Ngọc Lan
(VNTB) – Ai mà không biết lương hưu là yếu tố đảm bảo tương lai!
Cho đến hết 31-3, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM ghi nhận có đến 37.000 người rút BHXH. Đây là con số kỷ lục, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 19%. Bình quân người rút BHXH được hưởng 50-60 triệu đồng, có người cao lên tới khoảng 300 triệu đồng, chỉ một số trường hợp cá biệt là khoảng 500 triệu đồng.
Ông Phan Văn Mến – giám đốc BHXH TP.HCM, diễn giải: “Theo tính toán của chúng tôi, bình quân một người một năm phải đóng tiền BHXH lên tới 2,64 tháng lương, nhưng khi rút tiền BHXH 1 lần họ chỉ được hưởng 1,5 tháng (trước 2014) và 2 tháng (sau 2014). Đây là con số chênh lệch khá lớn, thiệt thòi cho người lao động.
Ngoài ra, rút tiền BHXH sẽ đồng nghĩa với việc người lao động tự đưa mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Tức sau này không được hưởng chế độ hưu trí và đặc biệt không còn được hưởng chế độ BHYT lúc ốm đau bệnh tật. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống an sinh của chính bản thân người đó, đồng thời phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, xã hội.
Ví dụ điển hình như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, có nhiều người trước đó đã rút sổ BHXH, do đó khi nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp được thông qua, họ không còn được hưởng chế độ BHXH”.
Trên thực tế thì thường có 3 lý do cụ thể sau đây khiến người lao động chọn “rút một lần”:
Thứ nhất, về quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được nhận lương hưu mức tối thiểu (45%) là quá dài, nên tới tận 25 năm.
Thứ hai, về độ tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng theo lộ trình, cho đến khi đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ là chưa hợp lý. Độ tuổi này cần điều chỉnh và chỉ áp dụng cho một số công việc, ngành nghề như công chức chính quyền, tổ chức sự nghiệp, giáo dục, y tế…
Còn đối với lao động phổ thông, làm việc trong các ngành chế biết thủy sản, xây dựng, du lịch, công nghiệp, vận chuyển, dịch vụ…. thì đến tuổi này chắc chắn không thể còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc. Điều này đã được nhiều chuyên gia và người lao động có ý kiến.
Thứ ba, điều chỉnh mức đóng và mức hưởng lương hưu hiện nay. Khi điều chỉnh số năm tham gia BHXH để được nhận lương hưu cần điều chỉnh tỉ lệ đóng hưởng cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc đóng bao nhiêu – hưởng bấy nhiêu.
Một nhà báo phản biện về ý kiến ở trên của ông giám đốc BHXH TP.HCM, rằng đồng ý là mất tiền, đến 4-5 lần; mất cơ hội; mất lương hưu; mất bảo hiểm y tế. Mất đi “của để dành” để đối diện với một tương lai đầy bất trắc, trở thành gánh nặng. Tất cả những điều đó, biết nhất, hiểu nhất, và xót xa nhất chắc chắn là những người phải “bán lúa non”.
Nhưng họ vẫn bán, vẫn cầm cố, vẫn rút một lần khi bị đẩy vào những tình thế cấp bách mà chẳng có bất cứ gì ngoài cuốn sổ BHXH.
Lương tối thiểu hàng năm vẫn được điều chỉnh. Nhưng sống được bằng lương vẫn là câu chuyện ở thì tương lai. Chứ đừng nói đến dịch bệnh khiến hơn 32 triệu người bị ảnh hưởng thu nhập, việc làm. Khi ấy, với mức thu nhập không tích luỹ người lao động có cách nào khác là vay mượn, với bất cứ lãi suất nào, hay cầm cố, với bất cứ tài sản gì.
Ai mà không biết lương hưu là yếu tố đảm bảo tương lai. Nhưng chờ được đến tương lai, với tình cảnh quẫn bách lại là một câu chuyện không dễ.
Còn nhớ tháng 7 năm 2020, khi phát hiện sự biến có cả ngàn người lao động phải cầm cắm, bán non sổ BHXH, công an Củ Chi có lần mời 49 người tới trụ sở. Tất cả họ đều có một lý do chung: họ không còn bất cứ gì để thế chấp ngoài sổ BHXH.
Và, không ít những trường hợp “bán non” sổ với với giá 20 triệu đồng trong khi chỉ 5 tháng sau là đến thời hạn lãnh một cục- được 25 triệu đồng.
Chúng ta chắc sẽ bật ra câu hỏi: Sao những người không còn bất cứ gì, phải “gán nợ tương lai”, bán “của để dành” chỉ để có khoản tiền 20 triệu đồng lại không thể chờ thêm 5 tháng nữa. 5 tháng để khỏi mất thêm 5 triệu đồng.
Xin được trả lời câu hỏi này bằng một câu hỏi: Vậy thì những khốn quẫn bức bách ấy có thể chờ 20, 25 năm để khỏi phải “rút một lần”, có chờ nổi đến đến 60, 62 tuổi để được lương hưu?!