Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nguyên nhân ẩn giấu nào khiến Việt Nam phải tăng tuổi hưu?

Lê Dung

(SBTN)


Tháng 10/2016, ý tưởng tăng tuổi hưu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (và của cả chính phủ lẫn đảng cầm quyền) đã tiến sang kế hoạch thực sự, và có lẽ sẽ được tiến hành một cách nhanh chóng, khác hẳn với rất nhiều đề mục công việc “rùa” của cơ quan bộ này.

Nguyên nhân ẩn giấu nào khiến Việt Nam phải tăng tuổi hưu?

Hàng loạt lý do để tăng tuổi hưu đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu ra: tuổi thọ bình quân của dân số Việt Nam ngày càng tăng cao; nhiều người lao động sau khi nghỉ hưu lại tiếp tục đi làm việc; việc tăng tuổi hưu là phù hợp với Công ước Cedaw 1979 và Luật Bình đẳng giới; việc điều chỉnh khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ nhằm đảm bảo sự bình đẳng giới, bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội…


Trong thực tế, chính Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phải thừa nhận là quỹ hưu trí và tử tuất không đảm bảo cân đối trong dài hạn. Khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014,  Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo với các chính sách hiện hành (trước năm 2016) thì quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 sẽ có phần thu trong năm không đủ chi cho năm đó. Để đảm bảo khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.

Một thực tế khác trần trụi hơn nhiều: từ năm 2014, khi đã nhìn thấy nguy cơ vỡ quỹ hiển hiện và không còn “bảo mật” được nữa, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới buộc lòng phải công bố bí mật có đến 24,000 tỷ đồng nằm trong diện “thất thoát”. Đó là do việc đóng quỹ bảo hiểm chỉ căn cứ vào tiền lương tối thiểu của nhà nước mà không căn cứ theo thu nhập thực. Con số này bằng tới 40% quỹ lương hưu và trợ cấp xã hội trên và đủ để chi trả cho hơn 620,000 người già về hưu trong 1 năm.
Báo chí nhà nước thêm một lần nữa phải kêu gào: Một tỷ lệ không nhỏ số tiền của người lao động đang sắp mất trắng! Nếu tình trạng này kéo dài, Quỹ bảo hiểm không vỡ mới là lạ!

Không cần phải chờ đến năm 2030 như dự đoán của cơ quan chức năng về “có khả năng vỡ quỹ”, cơn sốt phát ban sẽ dựng đứng ngay vào những năm tới. Nếu xác suất vỡ quỹ lương hưu là hiện thực, thì cho dù có được ngân sách quốc gia bảo lãnh, giới về hưu sẽ chỉ nhận được những đồng tiền có độ trượt giá thê thảm. Khi đó, hậu quả chua chát nào sẽ chứng thực?

Vào năm nay, tình hình ngân sách đang trở nên thê thảm, nhiều hạng mục chi cho “đầu tư phát triển” và cả “chi thường xuyên” đã bị cắt giảm, tuy thế bội chi trong 10 tháng đầu năm 2016 vẫn lên đến 180 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, thu ngân sách lại ngày càng tệ, đặc biệt giảm thu từ xuất dầu thô và cả xuất nhậu khẩu. Trong tình trạng thê thiết như thế, Quỹ Bảo hiểm xã hội lại phải cho Chính phủ vay đến hơn 300 ngàn tỷ đồng, nhưng cho tới nay vẫn chưa biết khi nào chính phủ sẽ hoàn trả số tiền khổng lồ này và hoàn trả bằng gì – tiền mặt hay bằng “tín phiếu”?

Nhiều công chức hưu trí cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, họ nhận lương hưu bằng tiền mới cứng (loại mệnh giá 500 ngàn đồng, 200 ngàn đồng và cả 100 ngàn đồng) chưa qua lưu chuyển ngoài thị trường. Ai cũng có “cảm giác” là số tiền này mới được in ra.

Tất nhiên, Ngân hàng nhà nước – cơ quan chức chức năng in tiền, đã chưa một lần thú nhận về việc có cho in tiền hay không và in bao nhiêu tiền. Chỉ biết rằng, bất chấp những báo cáo cố gắng “khuôn” mức lạm phát năm 2016 dưới 5%, mặt bằng vật giá tiêu dùng vẫn tăng lên hàng ngày.

Nếu ép tăng tuổi hưu để giảm nguy cơ vỡ quỹ hưu trí, đội ngũ công chức Việt Nam vẫn không thể “tinh giảm” mà còn phình to hơn. Khi đó lại phải tăng ngân sách chi trả lương. Và khi đó lại phải in thêm tiền để trả lương, kéo theo lạm phát… Một vòng lẩn quẩn và bế tắc.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.