Việt Nam Thời Báo

VNTB- Ngọn hải đăng đã tắt

Trần Gia Huấn
(Canada)

(VNTB) – Hoàng đế đã băng hà.  Môn đệ trung thành cũng đã ra đi. Ngọn hải đăng đã tắt. Giờ đây chỉ còn lại con thuyền Cuba, biết trôi dạt về đâu trong cuộc hải hành đầy nhọc nhằn vất vả.  


Sau nhiều lần đồn đoán, nhưng đều nhầm lẫn về cái chết của lãnh tụ cách mạng Cuba: Fidel Castro.

Sáng 25/11/2016, đương kim Chủ tịch Cuba, Raul Castro, em trai của Fidel, tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia: Fidel đã chết, ở tuổi 90, quốc tang chín ngày, rồi hô vang khẩu hiệu của Fidel “Xông lên, giành chiến thắng”.

Lần này thì Fidel Castro chết thật.   


Những tranh cãi về di sản

Fidel Castro vừa nằm xuống, truyền thông thế giới thi nhau mổ xẻ những di sản mà ông để lại cho Cuba và cả nhân loại.   

Với người này thì Fidel là hình ảnh của một nhà cách mạng, theo đuổi những lý tưởng tốt đẹp: Chống chế độ bóc lột, chống phân biệt chủng tộc, chống sự mất bình đẳng, chống chủ nghĩa đế quốc.

Với người khác thì ông lại là một nhà độc tài, chà đạp nhân quyền, đàn áp đối lập, đưa đất nước vào cảnh bần cùng.

Sự thực, Fidel đã thâu tóm toàn bộ quyền hành trong tay, lãnh đạo Cuba 49 năm liên tục. Ông trở thành một nguyên thủ quốc gia lâu nhất trên thế giới. Chưa ai đạt được kỷ lục này.  Ông chỉ rời bỏ ngai vàng khi căn bệnh ung thư hiểm nghèo ập tới. Ông đành chuyển nhượng quyền lãnh đạo cho em Raul Castro.  

Mỹ bao vây kinh tế, siết chặt mọi ngả làm ăn, cấm mọi công dân Mỹ không được phép du lịch tới Cuba, không được gởi tiền về Cuba, không giao dịch duới bất cứ dưới hình thức nào. Năm thập kỷ cấm vận, bao vây, và cô lập, Fidel vẫn sống sót. Một mình ông vật lộn với 11 đời tổng thống Mỹ, bốn đời Đức Giáo Hoàng.

Đông Âu và Liên Xô qụy ngã, ông vẫn vững vàng ngay sát nách nước Mỹ, và tỏa sáng khắp châu Mỹ – Latin.

Tháng 12, 2014, Tổng thống Barack Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, bỏ cấm vận,  giúp đỡ Cuba. Ông khẳng khái “Cuba chẳng cần thứ gì từ tay bọn Đế quốc Mỹ”.

Hôm nay, cờ rủ, than khóc, xót thương, nuối tiếc, ngậm ngùi bao phủ lên quốc đảo. Còn ở bên khia eo biển Florida những người Mỹ gốc Cuba mở Champagne, reo mừng, cuồng nhiệt trong vũ điệu, miệng ca vang những khúc hát Guatemala.

Sự thực thì Cuba của Fidel đang sống trong cảnh nghèo nàn. Thậm chí còn nghèo hơn cả những năm tháng trước khi Fidel làm cách mạng.

Fidel Castro đã yên nghỉ mà thế giới vẫn không nguôi. Ông là một trong những lãnh tụ cách mạng gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử đương đại thế giới.


Trở thành lãnh tụ trẻ

Filden Castro sinh ngày 13/ 8/1926, tại tỉnh Oriente, Cuba. Là con trai của một nông dân khá giả theo đạo Thiên Chúa, có đồn điền trồng mía, Fidel được gởi vào trường Công giáo dòng Tên. rồi theo học Khoa Luật tại Đại học Havana.

Ở tuổi 21, Ông lãnh đạo nhóm những người Cuba lưu vong tại Cộng hòa Dominican, lật đổ chính quyền của tướng Leonidas Trujillo Molina.

Sau khi tốt nghiệp Luật Khoa, Fidel tham gia Đảng Nhân dân Cuba. Vào ngày 26/7/ 1953, khi đó Fidel mới 27 tuổi. Ông lãnh đạo cuộc tấn công vào căn cứ quân sự Moncada tại Santiago de Cuba, nhằm lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista,

Cuộc tấn công bất thành. Fidel bị bắt, chịu án 15 năm tù giam, nhưng chỉ 2 năm sau ông được tha. Fidel sống lưu vong tại Mexico. Ở đây ông thành lập “Phong trào 26 tháng Bảy” rồi trở lại Cuba vào năm1956 với sự giúp đỡ của Ernesto (Che) Guevara.

Tháng Giêng 1959, Castro lãnh đạo 800 du kích quân đánh úp một căn cứ quân sự lớn có tới 30,000 lính, buộc tướng Batista phải đầu hàng.

Fidel Castro giành được chính quyền. Ông bắt đầu thực thi những chính sách của Chủ nghĩa Mark – Lenine – Staline: Quốc hữu hóa toàn bộ đất đai, tài nguyên, xóa bỏ tận gốc rễ tư hữu tài sản, xóa bỏ nạn mù chữ, thực hiện chính sách giáo dục và y tế miễn phí.


Sư kiện Vịnh Con Heo

Năm 1961, John F. Kennedy trở thành Tổng thống Mỹ. Ông thừa hưởng một kế hoạch do CIA soạn thảo dưới thời Tổng thống Eisenhower. Mỹ mở một trại huấn luyện những người Cuba lưu vong, rồi đưa họ trở về cố quốc chiến đấu.

Tháng Tư năm 1961, Tổng thống Kennedy quyết định đưa đội quân Cuba lưu vong xâm nhập từ Vịnh Con Heo,  một vùng duyên hải hẻo lánh phía nam Cuba.

Thoạt đầu, máy bay ném bom, do những phi công gốc Cuba thực hiện. Tiếp theo là cuộc đổ bộ của 1400 binh lính.

Fidel Castro có mặt tại trận địa. Ông huy động số lượng quân đông gấp bội, đè bẹp cuộc đổ bộ, 100 kháng chiến quân tử trận và 1200 người bị bắt, những người chỉ huy bị tử hình.

Sau 20 tháng thương thảo gay go với Mỹ, Fidel đồng ý phóng thích 1200 kháng chiến quân trở lại Hoa Kỳ, đánh đổi lấy thực phẩm và thuốc chữa bệnh trị giá 53 triệu Mỹ kim.


Khủng hoảng tên lửa

Sau sự kiện Vịnh Con Heo, tháng 10/1962, Mỹ phát hiện ra Liên Xô đang xây dựng nhiều giàn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, nhằm vào Hoa Kỳ.

Ngay lập tức Mỹ công bố một kế hoạch tấn công toàn diện vào Cuba, mà trận đánh phủ đầu bằng vũ khí nguyên tử. Cả thế giới nín thở. Nhân loại hoang mang về một cuộc chiến hạt nhân, về sự hủy diệt, về ngày tận thế kinh hoàng.  

May mắn thay cho hòn đảo xinh đẹp mà rực rỡ nắng vàng.  Chính Liên Xô đồng ý trước rút toàn bộ hệ thống tên lửa, nếu Mỹ cam kết không tấn công Cuba.


Thù địch với Mỹ 

Cách mạng Cuba thành công, tên tuổi của Fidel Castro vượt ra khỏi ranh giới quốc gia. Ông nổi tiếng trên đất Mỹ, nhưng ông đã đưa mối quan hệ Cuba – Mỹ trở nên vô cùng cay đắng.  
Bắt đầu là cuộc thanh trừng những người Cuba từng ủng hộ tướng Batista. Họ bị tử hình một cách man rợ trên những quảng trường công cộng mà không xét xử. Thêm vào, chính sách tịch thu tài sản, đồn điền của của những nhà sản xuất mà phần lớn là những là công dân Mỹ.

Mỹ càng điên tiết hơn khi Fidel liên minh với Liên Xô, đổi đường mía lấy vũ khí. Fidel theo đuổi chính sách chống “Đế quốc Mỹ”. Ông  buộc tội Mỹ âm mưu lật đổ chính quyền của ông.

Vì vậy, năm 1961, Tổng thống Mỹ Eisenhower ban hành lệnh cấm vận Cuba, khởi đầu cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ – Cuba mà hệ lụy kéo dài đến tận hôm nay.

Fidel dành hàng thập kỷ chuẩn bị, đối phó với những cuộc xâm lược từ Hoa Kỳ, nhưng chẳng bao giờ xảy ra.  Cuối đời, Fidel ví mình như chàng Don Quixote, môt mình, không mệt mỏi, đánh nhau với cối xay gió, vận lộn với chiếc bóng của chính mình.  


Những đồn đoán về cái chết của Fidel 

Có rất nhiều câu chuyện ly kỳ lan truyền trong công luận rằng Fidel Castro luôn bị theo dõi và ám sát. Có lần, kẻ chủ mưu đã tẩm hóa chất vào cigar. Khi Fidel bật lửa hút, điếu cigar bốc cháy dữ dội, thiêu rụi cả hàm râu cánh én. Ông thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc.  

Khi ông bị bệnh, càng nhiều tin đồn hơn.  Năm 1994, người ta phao tin ông chết vì tai biến mạch máu não. Năm 1996, người ta bảo ông đã chết do ung thư phổi. Sau đó lại có tin ông bị bệnh Alsheimer. Rồi lại có tin rằng ông đang chịu đựng căn bệnh hiểm nghèo ở gia đoạn cuối đã biến chứng vào não. Năm 1997, người ta phao tin ông đã chết trong dip khai mạc đại hội Đảng Cộng sản Cuba.

Fidel đùa rằng “Tôi đang sống mà người ta cứ đồn tôi đã chết. Rồi ngày mai tôi chết thật thì chẳng ai tin”.   

Báo Mỹ gọi Fidel là hoàng đế của Cuba. Âu châu gọi ông là môn đệ trung thành cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản còn lại trên hành tinh. Báo chí cánh tả ví von ông là ngọn hải đăng của Tây Bán Cầu.

Hoàng đế đã băng hà.  Môn đệ trung thành cũng đã ra đi. Ngọn hải đăng đã tắt. Giờ đây chỉ còn lại con thuyền Cuba, biết trôi dạt về đâu trong cuộc hải hành đầy nhọc nhằn vất vả.  
Calgary, Canada
November 28, 2016

Tin bài liên quan:

VNTB- Hun Sen xù nợ

Phan Thanh Hung

VNTB – Quá khứ đớn đau – Hiện tại cay đắng – Tương lai mờ mịt

Phan Thanh Hung

VNTB- Đôi nét về Ngoại trưởng Mỹ tương lai – Rex Tillerson

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo