Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nghiệp vụ báo chí: Tin là gì?

Lê Phú Khải

Kết quả hình ảnh cho hinh anh phóng viên

Nếu vợ bạn sinh con trai đầu lòng, bạn sẽ lập tức báo tin này về cho ông bà già bạn ở dưới quê. Đến lượt ông bà già bạn lại vui mừng báo  cái tin ấy cho họ hàng làng xóm biết! Nhưng nếu vợ bạn sinh tư, sinh năm… thì lập tức tin đó sẽ được loan truyền từ trạm xá xã ( hoặc bệnh viện huyện) đi khắp xã, khắp huyện…Và rồi phóng viên báo tỉnh sẽ đến chụp ảnh đưa tin lên bó… Rồi chủ tịch nước sẽ tặng quà cho sản phụ, báo đưa tin, ngành y tế tỉnh sẽ cử người đến theo dõi, chăm sóc cho vợ con bạn…

Vậy là người ta chỉ đưa tin khi có một cái mới vừa sinh ra (đứa con bạn). Và khi sự việc mới đó được nhiều người quan tâm ( sinh tư, sinh năm) thì nó thành tin các nhà báo sẽ đưa lên phương tiện thông tin đại chúng  (báo, đài phát thanh, truyền hình…). Trên thế giới, các từ tin và mới đều có chung một gốc.  Tiếng Pháp  Nouvelle là tin,  Nouvelle cũng là mới. Tiếng Anh News là tin, thì New cũng là mới. Tiếng các nước khác cũng vậy!

Ở nước ta, theo nhà báo học giả Quang Đạm thì có hơi khác một tí. Tin với thật là một. Làm cho người ta biết cái gì là có thật, đấy là đưa tin. “Không tin được dù đó là sự thật”! ( thơ Giang Nam_ Quê Hương). Người Việt Nam chúng ta đặt cái thật lên rất cao trong cái tin. Khái niệm tin trước hết là phải nghĩ tới cái mới và cái thật.

Nhưng trong cuộc sống hàng ngày diễn ra không biết bao nhiêu cái mới và cái thật. Con mắt “tinh đời” của nhà báo là biết chọn cái thật và cái mới thật tiêu biểu cho sự vật, cho xu thế phát triển của sự vật để đưa tin. Chọn cái thật nào nói lên bản chất của sự vật để đưa tin thì cái tin đó sẽ đúng và hay! Vì thế, có người làm công tác báo chí lâu năm, tổng kết công tác của mình bằng một câu đơn giản là: “ Làm báo cuối cùng là hằng ngày phải giải quyết vấn đề: đưa hay không đưa? Chỉ có câu hỏi ấy mà ngày nào cũng phải giải quyết. Khi anh không hỏi câu đó trong công việc hằng ngày, trong khi viết một cái tin thì đấy là điều đáng buồn. Bởi vì như thế có nghĩa là anh không thấy có cái gì mới cả. Anh càng phải hỏi nhiều thì càng hay cho báo!” ( Quang Đạm).

Viết tới đây, tôi bỗng nghĩ tới một chuyện cười dân gian. Chuyện rằng : Trong một lần Vua đang vi hành, bỗng có một tên quan tiến tới tâu: Thưa Hoàng Thượng , phía trước có con vịt… Vua hỏi: Con vịt làm sao? Thưa…Con vịt…hai chân (!) . Vua bèn quát: Con vịt hai chân có gì mà phải tâu… Rồi vua quát tả hữu lôi tên quan này nọc ra bên đường…đánh cho 10 gậy!

…Thật ra thì tên nịnh thần này định tâu vua là: Con vịt một chân!!! Vì lúc đó con vịt đang ngủ, nó co một chân lên(!) Nhưng chẳng may lúc tâu vua thì con vịt nọ giật mình thức dậy, nó buông cái chân kia xuống thành…con vịt…hai chân!!!

Xin có lời bàn: Cho dù con vịt có tức thời co một chân lên để ngủ, thì sự thật (bản chất) con vịt vẫn là hai chân! Nếu may đời cho tên nịnh quan, vua  thấy con vịt “một chân” thì cái “sự thật” ấy, cũng vẫn không phải là cái mới, cái đúng; Ăn đòn là đáng!. Thế mới biết, ông bà ta xưa kia quan niệm về tin, về cái thật, cái mới rất biện chứng qua câu chuyện dân gian này!
Xét về gốc từ, vẫn theo nhà báo Quang Đạm thì trong chữ Hán cổ có chữ tiêu tức. Tiêu tức là một từ triết học.  Tiêu là cái gì diệt vong, mất đi, tức là cái gì nẩy sinh, phát triển. Tiêu tức là cái nẩy sinh phát triển trong từng lúc. Trong Kinh Dịch có câu: “Thiên địa doanh hư, tùy thời tiêu tức”. (Trời đất đầy vơi, lúc nào cũng có cái mất đi và cái nẩy sinh). Chữ tiêu tức từ Kinh Dịch được dùng nhiều trong văn Trung Quốc. Như trong Tam Quốc, một đạo quân khi bị bao vây thường tổ chức đưa tiêu tức ra ngoài để cầu chi viện. Cái gọi là tin sau này, về danh từ triết học gọi là tiêu tức.

Chính vì đưa “ tiêu tức” để cầu chi viện nên phải nhanh, càng nhanh càng tốt. Bởi vậy có nhà nghiên cứu đã định nghĩa một cách rất ấn tượng: “Tin là cái nói đến một sự kiện quan trọng gần nhất trong quá khứ để người ta biết được vào lúc gần nhất trong tương lai!”. Bây giờ mở tờ báo ra, vặn cái đài lên…chúng ta thấy nào là: tin mới nhận, tin giờ chót, tin nhanh, tin sau cùng, tin trước không giờ, gần đây trong cuộc chiến I-Rắc, có báo lại chạy tít: Thông tin mới nhất…và…Chẳng qua là người ta muốn nhấn mạnh đến sự việc “gần nhất trong quá khứ”  mà bản báo, bản đài đem đến cho độc giả, thính giả…mà thôi. Còn xét theo dung lượng, tin chỉ có ba loại: tin ngắn, tin chi tiết và tin tổng hợp. Tin ngắn chỉ cần trả lời 4 câu hỏi: Ở đâu? Bao giờ? Sự việc gì đã xảy ra? Ai làm việc đó? Tin chi tiết phải trả lời thêm những câu hỏi nữa: Như thế nào? Vì sao? Cuối cùng đi đến đâu? v.v…Tin tổng hợp thì tổng hợp một vấn đề trong một thời gian, hoặc một vấn đề trong một phạm vi (không gian) rộng .Chẳng hạn, trong một học kỳ ở một huyện; Diễn biến tình hình bệnh Sars ở Trung Quốc trong ngày X…

Nếu như bạn thấy các tít: Tin y tế, tin giáo dục, tin thể thao, tin quân sự… thì đó là người ta phân loại tin theo nội dung ngành nghề…Nhưng dù phân loại tin theo nội dung nào thì cách viết tin cũng chỉ nằm trong a loại: tin ngắn (còn gọi là tin vắn), tin chi tiết và tin tổng hợp.

Cũng vì tính thời sự kịp thời của tin nên hình thức thể hiện, hay còn gọi là ngôn ngữ (văn phong) của tin phải khoa học, ngắn gọn, chính xác. Tư duy của nhà báo đưa tin là tư duy lô-gích, trái với tư duy hình tượng của người làm văn. Nhà thơ Chế Lan Viên có lần đã lấy ví dụ một cách hóm hỉnh: Nếu theo lô-gích của nhà toán học thì bà Hồ Xuân Hương chỉ là kẻ ngu đần khi viết về Đèo Ngang: “Một đèo, một đèo, lại một đèo..”; Nói quách là ba đèo có hơn không? (!) Nhưng bài thơ Đèo Ngang của Hồ Xuân Hương là một bài thơ hay. Xuân Hương không làm thông tin về hệ thống Đèo Ngang. Bà làm thơ mô tả cảm xúc của mình trước cảnh đẹp của đất nước:

“Một đèo, một đèo, lại một đèo…
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo”

Làm thơ hay rất khó. Nhưng viết tin hay không dễ; vì nó có cái khó ngược chiều với làm thơ. Thơ càng chủ quan càng hay. Tin thì ngược lại. Trong muôn vàn sự vật nẩy sinh hàng giờ, hàng phút, hàng giây quanh ta, người viết tin phải nhận ra ngay cái gì là mới, là thật và nhanh nhất đưa nó tới công chúng. Tờ báo chỉ sống trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Đó là “số phận”…của người làm báo! Vì thế đã có nhà báo phương Tây định nghĩa một cách humoriste (khôi hài) rằng: Nghề báo là một nghề đưa người ta đi đến bất cứ đâu…miễn là thoát ra khỏi nó (!).

Trích sách Nhà báo Anh là ai  ( Lê Phú Khải, NXB Thanh Niên)

Tin bài liên quan:

VNTB – 100 năm Cách mạng tháng Mười: Lý tưởng ơi, chỉ có mày là có thực! (Phần 5)

Phan Thanh Hung

VNTB – Supporter của Khế

Do Van Tien

VNTB – 100 năm Cách mạng tháng Mười: Lý tưởng ơi, chỉ có mày là có thực! (Phần cuối)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo