Từ trước tới nay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do các tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ nước ngoài đều quy định hết sức chặt chẽ, không cho phép chính phủ Việt Nam sử dụng số tiền cho vay sai mục đích. Tuy nhiên trong thực tế “đúng quy trình” của ngân sách Việt Nam, tiền vay nước ngoài, đặc biệt là vay vốn ODA, có nhiều dấu hiệu đã bị chi sai mục đích, và chi xài vô tội vạ. Tình trạng này đã xảy ra phổ biến trong 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Mới đây, một bằng chứng đã phát lộ về lịch sử có dấu hiệu chi sai mục đích như thế.
Trong một phiên họp thường kỳ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 22/12/2016, phía Chính phủ đã đề nghị sử dụng 4,482 tỷ đồng để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng Bộ Tài chính nói không khả thi. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng nếu sử dụng ngân sách 2016 thì không phù hợp về nguồn vốn, có thể sử dụng vốn 2017 nhưng phải điều chỉnh để đưa vào kế hoạch.
Còn cơ quan thẩm tra của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chính phủ giải trình rõ việc sử dụng vốn vay ODA để cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng chính sách có bảo đảm phù hợp với các hiệp định vay đã ký kết hay không? Hoặc có nằm trong các khoản vay của chính phủ để cân đối ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản đã bố trí năm 2016 nhưng nay chưa sử dụng, có thể cân đối cho việc bố trí vốn điều lệ cho hai ngân hàng hay không…
Không chỉ bị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề truy ngược, chính phủ còn bị ngay một cơ quan trực thuộc là bộ Tài chính phản bác, ít nhất không thể lấy ngân sách năm 2016 để chi vốn điều lệ cho hai ngân hàng này.
Vậy ai và cơ quan nào đã tham mưu cho chính phủ để lấy vốn ODA cấp cho ngân hàng – một cơ chế thuần túy kinh doanh? Chẳng lẽ giới lãnh đạo chính phủ không hề biết rằng đó là chi sai mục đích, là “cố ý làm trái các quy định quản lý tài chính của nhà nước”. Điều này sẽ khiến các tổ chức cho vay như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, Nhật Bản… phẫn nộ ra sao, khi họ biết về sự thật bừa bãi và đầy tính lợi ích nhóm này?
Cơ chế sử dụng ODA bừa bãi trên cũng là một bằng chứng cho thấy dưới thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chính phủ rất có thể đã quen với việc dùng tiền ODA để chi cho những mục đích khác, thay vì sử dụng đúng mục đích ODA cho các dự án hạ tầng cơ sở và môi trường. Họ đã cắt nguồn vốn này cho các khoản chi tiêu thường xuyên của chính phủ, thậm chí còn có thể cắt ODA cho các dự án xây dựng trụ sở hành chính, và tượng đài từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng đầy tai tiếng và cực kỳ đáng lên án.
Sự an ủi và may mắn còn lại, dù đã quá muộn, để Bộ Tài chính không chấp nhận dùng ODA năm 2016 cấp cho hai ngân hàng, trên chỉ còn là tình trạng ngân sách đã khốn đốn đến mức không còn bất cứ khoản kết dư nào để vung tay quá trán. Bởi nếu còn kết dư, hẳn Bộ Tài chính rất có thể vẫn tiếp tục làm theo yêu cầu của chính phủ, bất chấp việc chi xài đó là sai phạm.
Lê Dung / SBTN