Võ Hàn Lam
(VNTB) – Nếu người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn bảo thủ cho cố xây dựng bằng được chủ thuyết nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, thì giờ đây cần tỉnh táo đánh giá lại toàn bộ từ đợt bùng dịch Covid hiện tại.
Trước hết, cần thấy rất rõ ràng rằng trong nền kinh tế thị trường được đánh giá vào loại phát triển bậc nhất thế giới như Mỹ, việc cung cấp nhu yếu phẩm cho hơn 300 triệu dân chỉ nằm trong tay rất nhỏ số lượng các nhà cung ứng với mức độ tự động hóa rất cao.
Do vậy, khi nước Mỹ ở giữa tâm dịch các hoạt động gần như ngừng lại, để đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân, Tổng thống Mỹ đã triệu tập lãnh đạo các doanh nghiệp cung ứng chúng là giải quyết xong. Việc tổ chức cung ứng nhu yếu phẩm của Mỹ rất gọn gàng.
Việt Nam thì không như vậy, mặc dù người đứng đầu Đảng luôn tỏ ra tự tin về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, để theo đó tương ứng phải là nền kinh tế mang tên gọi ‘thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa’. Người đứng đầu Đảng đã kiên trì cho việc bổ túc liên tục về lý thuyết hàn lâm cho chủ thuyết này.
Thế nhưng với những gì đang diễn ra về mọi mặt, từ phòng chống dịch Covid cho đến an sinh của dân chúng và duy trì tài chính quốc gia đều không được bền vững, và gãy đổ xuất hiện như một hiệu ứng của cú đổ donino.
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận của Đảng ta” là tựa bài báo của tờ Nhân Dân số phát hành ngày 22-5-2021, ghi tác giả là “PGS, TS Vũ Văn Phúc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản”.
Bài báo nói trên nhằm ngợi ca việc vào ngày 16-5-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
“Bài viết luận giải đầy sức thuyết phục, sâu sắc một vấn đề lớn, rất cơ bản, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta, trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn: nói thực tiễn mà rất lý luận, nói lý luận trên nền thực tiễn sinh động… (..) Bài viết đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tin tưởng vững chắc hơn dựa trên cơ sở hiểu sâu sắc, toàn diện, đầy đủ, có căn cứ khoa học và thực tiễn về “định hình chủ nghĩa xã hội thế nào, và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam?” – tác giả Vũ Văn Phúc đã nhận xét như vậy.
Thực tế không hề như những gì mà ông Vũ Văn Phúc đã tụng ca.
Nếu quả thật Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận của Đảng ta, vậy thì phải giải thích sau đó câu chuyện ở hiện tại là nhiều nhà vườn tại không ít địa phương đang khóc ròng vì không tìm được người mua. Nhiều nông dân tại Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu rao bán hành lá với giá 10.000 đồng/ kg cũng không có ai mua. Người chăn nuôi tại Đồng Nai kêu bán gà với giá 12.000 đồng/kg gà lông, chỉ hơn… 1/3 giá thành chăn nuôi nhưng thương lái từ chối lấy hàng.
Với chỉ thị 16 của ‘giãn cách xã hội’, đang dẫn đến sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa, mà chủ yếu là điểm nghẽn trong khâu vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vấn đề nêu trên.
Để phù hợp với ‘định hướng’, trước khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16, Bộ Công thương từng lên tiếng khẳng định đã làm việc với các địa phương phía Nam, đồng thời cam kết đảm bảo đủ nguồn hàng đáp ứng tiêu dùng của người dân với giá cả ổn định. Thậm chí bộ này còn lập cả một ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Thế nhưng, mọi thứ đến nay vẫn cứ loay hoay trong công tác tổ chức, phân phối theo đúng tôn chỉ mà người đứng đầu Đảng yêu cầu là ‘kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa’. Không thể nào gọi là “một đột phá lý luận của Đảng ta”, khi mà trạng thái giãn cách xã hội kéo dài trong khi người dân “không biết lấy gì sống” sẽ dẫn đến một số tình huống không tốt, trước tiên là tình trạng “phá rào” vì người ta vẫn phải sống, và xa hơn nữa đó là mất lòng tin vào những gì được tung hô “đột phá lý luận của Đảng ta”.