VNTB – Ngày lễ Tình yêu: nói chuyện yêu vội của người trẻ

VNTB – Ngày lễ Tình yêu: nói chuyện yêu vội của người trẻ

Mỹ Tiến

 

(VNTB) – Trong bối cảnh xã hội đang trải qua những biến đổi nhanh chóng, nhận thức của giới trẻ về tình yêu cũng đang trở nên đa dạng và phong phú. Nổi bật trong đó là vấn đề yêu vội trong giới trẻ, đây dường như đã trở thành một hiện tượng đáng chú ý, đặt ra nhiều thách thức về mặt tâm lý, quan hệ xã hội.

 

Có vẻ khó tin, nhưng việc yêu nhanh, chia tay nhanh lại có nguyên nhân từ áp lực xã hội. Các bạn trẻ khao khát có được tình yêu vì thấy xung quanh bạn bè đều có người yêu, nên cũng muốn có người đi phượt, đi chơi, cà phê, xem phim.

Ở độ tuổi cập kê, ai cũng muốn có trải nghiệm yêu đương. Tuy nhiên lại thiếu kiến thức về tình dục và quan hệ tình cảm. Bên cạnh đó là hệ thông giáo dục cũng không hướng dẫn các kỹ năng giao tiếp, xử lý các tình huống bất đồng ý kiến. Dẫn tới việc dễ đổ vỡ tình cảm và không thể xây dựng các mối quan hệ lâu dài, bền vững.

Ngoài ra, mạng xã hội, các ứng dụng hẹn hò cũng khiến người ta dễ kết nối, làm quen khi chưa có đủ thông tin về nhau, khiến cho mối quan hệ trở nên thoái thác và nhanh chóng. Công nghệ mở ra một thế giới mới của tình yêu trực tuyến, xây dựng mối quan hệ qua các nền tảng truyền thông. Nhưng thứ giữ con người ở lại lâu dài bên nhau không phải là công nghệ mà là niềm tin, trách nhiệm.

Tình trạng yêu vội có thể gây chấn thương tâm lý khi người trẻ phải đối mặt với sự bất ổn và không chắc chắn trong các mối quan hệ. Quá trình chia tay nhanh có thể làm gia tăng cảm giác cô đơn và thiếu an toàn trong việc xây dựng những quan hệ sau này, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe tâm lý. Hiện tượng này có thể dẫn đến mối quan hệ tình cảm ít ổn định và khó duy trì, gây thất vọng liên tục.

Yêu vội, cưới vội, rồi ly hôn vội cũng góp phần vào gia tăng số lượng gia đình đơn thân và trách nhiệm xã hội đối với việc nuôi dưỡng con cái. Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn. Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa rằng, cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa. (1)

Trẻ em lớn lên trong những gia đình không đầy đủ cha mẹ sẽ bị thiệt thòi về nhiều mặt. Đó là chưa kể tình trạng bạo lực gia đình khi cha mẹ xích mích, không hòa thuận. Hoặc bị mẹ ghẻ, cha dượng tra tấn, hành hạ khiến các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài về sức khoẻ, tâm lý cho tới khi trưởng thành. Một xã hội có hàng triệu trẻ em như vậy thì thật sự quá bất ổn.

Chính vì vậy cần phải đổi mới chương trình giáo dục, tập trung vào việc giúp giới trẻ hiểu rõ hơn về tình yêu, mối quan hệ, và trách nhiệm trong mối quan hệ. Cùng với đó là cần có sự hỗ trợ tâm lý để giúp giới trẻ xây dựng sự ổn định và an toàn tâm lý trong mối quan hệ.

Nếu nói gia đình là tế bào của xã hội thì Nhà nước cần xây dựng những buổi đối thoại mở để giới trẻ có thể thảo luận về tình yêu, mối quan hệ, và những thách thức mà họ đang phải đối mặt. Cải thiện tình trạng yêu vội là cải thiện đời sống hôn nhân gia đình, để những đứa bé không phải sống thiếu cha, hoặc mẹ. Cải thiện tuổi thơ của trẻ em chính là cải thiện tương lai đất nước.

 

_______________

Tham khảo:

https://laodong.vn/gia-dinh-hon-nhan/ly-do-chinh-khien-ti-le-ly-hon-cua-nguoi-viet-ngay-cang-tang-chu-yeu-do-phu-nu-de-don-1265044.ldo

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)