Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Công ty cổ phần Lina Network do Nguyễn Đăng Triều Thiên làm tổng giám đốc đang đối mặt nghi án ‘tiền điện tử’.
Theo điều tra, tháng 11/2019, thông qua bạn bè 7 người đã gặp ông Nguyễn Đăng Triều Thiên, và được ông này giới thiệu công ty đang phát triển ứng dụng Fintech trên nền tảng Blockchain, trí tuệ nhân tạo và đây là ứng dụng mới cho lợi nhuận cao.
Ông Thiên nói rằng đang cần vốn đầu tư nên muốn 7 người đầu tư góp vốn vào công ty, lợi nhuận chia cho cổ đông tham gia góp vốn 36%/năm. Ông Thiên còn cam kết hoàn trả tiền gốc khi hết hạn đầu tư, đồng thời khi người đầu tư cần tiền lúc nào cũng sẽ được hoàn trả.
Tin tưởng, 7 khách hàng sau đó đã ký hợp đồng đầu tư và chuyển tiền cho ông Thiên số tiền 19,6 tỷ đồng, và sau đó thì các khách hàng này mất liên lạc với ông Nguyễn Đăng Triều Thiên nên đã nhờ đến sự giúp đỡ của cơ quan công quyền.
Theo tìm hiểu, trên website của Lina Network, công ty này giới thiệu thuộc tập đoàn Smart Link Swiss tại Thụy Sỹ, chuyên nghiên cứu công nghệ Blockchain, là cổng thông tin kết nối bên trong hệ sinh thái của Lina. Năm 2018, Lina Network ký kết biên bản hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, ứng dụng công nghệ Blockchain vào định danh điện tử chính phủ. Năm 2020, công ty này tham dự hội nghị thượng đỉnh “chính phủ tương lai” tổ chức dưới sự bảo trợ của Chính phủ New Zealand.
Công ty này có phát hành một đồng tiền ảo tên là Lina, hiện vẫn đang giao dịch trên thị trường. Công ty có 2 đồng sáng lập là ông Vũ Trường Ca và ông Mitchell Phạm. Theo thông tin đăng ký, Lina Network Việt Nam có trụ sở tại 1435 đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM.
Trên website Lina.network xác nhận ông Nguyễn Đăng Triều Thiên là Tổng giám đốc Lina Network.
Lưu ý, Công ty cổ phần Lina Network với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Đăng Triều Thiên, đăng ký trụ sở hoạt động tại số 1437 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM, tức là ‘hàng xóm’ với Lina Network Việt Nam. Ngày hoạt động của Công ty cổ phần Lina Network là 26-3-2018, và ghi nhận có hai giai đoạn, đến tháng 8-2020 thì người đăng ký đại diện pháp luật là ông Vũ Thạch Tâm; sau đó thì thay đổi sang tên ông Nguyễn Đăng Triều Thiên.
Ông Vũ Thạch Tâm được giới thiệu tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (2003 – 2008), chuyên ngành công nghệ thông tin. Ông là một trong hai kỹ sư chính về blockchain của Lina Network Việt Nam.
Liệu ông Nguyễn Đăng Triều Thiên có ‘hủy kèo’ và chiếm luôn vốn góp như đơn tố cáo?
Trên thực tế thì blockchain ở Việt Nam rất phát triển.
Quỹ đầu tư công nghệ cao Alpha Moon Capital có quy mô quản lý 10 triệu USD dành riêng cho các dự án blockchain tại Việt Nam, được sáng lập và điều hành bởi một doanh nhân Việt Nam. Doanh nhân đó là ông Nguyễn Ngọc Nam – một nhà đầu tư kỳ cựu với thâm niên gần 10 năm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm vào các dự án startup công nghệ nổi bật ở Việt Nam và Singapore.
Quỹ được thành lập nhằm tìm kiếm và hỗ trợ những dự án startup trong lĩnh vực blockchain, fintech (Financial Technology – công nghệ tài chính) và tài chính phi tập trung tại Việt Nam để đầu tư giai đoạn đầu, cũng như giúp đỡ vận hành, ươm mầm và cung cấp các nguồn lực cần thiết để startup phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, giám đốc điều hành Alpha Moon, cho biết: “Với Alpha Moon Capital, chúng tôi muốn đẩy mạnh sự phát triển tích cực của xã hội và thiết lập những tiêu chuẩn cao cho đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi số. Chúng tôi sẽ đóng vai trò cầu nối hỗ trợ các dự án blockchain hàng đầu trong ngành, với những giá trị cốt lõi ưu tiên sự hợp tác lâu dài, công bằng, minh bạch và tôn trọng lẫn nhau.
Chúng tôi rất trân trọng sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư, tổ chức và định chế tài chính uy tín quốc tế của những người tin tưởng vào tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao blockchain Việt Nam và Alpha Moon Capital”.
***
Blockchain là công nghệ chuỗi – khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự như cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền được giám sát chặt chẽ và ghi nhận mọi giao dịch trên mạng ngang hàng.
Mỗi khối (block) đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó, kèm theo đó là một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Dữ liệu khi đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được. Blockchain được thiết kế để chống lại việc gian lận, thay đổi của dữ liệu.
Các phiên bản của công nghệ blockchain:
Công nghệ blockchain 1.0 – Tiền tệ và thanh toán: Ứng dụng chính của phiên bản này là tiền mã hoá: bao gồm việc chuyển đổi tiền tệ, kiều hối và tạo lập hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Đây cũng là lĩnh vực quen thuộc với chúng ta nhất mà đôi khi khá nhiều người lầm tưởng bitcoin và blockchain là một.
Công nghệ blockchain 2.0 – Tài chính và thị trường: Ứng dụng xử lý tài chính và ngân hàng: mở rộng quy mô của blockchain, đưa vào các ứng dụng tài chính và thị trường. Các tài sản bao gồm cổ phiếu, chi phiếu, nợ, quyền sở hữu và bất kỳ điều gì có liên quan đến thỏa thuận hay hợp đồng.
Công nghệ blockchain 3.0 – Thiết kế và giám sát hoạt động: Đưa blockchain vượt khỏi biên giới tài chính, và đi vào các lĩnh vực như giáo dục, chính phủ, y tế và nghệ thuật.