Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người Lãnh Đạo

De Colores

 

(VNTB) – “Tất cả những gì cần thiết để cho sự dữ toàn thắng là người tốt không làm gì cả.”

 

Một cách nói khác về việc chúng ta cần làm gì sẽ được diễn tả trọn vẹn nhất qua câu nói ngắn gọn nhưng sâu sắc của chính khách người Anh Edmund Burke được trích dẫn đây, “Tất cả những gì cần thiết để cho sự dữ toàn thắng là người tốt không làm gì cả.”

Có thể một vài người khi nghe cái tựa đề của bài này sẽ nghĩ ngay rằng không liên quan đến mình, nhưng chúng ta biết rõ hoạt động của mỗi ‘con người’ vừa là một biểu lộ vừa là hậu quả của tình yêu chúng ta dành cho tha nhân. Chúng ta không buộc phải đảm trách một nhiệm vụ đặc biệt nào, hay phải lãnh nhận gánh nặng của người khác, hoặc phải bỏ công việc hàng ngày để làm một cái gì đặc biệt, tuy nhiên mỗi ‘hành động của chúng ta đều có nguyên nhân và hậu quả.

Trong thế giới vật lý, trong các chòm sao, các hành tinh vận hành xung quanh các vì sao do sức hút của các vì sao mạnh hơn. Trong thế giới loài người cũng vậy, con người cũng vận hành xung quanh những kẻ có trọng lượng hơn, có ảnh hưởng nhiều hơn.

Chúng ta không hề có ý nói về những thành phần được đặt ở “địa vị cao”, như các chủ tịch hiệp hội thương mại, hay những người có năng khiếu tổ chức như Chủ Tịch Hiệp Hội Phụ Huynh-Giáo Chức, các người quản đốc trong một văn phòng, hay người có trách nhiệm tổ chức hội họp trong lối xóm. Chúng ta cũng không nói tới những người giàu sang phú quý hay những bậc vị vọng trên thế giới.

Chúng ta nói về những người có trọng lượng, có nhiều ảnh hưởng hơn. Mỗi người chúng ta ở đây đều có tiềm năng để trở thành kiểu người lãnh đạo như vậy bằng cách dùng tài năng tạo hoá ban cho mà định hướng và chỉ dẫn trong khi giao tiếp với những người xung quanh chúng ta hầu giúp cải hóa xã hội theo tinh thần bác ái, tự do và bình đẳng.

Người lãnh đạo là người định hướng và chỉ dẫn; là người gây ảnh hưởng trên người khác. Là người có cá tánh hơn người, người được đào luyện để có thêm nhiều giá trị và những giá trị ưu việt hơn, có tính xác quyết hơn; kiên trì hơn; và như vậy, nhân bản hơn.

Người Lãnh Đạo là người đã nghe tiếng lương tâm gọi mà dứt khoát lao mình vào hoạt động phục vụ quần chúng, với một tinh thần cởi mở và cân bằng và một tiêu chuẩn “tu đức” có hiệu quả. Người lãnh đạo là người nhân-cách-hóa-lương-tâm con người một cách rõ ràng, sống động, đầy thuyết phục và chân thật.

Người lãnh đạo là người nhờ con người và hạnh kiểm mình mà gây ảnh hưởng trên suy tư và hành động của người khác trong môi trường của mình. Là người dẫn dắt, định hướng và điều khiển. Quyết định của người lãnh đạo ảnh hưởng tới quyết định của người khác. Ý kiến của người lãnh đạo giúp hình thành ý kiến của người khác và thái độ của người lãnh đạo sẽ kích thích những thái độ tương tự giữa những người khác. Những người nào ảnh hưởng được điều gì xảy ra trong một nhóm hay trong một hoàn cảnh, người ấy là người lãnh đạo nhóm ấy, và hoàn cảnh ấy.

Người lãnh đạo ảnh hưởng những người xung quanh mình, như con cái, vợ chồng, đồng nghiệp, bạn hữu, thân tộc hay người cùng sở làm. Đây là một định nghĩa mà xã hội đều tán thành. Những người nghiên cứu về cơ cấu và động lực của các tổ chức đều đặt tên cho ngườilãnh đạo như thế là “tác nhân tạo nên thay đổi”; là người “bất kể thân thế, cấp bậc hay địa vị thế nào, cũng đều nhận ra nhu cầu phải thay đổi và dùng lời nói và việc làm của mình mà gây ảnh hưởng trên thái độ và ý kiến của người khác xung quanh họ để hoàn thiện sự thay đổi theo như họ muốn.” Mọi môi trường đều có những “tác nhân tạo nên thay đổi” như vậy; những tác nhân ấy lãnh đạo theo nhân cách của họ. Người lãnh đạo biết mình đang muốn gì, tại sao muốn điều đó, muốn điều đó để làm gì, và muốn bằng cách nào hoàn thiện điều đó.

Không phải mọi người đều giỏi về mọi thứ, nhưng mỗi người đều giỏi một điều gì đó. Vâng, điều này có thể áp dụng cho mỗi người trong chúng ta. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng và tài năng trong phạm vi khả năng của mình; vì thế, chúng ta đều có thể làm tốt được một điều gì đó. Khi chúng ta nói về người lãnh đạo, chúng ta đang thật sự đề cập tới những người sống trong Ân Sủng của tạo hoá và dùng những khả năng và cơ may của mình hầu ảnh hưởng tới người khác trong bất cứ trường hợp nào họ can dự.

Trong thế giới loài người, dù ai tầm thường mấy xem ra vẫn có người lệ thuộc vào họ, vẫn có người để họ yêu thương và có người yêu thương họ. Người có lương tâm được lợi điểm là họ có lòng tin vào một điều tuyệt đối tốt, một đấng tối cao, hay một lý tưởng cao quý và vì vậy họ cảm nghiệm sống trong yêu thương và tôn trọng tha nhân.

NGƯỜI LÃNH ĐẠO PHẢI NHƯ THẾ NÀO

“Họ phải là người trưởng thành, có lương tâm, thiện chí, kiên trì, vững vàng đi theo con đường tự định hướng hay tin theo, chân thành tận hiến cho cộng đồng và đặc biệt cho quốc gia dân tộc. Họ phải là những người có đạo đức, có những thói quen trong sáng, có một đời sống chẳng có điều gì đáng trách, khiến cho các đức tính nơi họ sẽ nên gương tốt có hiệu quả cho mọi người” (Piô X, The Firm Proposal – Quyết Nghị). Nhìn chung, Người Lãnh Đạo không nhất thiết phải làm cái gì vượt trội hơn những gì luân lý phổ quát đòi hỏi, tuy nhiên người lãnh đạo phải ý thức về tính cách độc đáo của mình, là người biết tự kiểm soát cả cuộc sống đối với xã hội, cuộc sống nội tâm, các hành động thái độ của mình. Người lãnh đạo sẽ sống trong Ân Sủng của tạo hoá và chia sẻ, cống hiến đời sống mình với những tha nhân cộng đồng và dân tộc.

Người lãnh đạo ý thức ảnh hưởng của mình trên những người xung quanh, và dẫn dắt họ đi tới.

Để hoàn thành trách nhiệm lãnh đạo phải có quyết tâm làm một điều gì, phải quyết tâm lãnh đạo. Không được đào tạo tất bị lệch lạc – một người lãnh đạo cần phải nhận trách nhiệm để tự đào luyện và đào luyện kẻ khác.

 

NHỮNG ĐỨC TÍNH ĐẶC THÙ CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

Mỗi người chúng ta có nét độc đáo riêng và chúng ta phải giữ nguyên như vậy, nhưng tất cả mọi người lãnh đạo đều chia sẻ một số đức tính tự nhiên và siêu nhiên nào đó có thể giúp họ được hiệu quả.

Các đức tính tự nhiên

Có Lý Tưởng: Lý tưởng có thể làm cho người lãnh đạo trở thành một con người thật sự: Điều gì được đề ra; nó dẫn dắt đi đâu; nó muốn hoàn thành cái gì và cách thức tốt nhất để hoàn thành điều đó. Lý Tưởng mà chúng ta ước muốn và tin theo được “tổng hợp” trong từ ngữ “hành hương”. Đi “hành hương” là làm cuộc hành trình đến một nơi thánh thiêng và kết hợp với đấng tối cao mà mình thờ phượng. Người lãnh đạo dẫn dắt cộng đồng của mình trong cuộc hành hương.

Thực Tại: môi trường ta di chuyển đến; những khó khăn của những người xung quanh; ứng xử với mỗi người phù hợp với tâm tính của họ. Những người này là những kẻ ta cần biết, cần kết bạn, cần phải nên bạn, để chấn chỉnh mình và tự mình hòa nhập vào, hiến thân vì những kẻ ấy.

Người lãnh đạo phải có:

Kỷ Luật: Người lãnh đạo phải tuân thủ kỷ luật và làm gương cho cộng đồng của mình.

Tình Thân: cảm thông và niềm vui; nhận ra lý tưởng là niềm vui chung dù có gian khó để đạt dược và là nguồn vui đích thực. Sống với lý tưởng sản sinh ra niềm tin vui có thể chinh phục được mọi người.

Sáng Kiến: Người lãnh đạo có lý tưởng phải có sáng kiến, biết lắng nghe, ghi nhận và nếu có thể cho thực hiện sáng kiến của người trong cộng đồng. Người lãnh đạo phải hành động dứt khoát, kiên định và quyết liệt. Người lãnh đạo phải là người đầu tiên nhận ra nhu cầu phải thay đổi và thực hành những bước cần thiết tiến tới thay đổi để trở thành một thực tại.

Quảng Đại: Lòng quảng đại đòi hỏi phải tự hiến mình hoàn toàn. Một người lãnh đạo sẽ luôn luôn cống hiến thời giờ, năng lực và ngay cả tài sản của mình, nếu cần, không tính toán, luôn nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa.

Tất cả những đức tính trên dù tiên thiên hay được huấn luyện phải được quy hướng tới sự hoàn thiện một nhân cách sâu thẳm của kẻ làm người lãnh đạo.

Khác người lãnh đạo vô thần, người lãnh đạo có niềm tin tôn giáo sống với:

Đức Tin Sống Động:  Đức Tin sống động không chỉ đơn thuần có nghĩa là niềm tin hay sự chấp nhận giáo lý tôn giáo. Phải có đức tin dũng cảm, tin tưởng vào đấng thiêng liêng mình tin, biết rằng họ thực hiện ý của đấng thiêng liêng và nỗ lực thực hiện ý đó.

Sống đức tin phải được phản chiếu trong toàn bộ cuộc sống thường ngày của người lãnh đạo. Cuộc sống ấy cho cho người khác thấy sự toàn năng của Đấng Thiêng Liêng trong mọi hoàn cảnh sống, hiểu rõ rằng Thiêng Liêng luôn kề cận ta, và không thể nào xa rời được.

Đức Khiêm Nhượng: Đức khiêm nhượng nuôi dưỡng tất cả các nhân đức khác và giúp đạt ân sủng dễ dàng. Chúng ta đừng lẫn lộn khiêm nhượng với nhút nhát, bởi vì nguyên cớ thật của nhút nhát là thiếu lòng dũng cảm thánh thiện. Đó là ý thức chân thật và là một ý nghĩ về thân phận của chúng ta như là những khí cụ của đấng Thiêng Liêng và ý nghĩ về các tài năng đấng Thiêng Liêng đã ban để chúng ta sử dụng phục vụ cho cộng đồng.

Người khiêm nhượng không phải ở chỗ tự hạ, nói cách khác, không tự đặt mình xuống thấp nơi công chúng. Thỉnh thoảng chúng ta có khuynh hướng tưởng rằng mình kém hơn người khác và vì thế có mặc cảm tự ti về các khả năng của mình. Khiêm nhượng cũng là nhìn nhận rằng mỗi người, bất kỳ xét về bề ngoài là người thế nào, cũng vẫn có một tài năng đặc biệt thuộc sở hữu riêng họ.

Tin Cậy vào đấng Thiêng Liêng. Nhân đức này phải tăng trưởng khi mọi niềm hy vọng của con người tan biến. Tin cậy vào Thiêng Liêng là tin vào điều mình không thể làm được và sống như

thể điều ấy đang là thực tại. Nhờ có tin cậy, chúng ta biến mọi sự có thể thực hiện được và vượt qua sự ngã lòng, cầu nguyện thậm chí nhiều hơn nữa từ sự thinh lặng của nỗi thất vọng. Có lòng tin cậy vào Thiêng Liêng không có nghĩa là ngồi chờ một phép lạ nào sẽ xảy đến, nhưng là dọn đường, làm hết mọi thứ với hết năng lực của chúng ta để cho phép lạ được xảy ra.

Bác Ái: Cuộc sống này chẳng là gì khác hơn là một chuỗi các cơ hội để thắng đoạt sự thánh thiện. Đức Bác Ái tìm tới những chi tiết và nhằm vào lợi ích của tha nhân. Bác Ái là chiều kích thật sự duy nhất của việc phục vụ; là cách biểu dương tốt nhất và cao cả nhất tình yêu giúp đỡ tha nhân. Đức Bác Ái là một minh thị xác định tất cả các nhân đức khác. Nó không phải chỉ là một nhân đức như bao nhân đức khác, nhưng là một cái gì mang lại cảm nhận, sức mạnh và hiệu năng cho tất cả các nhân đức khác. Tình yêu không chỉ là trao cho mà chính là việc trao chính mình. Cho đó chỉ là một cách, một cách thực hành đức ái; nhưng chưa phải là bác ái toàn hảo. Người ta có thể cho mà không cần yêu thương. Nhưng người ta không thể yêu mà lại không cho.

Tất cả những đức tính trên phải kết hợp với nhau như những phím đàn của chiếc dương cầm để tạo nên bản giao hưởng của cuộc đời. Người lãnh đạo biết kết hợp các đức tính tự nhiên và siêu nhiên của mình với nhân đức nhờ biết sống làm sao để đáp lại lời lý tưởng kêu gọi mà chấp nhận và đáp trả. Tất các các đức tính ấy đều hướng về khát vọng đưa cộng đồng đến mục tiêu cuối cùng.

Không phải mọi người đều làm tốt được mọi sự, nhưng mỗi người đều làm tốt được một điều gì đó. Một cách khác nói về việc chúng ta làm cái gì sẽ được diễn tả trọn vẹn nhất qua câu nói ngắn gọn nhưng sâu sắc của chính khách người Anh Edmund Burke được trích dẫn đây, “Tất cả những gì cần thiết để cho sự dữ toàn thắng là người tốt không làm gì cả.”

Cuộc sống cộng đồng không thể trao cho những người lãnh đạo bất tài, tham lam, ích kỷ hoặc chỉ biết lo cho một thiểu số, một đảng phái mà là qua những người mà cuộc sống chiếu giãi niềm vui, an bình và tình yêu, những người mà đời sống đang tận hiến cho lý tưởng phụng vụ tha nhân.

Người lãnh đạo được kêu gọi để làm cho các tài năng của họ nên hữu dụng, sống trách nhiệm, dấn thân phục vụ tha nhân. Nói cách khác, người lãnh đạo phải tích cực phát triển hoàn toàn tiềm năng và đạo đức, đáp ứng được kỳ vọng quần chúng.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tuổi 20 và quyền tự do phản kháng theo lương tâm

Phan Thanh Hung

VNTB – Tại sao lương tâm vẫn sống giữa cường quyền và dối trá?

Do Van Tien

VNTB – Về đây nghe em

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.