiêu cực lớn nhất. Tỷ lệ phần trăm “lại quả” trong các dự án xây dựng cơ bản thông thường là 30%, có khi lên đến 50%.
Trong dự toán 230 ngàn tỷ đồng của dự án khủng khiếp trên, Bộ Giao thông Vận tải còn muốn ngân sách chi đến 93 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 40%. Phần còn lại sẽ được huy động từ một số nguồn vốn khác, trong đó có nguồn ODA.
Nhưng cũng vào tháng 10/2016, Bộ Tài chính đã phải văn bản trả lời Bộ Giao thông Vận tải, trong đó đánh giá dự án trên là “chưa có cơ sở”, “không hợp lý”, và chưa biết lấy đâu ra tiền cho dự án lên tới 230.000 tỷ đồng khi nợ công đã sát trần.
Thời hoàng kim “mổ nội tạng” ngân sách đã qua. Bây giờ thì tìm ra một ngàn tỷ đồng cũng đã khó.
Giới lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải có thể tưởng tượng ra một kênh hút tiền khác là phát hành trái phiếu quốc tế. Thế nhưng sự thật trần như nhộng là kênh phát hành trái phiếu quốc tế cho tới nay đã hoàn toàn bế tắc. Nếu vào cuối năm 2015 chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt tuyên truyền cho kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế giá trị 3 tỷ USD, thì đến giữa năm 2016 chính giới quan chức Bộ Tài chính đã phải gián tiếp xác nhận rằng kế hoạch này đã phá sản.
Ngay cả kênh phát hành “trái phiếu chính phủ trong nước cũng tệ hẳn so với năm 2016. Nếu năm 2016 còn phát hành được khoảng 250 ngàn tỷ đồng, thì năm nay chỉ có thể đạt khoảng 180 ngàn tỷ đồng, tức sụt gần 30%.
Trong khi đó, Chính phủ chỉ dám bảo lãnh nợ vay nước ngoài cho các doanh nghiệp tròn 1 tỷ USD trong năm 2017, giảm mạnh so với mức bảo lãnh 1,5 tỷ USD vào năm 2016 và 2,5 tỷ USD vào năm 2015.
Nợ công hiện thời không phải gần 65% GDP như các báo cáo của giới quan chức chính phủ quan liêu và tắc trách, mà đã lên đến 210% GDP theo một tính toán mới nhất của nhà nghiên cứu độc lập Vũ Quang Việt.
Vậy ngân sách nhà nước sẽ lấy đâu ra 70 ngàn tỷ đồng để chi cho dự án cao tốc đường bộ Bắc – Nam? Nếu thông qua con số này thì Quốc hội sẽ dựa vào cơ sở nào?