Diễm My
(VNTB) – Đâu phải ai cũng xui! Tỷ lệ 39 người thiệt mạng trên hàng ngàn người “may mắn đi lọt” chỉ là một xác suất vô cũng nhỏ nhoi và không đủ để làn cho người ta nhụt chí.
Nhập cảnh VIP với giá 14,330 nghìn Euro ( 395 triệu đồng).
Đã một năm trôi qua sau sự kiện 39 người Việt bị chết ngạt trong một xe tải trên đường tìm cách nhập cảnh trái phép vào nước Anh.
Trong phiên toà xét xử những người đã gây ra cái chết thương tâm của 39 nạn nhân này, toà án đã cho gọi nhân chứng X, một người Việt đã nhập cảnh trái phép vào Anh trót lọt cùng với 14 người khác chỉ trước thảm kịch Essex 12 ngày, ngày 11-10-2019. (1)
Nhân chứng X cho biết ông đến châu Âu qua ngả Ba Lan bằng máy bay vào tháng 2 năm 2019 bằng visa của khối Schengen sau khi xin tham gia một khoá học kinh doanh ở Ba Lan.
Tuy nhiên đích đến cuối cùng của X là nước Anh bởi anh X hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đó và và gia đình X cũng cảm thấy đó là điều tốt cho anh.
Từ Ba Lan, X đi đến Pháp để chuẩn bị vượt biên sang Anh.
X liên lạc với một người tên Hieu hiện đang ở Anh qua Facebook. Hieu sắp xếp cho X liên lạc với Phong cũng là một người Việt để lo đưa người vào Anh qua Viber. Phong cho biết X cần phải trả 14.00 euro ( gần 395 triệu đồng).
Ngày 10-10-2019, X nhận được mã số bưu điện và đi đến một căn hộ gần một cái hồ cách Paris 1 giờ. X được yêu cầu không mang theo bất cứ một thứ gì ngoài một ít quần áo và một điện thoại.
X nhập vào với một nhóm người Việt đang chờ đi và được yêu cầu tắt điện thoại và giao tiền.
Có hai – ba chiếc taxi chở họ đến điểm tập kết cách đó 90 phút. Những người này phải trốn trong một cánh đồng gần một nhà máy và chờ xe tải cùng với hai người Âu châu khác.
Sau 15 chờ, một người lái xe tải cao lớn và hơi quá khổ đến và mở cửa sau xe ra và cho họ lên bên trong xe.
Người lái xe tải yêu cầu họ lên nhanh và giữ im lặng. Khi đến cảng, xe dừng lại cho những người này uống nước và họ được người lái xe tải hướng dẫn một số điều kể cả việc đi vệ sinh.
X cho biết nếu cần đi vệ sinh thì phải đi vào một cái túi và tất cả phải đứng và đứng sát vào nhau, tất nhiên là họ không được gây ra một tiếng động nào.
Sau 8 giờ đứng trên xe, họ sang đến Anh. Khi của xe mở ra, một số người có giọng châu Âu giúp X và những người khác ra ngoài và đi nhanh vào những chiêcx xe màu đen.
X được đưa đến căn hộ của phong ở Luân Đôn và ở tại đó cho đến khi bố mẹ X ở Việt nam trả hết 395 triệu.
Khi được hỏi dự định sẽ làm gì, X cho biết sẽ đi xin giấy tờ.
Cơ quan chức năng phát hiện dấu vân tay của X bên trong xe tải được sử dụng để chở 39 người Việt sang Anh vào ngày 23 tháng 10.
X cho biết anh đi theo dạng VIP, đó là dịch vụ mà người lái xe tải biết có người bên trong xe. Loại không phải VIP thì người lái xe hoàn toàn không biết có người bên trong xe.
Không nạn nhân, không thủ phạm
Có những ý kiến cho rằng họ bị các đối tường môi giới dụ dỗ đi nước ngoài bất hợp pháp và trở thành nạn nhân của nạn buôn người và nô lệ hiện đại.
Thế nhưng những người tìm cách ra đi lại không tự nhìn nhận họ là nạn nhân vì họ là người lựa chọn ra đi với mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn trong các trang trại trồng cần sa hay là các tiệm làm móng tay chỉ để thoát cảnh làm ruộng ở vùng quê miền Trung nghèo khổ.
Những ngôi nhà lớn ở quê được người sang Anh gửi tiền về xây chính là bằng chứng hiển nhiên cho những thành công ở xứ người và là động lực cho những người cùng quê tìm mọi cách ra đi.
Những người chủ tiệm móng tay ở Anh cũng cho rằng họ không bóc lột và không sử dụng lao động nô lệ.
Ngày 28-1-2019, hơn 100 người Việt đã biểu tình tình trước cổng Tòa Thượng thẩm ở London, Royal Courts of Justice để phản đối “nô lệ hiện đại.”
Lập luận của họ là chỉ giúp đỡ đồng hương khi khó khăn, cưu mang những đồng hương khi những người này không có nhà cũng như lo cho chỗ ăn, chỗ ở.
Thế nhưng không phải không ai đã biết người nhập cư lậu không giấy tờ và người chủ lao động đã có những thoả thuận ngầm với nhau. Người chủ thuê được người lao động giá rẻ, người được thuê kiếm được tiền để trả nợ ở quê nhà. Người lao động nhập cư bất hợp pháp cũng không bao giờ lên tiếng vì muốn được yên ổn làm ăn mà không bị mất việc làm hay thậm chí đưa vào trại dẫn đến nguy cơ bị trục xuất về nước.
Không trách ai!
Trong thời gian toà án tại Anh xét xử các bị cáo trong vụ 39 người thiệt mạng ở Essex vì tội ngộ sát và âm mưu buôn lậu người. Thân nhân của một số nạn nhân đã lên tiếng. (2)
Bố của nạn nhân Lê Văn Hà ở Nghệ An đã trả tiền để cho con trai ông đi từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ rồi từ đó đi sang Hi Lạp và sau đó là Pháp để đi đến Anh. Anh Lê Văn Hà đã đến được đích cuối cùng tuy nhiên lại không giữ được mạng sống.
Bố của Lê Văn Hà nói ông không đổ lỗi cho bất kỳ ai cả.
Bố của nạn nhân Nguyễn Đình Lương 20 tuổi ở Hà Tĩnh cũng cho biết ông không oán giận các bị cáo vì “ họ không cố ý để cho những người này thiệt mạng. Nguyễn Văn Lương đã ở và đi làm ở Pháp từ năm 2018, và sau đó quyết định đi Anh trong chuyến xe định mệnh ngày 23-11-2020.
Bố của Lương nói rằng: “Không ai ép nó cả. Nó chỉ không may thôi!”
X là người may mắn và cả gia đình X cũng là một gia đình may mắn.
39 người Việt thiệt mạng vào năm ngoái là những người bất hạnh, thế nhưng với những người luôn ước mong có được một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Anh, thì 39 người ấy chỉ là những người kém may mắn.
Dĩ nhiên tỷ lệ 39 người chết trên hàng trăm, hàng ngàn người “may mắn đi lọt” chỉ là một xác suất vô cùng nhỏ nhoi và không đủ để làm cho người ta nhụt chí.
Hai cán bộ công an được cử sang Anh để tham gia chống nạn buôn người cũng sẽ chẳng làm gì được khi cả nạn nhân lẫn người môi giới đều không cho rằng họ phạm pháp.(3)
Rồi thì người Việt sẽ lại tiếp tục ra đi.
___________________
Ghi chú: