Đông Phong Vũ (VNTB) Ai là người hiểu sâu sắc nhất thực trạng của đất nước Việt Nam chúng ta ngày nay ? Đó chắc chắn là những người trung niên và cao tuổi, những người đã sống qua thời kỳ bao cấp. Người cao tuổi ở Việt Nam có được hưởng những quyền chính đáng của mình hay không? Và ở chút sức lực lúc hoàng hôn, họ đã thực hiện những nghĩa vụ nào mà chỉ có họ mới làm được cho đất nước?
Người già không được hưởng phúc lợi xã hội
Người già ở Việt Nam không có tiếng nói gì trong xã hội chúng ta. Chế độ chính trị sinh ra một thứ văn hóa mà các bô lão được kính trọng nhưng không được nể vì.
Người già chính là người đã trải qua thời gian lao động thời trẻ để nuôi xã hội. Đến khi về già, họ có quyền được nghỉ ngơi. Một chính phủ trong sạch và có thiện chí phải là một chính phủ đảm bảo được nguồn ngân sách để lo chi phí cuộc sống cho người già.
Cách đây không lâu, báo chí Việt Nam có đưa tin về việc một chủ quán cơm ở Sài Gòn không cho cụ già bán vé số vào quán ăn cơm. |
Thực tế chứng tỏ một điều hoàn toàn ngược lại, điển hình như ở Sài Gòn, thành phố lớn nhất Việt Nam. Trước năm 1975, chế độ Cộng Hoà dành hẳn những con phố cho những viện dưỡng lão. Người già ở đấy chỉ sống chơi chơi, không hề phải lao động chân tay và được chăm sóc rất tốt. Giờ đây, Sài Gòn chỉ có 02 viện dưỡng lão: Thị Nghè (Bình Thạnh) và Thạnh Lộc (Hóc Môn). Số người được vào đây rất hạn chế, tiêu chuẩn cuộc sống thì cũng được coi là tạm ổn, nhưng đó chỉ là ăn no mặc ấm, tạm ổn so với thời bao cấp chứ chưa hề có ăn ngon mặc đẹp. Số người trên một diện tích là quá chật chội mà không ai để ý. Khách quan mà nói, theo các tiêu chuẩn phương Tây, các trung tâm chăm sóc người già trên toàn lãnh thổ Việt Nam là những ký túc xá người già, chưa thể gọi là viện dưỡng lão.
Số lượng viện dưỡng lão là không đáng kể nếu không muốn nói mọc ra để “chữa cháy” và “che mắt thế giới”. Thực trạng xã hội Việt Nam khiến con người không thể không đau lòng: Người già vô gia cư và không được chăm sóc tối thiểu chưa được thống kê. Không thể đếm hết những ông già bà già vẫn phải lao động chân tay trên khắp các con phố ở Sài Gòn. Vô số những người bán vé số giữa trời nắng mưa ở Sài Gòn là những người quá 60 tuổi.
Người già có tiền cũng không vui
Rất nhiều người già ở Việt Nam có nhiều tiền, ví dụ, nhiều người có hàng chục khu nhà trọ cho thuê. Ở một độ tuổi gần đất xa trời, họ ngẫm lại cuộc sống và thấy rằng trong khi bản thân mình thì giàu có, cộng đồng lại dường như không có gì và đầy rẫy bê bối, nhất là ô nhiễm môi trường, thực phẩm độc hại và đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng. Đồng tiền trong tay cũng không biết dùng để làm gì cho hữu ích. Lúc này họ nhận ra rằng định nghĩa về sự thành đạt là sai lầm. Thời đại họ sống là một thời đại bất an, họ tuyệt vọng vì “ tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt” mà lại không trông thấy có con đường cụ thể để cứu lấy đất nước. Nhiều người cho con cái đi du học, nhưng còn đó con cháu trong họ hàng, rồi con cháu của những người láng giềng phải sống như những loài nhuyễn thể chứ chưa thực sự được coi là sống. Đó là chưa kể việc con cháu ruột của họ phải quay về đất nước vì không đủ năng lực để tồn tại ở những môi trường tự do cạnh tranh khốc liệt. Toàn những cảnh khiến người ta thao thức.
Những thế hệ du học sinh Việt Nam đi học, đã đi làm và định cư ở nước ngoài liệu có được hạnh phúc chăng? Câu trả lời cũng là không, điểm đặc biệt của người Việt là đi đâu cũng muốn trở về đất nước sống trong tình làng nghĩa xóm. Ngoài ra còn có một trạng thái mà tôi mô tả bằng ví dụ như sau:
Ở Đức, số những người có tài khoản trên 10 000 đô-la gửi ở ngân hàng có lẽ không nhiều như ở Việt Nam. Đây là một thông tin định tính mà nếu không có một cuộc kiểm chứng định lượng có thể làm bạn đọc ở trong nước ngạc nhiên rồi phản đối. Thật vậy, xét theo nhiều yếu tố, người già ở Đức không có nhiều tiền gửi ngân hàng như nhà giàu Việt Nam. Lý do là dân Đức không hề đặt nặng tâm lý phải lo lót sự nghiệp và xây nhà xây cửa cho con cái. Khi về hưu, người già ở Đức dùng hầu hết tiền tích lũy và lương hưu hàng tháng của mình để đi nghe hòa nhạc, dự triển lãm tranh và làm từ thiện. Vì vậy, hiếm thấy một cặp vợ chồng già nào của Đức có thật nhiều tiền trong ngân hàng, nhưng họ sống rất hạnh phúc.
Những người Việt sống lâu năm và có quốc tịch Đức, lương cao hơn mặt bằng lương trung bình của dân Đức bản địa nhưng họ luôn mặc cảm là dân loại II. Ở một xứ sở mà khoa học và nghệ thuật là hàng đầu, những người gốc Việt luôn tự ti vì trình độ thưởng thức thẩm mỹ không đủ để hòa nhập. Tiềm thức về sự nghèo đói thúc ép dân Việt kiếm tiền quần quật trên xứ người, không còn thời gian nghĩ về những việc của thế giới văn minh.
Do đó, ta kết luận được rằng dù ở trong nước hay ở nước ngoài thì người cao tuổi ở Việt Nam cũng không thể có được hạnh phúc.
Nghĩa vụ đánh thức tuổi trẻ
Con cá Barracuda được đặt trong một bể nước. Người ta thí nghiệm bằng cách đặt một tấm kính ở giữa cái bể, ngăn cách con cá Barracuda và những con mồi của nó. Đầu tiên, con cá Barracuda lao vào con mồi nhưng va phải tấm kính, bị đau, sau vài lần như vậy nó không lao tới bắt mồi nữa. Đó là tình trạng tuyệt vọng do được huấn luyện.
Thí nghiệm này đã áp dụng trên cả dân tộc Việt Nam. Dân tộc ta đang chìm trong một cơn mê, dân tộc ta nhược tiểu hóa trong tay những thế lực tạo ra cơn mê đó. Những ý kiến để thay đổi đất nước ngay lập tức mất đi vì con người nghĩ nền độc tài quá mạnh. Trong khi đó, họ không trông thấy một định luật rằng bất kỳ chế độ độc tài nào rồi cũng phải chuyển sang dân chủ.
Nguyễn Trường Tộ, nhà tư tưởng cải cách lớn nhất Việt Nam thời phong kiến có câu: Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết là bất nghĩa. Câu danh ngôn nhắc nhở dân tộc về nghĩa vụ công dân của mỗi người. Nhưng tại sao thế hệ cao tuổi ở nước ta lại không đồng lòng để tạo lập tinh thần cải tạo cộng đồng và thay đổi vận mệnh đất nước nơi giới trẻ?
Có người giải thích rằng thời bao cấp, tuổi niên thiếu phải ăn ăn bo bo, khi lớn lên và lúc về già, dẫn đến việc các vị bô lão dặn con cháu rằng phải biết sợ hãi, phải làm ngơ trước mọi sai trái, miễn là được yên thân.
Rõ ràng, người già Việt Nam sống ở thành phố nhưng không biết mình vẫn là dân nông thôn, vì biểu hiện tâm lý rõ rệt nhất của dân nông thôn là ngại phiền phức. Tâm lý của người đô thị phải là đi đến tận cùng chân lý. Nếu cụ già nào cũng quyết tâm đòi quyền của mình, thì họ sẽ được quyền. Nếu cụ già nào cũng coi việc giáo dục tinh thần đa nguyên đối với con cháu thì nhất định cả dân tộc sẽ được tự do.
Khi xưa, Nhan Uyên và Tử Lộ hỏi Khổng Tử về ước mơ của mình. Khổng Tử nói ông chỉ có một ước mơ duy nhất, rằng: Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi. Nghĩa là, người già được nuôi dưỡng đầy đủ, bạn bè tin cậy lẫn nhau, trẻ em được quan tâm chăm sóc. Đó hẳn là ước mơ của tất cả những ai có trái tim. Còn chần chừ gì nữa, những bậc cao niên hãy dùng uy tín của mình để cổ vũ cải tạo xã hội. Các bạn trẻ, đừng ngần ngại đấu tranh cho đất nước để khi về già, tiếng nói của họ sẽ có giá trị như tiếng nói của những bô lão trong hội nghị Diên Hồng quyết đánh quân Mông- Nguyên khi xưa.