Từ Ân
(VNTB) – Đã tới lúc chúng ta tự kiểm soát lời nói, ngăn chặn ngôn ngữ hận thù, kỳ thị để điều đó không phải là một xu hướng làm cho những người thuộc chủng tộc khác, nền văn hoá khác đi đến một kết luận võ đoán rằng ngôn ngữ thù hận đang chảy trong máu của người Việt.
Các đại công ty rút quảng cáo khỏi Facebook
Facebook là công ty quảng cáo số lớn thứ hai ở Mỹ, sau Google, năm ngoái Facebook thu được 69.7 tỷ đô là nhờ quảng cáo trên toàn cầu.
5 giờ chiều ngày thứ Sáu, Unilever tuyên bố rút quảng cáo trên Facebook, Instagram và Twitter ở thị trường Mỹ vì không chấp nhận quảng cáo trên các nền tảng “ không làm gia tăng giá trị cho con người và xã hội” trong thời điểm này.
Cho phép xuất hiện những ngôn ngữ hận thù và gây chia rẽ trên Facebook trong thời này đã khiến cho nhiều đại công ty khác theo chân Unilever rút quảng cáo ra khỏi nền tảng của Mark Zuckerberg như Adidas, Coca-Cola, Ford, Honda, HP, Microsoft, Starbucks, The North Face, …và sẽ còn tiếp tục sẽ kéo dài nữa.
Chỉ sau hai ngày, giá cổ phiếu của Facebook đã giảm đi 8% và thiệt hại 60 tỷ đô la giá trị thị trường. Tuy nhiên với khoảng 8 triệu công ty đủ loại tham gia quảng cáo trên Facebook thì những công ty tham gia tẩy chay lần này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Nhưng động thái này không phải không có tác dụng đến chính sách của Facebook.
Hôm thứ Sáu Mark Zuckerberg tuyên bố sẽ đánh dấu tất cả các tin bài của các chính trị gia không tuân thủ luật lệ, kể cả của Tổng thống Trump. Trước đây ông chủ Facebook đã từng từ chối các biện pháp ngăn chặn các tin của Tổng Thống Trump đề cập đến gian lận bầu cử.
Mark Zuckerberg nói rằng Facebook sẽ có các bước nhằm đối phó với thông tin sai sự thật liên quan đến bầu cử, gắn nhãn/cờ đối với các thông tin về bầu cử để người dùng có thể truy cập thông tin từ chính phủ hoặc các nhân viên bầu cử địa phương.
Ngoài ra Facebook sẽ cấm các quảng cáo có nội dung thù hận nhằm vào di dân.
Chương trình tẩy chay Facebook với từ khoá #StopHateForProfit ( ngừng thu lợi từ hận thù) được khởi động từ hôm thứ Tư tuần trước và dự định sẽ kéo dài cho đến tận cuối tháng 7.
Ai kiểm soát ngôn ngữ thù hận của người Việt?
Nhà cầm quyền Việt Nam xem ra đã nỗ lực rất nhiều trong việc kiểm duyệt thông tin trên mạng ảo thông qua Luật An ninh Mạng đã có hiệu lực hồi tháng Giêng năm 2020. Tuy nhiên luật này chỉ nhằm đạt mục tiêu bình ổn chính trị, dập tắt mọi tiếng nói đối lập.
Một lữ đoàn nhằm phục vụ cho thời đại 4.0 gồm hơn 10.000 người vừa hồng vừa chuyên hoạt động thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm duyệt thôg tin, hạn chế các thông tin không có lợi cho nhà cầm quyền với cái tên đội tác chiến không gian mạng hay lực lượng 47với hẳn một bộ tư lệnh riêng.
Thế nhưng nhìn vào hoạt động của lực lượng này trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, thì có thể thấy họ cổ suý sử dụng loại ngôn ngữ thù hận, gây chia rẽ, nhất là ngôn ngữ được sử dụng để chỉ trích những nhà bất đồng chính kiến.
Chúng ta có thể nghĩ rằng, ừ thì đó là quan điểm của một bộ phận lớn những người lãnh lương từ tiền thuế của dân, nhưng được đào tạo và hướng đến những phát ngôn có định hướng từ cấp trên và rồi tặc lưỡi không thèm chấp “bọn bò đỏ”.
Thế nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tiếp đến là những bạo động, biểu tình diễn ra ở Mỹ sau cái chết của một người Mỹ gốc Phi – George Floyd thì ngôn ngữ hận thù, phân biệt chủng tộc của người Việt đã không còn có điểm dừng.
Ngôn ngữ hận thù được phát ra từ những người sống ở các quốc gia Âu Mỹ, và cả những người ở trong nước một cách thản nhiên mà có lẽ chính bản thân họ cũng không nghĩ đó là ngôn ngữ hận thù.
Từ chỗ kỳ thị người Mỹ gốc Phi đã lan ra đến sự căm ghét vị tổng thống da màu đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và nhắm vào cả những người nào không ủng hộ tổng thống Trump.
Những lời lẽ miệt thị, xuất phát từ hận thù tràn đầy trên những mạng xã hội.
Cứ tưởng Mỹ đen sẽ không biết đến, nhưng chuyện không phải luôn như vậy.
Tiệm nail của bà Hanh Phan ở bang California bị phản đối và kêu gọi đóng cửa, sau khi bà gọi ông George Floyd là “ coronavirus”.
Trên Facebook bà cho rằng ông Floyd giống dịch COVID-19 vì không ai biết ông là ai cho đến khi tin về cái chết của ông lan truyền khắp nơi. “Đối với tôi, ông Floyd là một dạng COVID-19 mạnh hơn. Ông ta là COVID- 20, virus mạnh hơn. Ông ta là một bình dầu hỏa được đổ thêm vô một đám cháy lớn.”
Người biểu tình đứng bên ngoài tiệm nail “Tips&Toes” của bà Hanh Carson, Los Angeles, hôm 27/6 với các biểu ngữ kêu gọi đóng cửa và “đã tới lúc để thay đổi” bằng tiếng Việt.
Tiệm của bà Hanh Tran sau đó đã đóng cửa và treo bảng cho thuê.
Ngôn ngữ của người phụ nữ gốc Việt này xem ra còn nhẹ nhàng hơn rất nhiều người Việt khách đang sử dụng để miệt thị người Mỹ gốc Phi.
Điều chua chát là nhiều người mang danh là các nhà hoạt động ở Việt Nam đã bị vướng vào loại ngôn ngữ hận thù này khi phản ứng về những người bày tỏ ý kiến không ủng hộ Tổng Thống Trump mà lại ưu ái Obama, hay thậm chí người bày tỏ ý kiến ủng hộ phong trào “Black Lives Matter”. Có lẽ cái từ cửa miệng của khá nhiều người ở nhóm này là “mọi” để chỉ người Mỹ gốc Phi và đủ loại từ khác để chỉ trích người có ý kiến trái chiều.
Đã tới lúc chúng ta tự kiểm soát lời nói, ngăn chặn ngôn ngữ hận thù, kỳ thị để điều đó không phải là một xu hướng làm cho những người thuộc chủng tộc khác, nền văn hoá khác đi đến một kết luận võ đoán rằng ngôn ngữ thù hận đang chảy trong máu của người Việt.
Các đại công ty có thể tẩy chay Facebook. Chẳng mấy ai tẩy chay người dùng Facebook không có ái ngữ. Facebook mất tiền, nhưng cái người dùng Facebook sẽ tự đánh mất sự tôn trọng lẫn nhau giữa người với người, vì mình khác dư luận viên!