Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Nghe từng trang lịch sử thét từng trang”

Nguyệt Quỳnh (đề tựa & tổng hợp)

 

(VNTB) – “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác” – Trần Nhân Tông

 

Tại núi rừng Tam Điệp, vua Quang Trung truyền lệnh cho binh tướng Phú Xuân, Nghệ An hợp cùng binh tướng của Ðại Tư Mã Ngô Văn sở cùng ăn tết sớm và hẹn  nhau sẽ ăn mừng Khai Hạ tại Thăng Long vào ngày mùng bảy tết. Kế hoạch của nhà vua là sử dụng sở trường của binh Tây Sơn tấn công chớp nhoáng khi quân Thanh vui chơi ngày Tết và tướng Thanh còn đang mải mê yến tiệc. Đúng vào đêm trừ tịch năm Kỷ Dậu, từ phòng tuyến Tam Điệp nhà vua ra lệnh xuất quân. 

Vua Quang Trung chia quân làm 5 đạo, tấn công giặc từ ba hướng:

Hướng chính gồm đạo quân chủ lực do chính vua Quang Trung điều động. Tiên phong là tướng Ngô văn Sở và Phan văn Lân sẽ tấn công thẳng vào dãy thành phòng thủ của mặt Nam Thăng Long. 

Hữu quân gồm hai đạo thủy quân vượt đường biển, tiến vào cửa sông Lục Ðầu. Ðạo thủy quân của Ðô Ðốc Tuyết sẽ tấn công đám quân tòng vong của Lê Chiêu Thống, tiến chiếm Hải Dương, rồi vượt bộ vào tiếp ứng và đánh vào mặt Đông thành Thăng Long. 

Ðạo Thủy quân của Ðô Ðốc Lộc sẽ vượt bộ lên Phượng Nhỡn, Lạng Giang, Yên Thế để khóa lương, ngăn viện, và chận đường lui binh của giặc.

Ðại Ðô đốc Bảo và Ðô đốc Long đem tả quân, có tượng và kỵ binh tăng cường đi bọc đường núi đánh tạt cạnh sườn vào phòng tuyến địch. Cánh quân của Ðại Ðô đốc Bảo dùng tượng binh từ huyện Sơn Minh đánh vào các căn cứ địch ở xã Ðại Áng. 

Ðô đốc Long, người được người đời phong danh hiệu là Ðặng Thiết Tý, nghĩa là cánh tay họ Ðặng cứng như sắt. Trong cánh quân của ông có viên phó tướng là Ðặng Tiến Ðông sinh trưởng ở xã Lương Xá gần thành Thăng Long nên rất am hiểu địa hình. Đô đốc Long dẫn tượng binh và kỵ binh đi đường tắt từ huyện Chương Ðức đến huyện Thanh Trì. Thực hiện chiến thuật bất ngờ đánh từ Tây Bắc xuống Nam, chận đường rút quân về đại bản doanh Thăng Long, làm địch hoang mang mất tinh thần ngay từ phút đầu.

Mục tiêu đầu tiên của quân ta là chiếm gọn căn cứ Nhân Mục và Yên Quyết, hai tiền đồn mặt Tây và Bắc Khương Thượng, không để một tên địch nào chạy thoát về báo tin. Rồi nửa đêm ngày mùng bốn tết, quân ta đã áp sát 4 mặt thành Khương Thượng. Trong đồn, giặc vẫn không hề hay biết. 

Lệnh khai hoả, tức thì những bó đuốc bằng rơm quấn chặt, tẩm dầu phựt sáng thành một một vành đai lửa; trùng điệp khép kín với tiếng trống trận; tiếng hò hét vang trời, dậy đất; quân Thanh hoảng hốt, không còn sức kháng cự.

Ðề đốc Sầm Nghi Ðống chưa kịp xoay trở, thì mũi nhọn của cảm tử quân với sức mạnh như chẻ tre đã phá vỡ thành, xông vào như nước vỡ bờ. Sầm Nghi Ðống phải mở đường máu chạy về Thăng Long. Nhưng khi đến gò Ðống Ða thì bị một cánh quân của Ðô đốc Long chận đánh. Bí đường, Sầm Nghi Ðống phải thắt cổ tự vẫn. Số tàn quân ngơ ngác vì rắn mất đầu, hoảng quá chạy dội lại về phía nam. Nhưng vừa đến Ðầm Mực thì bị quân của Ðại đô đốc Bảo đón đánh, tiêu diệt hết.

Ðạo quân do chính vua Quang Trung thống lãnh chỉ huy cả ba doanh: tiền, trung và hậu. Tư Mã Sở và Nội hầu Lân mang tiền quân làm mũi nhọn tiên phong. Tân binh Nghệ An thì sung vào trung quân do nhà vua trực tiếp chỉ huy. Hậu quân có Hô Hổ Ðầu thủ vai đốc chiến và đề phòng địch tập hậu. 

Ngày 30 tết, đại quân của Quang Trung vượt bến đò Gián Khuất ngược chiều tiến quân của giặc; dùng thế võ đâm so đũa, nhanh như chớp lần lượt hạ các đồn Thanh Liêm, Nhựt Tảo, Phú Xuyên.

Quân giặc ở Hà Hồi và Ngọc Hồi vẫn chưa hay biết, tiếp tục uống rượu đón xuân. Chừng nghe tiếng quân Nam reo hò vang dội ngoài thành vào nửa đêm mùng Ba Tết. Quân Thanh thủ Hà Hồi thất kinh hồn vía, mở cửa thành dâng nộp vũ khí xin hàng.

 

Ðêm Hà Hồi rực hồng lửa đỏ

Bóng lá lùm cây cũng gợi kinh hoàng

Tiếng loa từ trời vọng xuống vang vang

Mặt đất xông lên đoàn người dũng mãnh

Gươm giáo tuốt trần

Ðằng đằng nét mặt

Bạt vía sài lang

Ghê hồn quân giặc

Lớp lớp buông thương bó gối qui hàng

Ðồn mất rồi giấc điệp vẫn chưa tan

(Hương Giang)

 

Ðạo quân chủ lực hợp cùng đạo quân của Ðô đốc Bảo tiến ra Ngọc Hồi vào mờ sáng mùng năm. Đụng phải sức cố thủ mãnh liệt của giặc Thanh, đạn trong thành bắn ra như mưa. Vua Quang Trung huy động hơn 100 thớt voi dàn hàng ngang như một đoàn thiết giáp tiến về mục tiêu. 

Giặc cố thủ trong đồn được ưu thế có thành lũy kiên cố, có chông sắt dầy đặc, có chỗ ẩn nấp an toàn đã bắn tên đạn ra như cát vãi.

Nhà vua bèn cho dùng phên gỗ quấn rơm nhào với đất bùn làm lá chắn để ngăn tên đạn. Cứ 10 người lưng dắt đoản đao, chung nhau vác dựng đứng một tấm phên, mặt bện rơm quay về phía địch. Theo sau họ là 20 khinh binh, võ trang đầy đủ, sẵn sàng chiến đấu theo nguyên tắc công thủ song hành. 

Các tấm phên dàn hàng chữ nhất tiến vào đồn làm vô hiệu hóa hoả lực của địch quân. Khi đến sát đồn, các phên gỗ ấy được sử dụng như một tấm đệm trải lên chông để cảm tử quân tiến vào. Chính nhà vua cỡi voi đốc chiến, quân giặc tan vỡ cấp kỳ, đạp nhau mà chạy tán loạn.

Ðây là chiến thắng cam go nhất. Lộ quân tiên phuông của Ðại Tư Mã Ngô Văn Sở có đến tám ngàn người hy sinh.

 

Ðây muôn người lòng trải với giang san

Nghe hào khí tiền nhân ngời trong gió

Ðất Ngọc Hồi trời còn chưa tỏ

Mà tiếng quân reo ngựa hí vang rền

Ôi phút tên bay đạn réo bên mình

Ðã thấu lòng nhau lời thề tâm huyết

Máu xương này đổ vì bờ cõi Việt

Mảnh đất bao đời gìn giữ gửi trao

(Hương Giang)

 

Cùng lúc đó, đạo quân của Ðô đốc Long ở mặt Tây Nam đã chiếm Khương Thượng rồi tiến như vũ bão sang công phá Ðống Ða. Hai đạo thủy quân của Ðô đốc Tuyết và Ðô đốc Lộc thanh toán chớp nhoáng các vị trí chiến lược Hải Dương, Phượng Nhỡn, Lạng Giang, Yên Thế rồi hổ trợ đại quân đánh thẳng vào Thăng Long.

Sáng mồng năm Tết, tại cung Tây Long, Tôn sĩ Nghị đang sốt ruột theo dõi mặt trận phía Nam bỗng được tin cấp báo – quân Tây Sơn như trên trời giáng xuống đang tiến vào cửa Tây với khí thế ngùn ngụt. Tôn Sĩ Nghị hoảng quá, không kịp mặc áo giáp, không kịp mang theo sắc thư và ấn tín vội nhảy lên ngựa chưa kịp thắng yên cương. Tôn Sĩ Nghị cùng toán kỵ binh thoát ra thành Thăng Long, vượt cầu phao qua sông Nhị Hà.

Quân Thanh thấy chủ tướng bỏ chạy, bèn vứt cả khí giới, tranh nhau qua cầu phao. Đến nỗi bị ứ nghẹn cầu bị dồn nén, sức nặng quá tải nên đứt dây, ném cả xuống sông. Gặp lúc cuối mùa đông nước lớn chảy xiết, quân Thanh chết vô số kể.

Cánh quân viện binh Quý Châu – Vân Nam của giặc, vừa tới Sơn Tây nghe tin chủ soái bỏ chạy; các tướng Sầm Nghi Ðống, Hứa Thế Hanh, Trương Sĩ Long, Thượng Duy Thăng đều tử trận; cũng tất tả tháo chạy. Dọc đường về còn bị phục kích, chận đánh tơi bời bởi các lộ quân của Ðô đốc Lộc; qua biên giới sang Tàu rồi mà vẫn chưa hết bàng hoàng.

Khoảng 4 giờ chiều ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu, Ðô đốc Long mở cửa thành đón đại quân. Hoàng Ðế Quang Trung với chiến bào đen xạm khói thuốc súng, có 80 thớt voi làm lá chắn, uy nghi tiến vào Thăng Long sớm hơn kỳ hẹn 2 ngày.

 

Ôi người xưa Bắc Bình Vương

Ðống Ða một trận năm đường giáp công

Ðạn vèo năm cửa Thăng Long

Trắng gò xương chất đỏ sông máu màng

 

Chừ đây lại đã xuân sang

Giữa cố quận một mùa xuân nghịch lữ

Ai kia lòng có mang mang

Ðầy vơi sầu xứ – Hãy cùng ta

ngẩng đầu lên hướng về đây tâm sự

Nghe từng trang lịch sử thét từng trang

(Vũ Hoàng Chương)

 

Xin mời nghe Youtube “Chiến Thắng Đống Đa 2” :  https://www.youtube.com/watch?v=27Xst6JGYfA&t=21s

 

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cụ Lê Đình Kình – Nhập Cuộc và Ra Đi

Phan Thanh Hung

VNTB- ‘Tôi không phải công an, tôi là côn đồ!’

Phan Thanh Hung

VNTB- Tồn Tại: ước nguyện muôn đời

Phan Thanh Hung

1 comment

Trần Dung 21.08.2020 1:17 at 01:17

Lịch sử chống quân xâm lược của Cha ông ta hào khí ngất trời , giờ đọc lại vẫn còn thấy rúng động !

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo