Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà chứng tích lại không có chứng tích

 

Thạch Hãn

 

(VNTB) – Nhà chứng tích chỉ hằng ngày mở cửa đón khách theo chức phận đã được phân công mà thôi

 

Tân Chủ tịch nước từng có thời gian hơn 2 năm là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương XVII.

Ngày 27-1-2016, ông Võ Văn Thưởng được Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bầu vào Bộ Chính trị, là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII trẻ nhất, khi 46 tuổi.

Ngày 04-2-2016, ông được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 05-2-2021, ông Võ Văn Thưởng giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa XIII.

Sáng 2-3-2023, tại kỳ họp bất thường lần thứ tư, Quốc hội đã bầu ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước nêu rõ, ông luôn tâm niệm phải nỗ lực cố gắng để làm nhiều hơn nữa những điều có ích, kiên trì theo đuổi những giá trị tốt đẹp.

Ông Võ Văn Thưởng là Chủ tịch nước thứ 12 và là Chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử (ông trở thành Chủ tịch nước ở tuổi 53). Ông sinh ngày 13/12/1970, là cán bộ cấp cao của Đảng được đào tạo, có năng lực, uy tín và kinh nghiệm công tác tương đối toàn diện, đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng của Trung ương và địa phương.

Một nhà báo đã nghỉ hưu nói rằng thời gian ông Võ Văn Thưởng làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thì tỉnh Quảng Ngãi – nơi mà ông Thưởng từng là Bí thư Tỉnh ủy, xảy ra một vụ việc rất đáng tiếc mà cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, đó là vụ gỡ ảnh thảm sát Mỹ Lai khỏi phòng trưng bày của Nhà chứng tích Sơn Mỹ.

Số là sau hơn chục năm khiếu nại, đầu tháng 4-2019, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) thông báo kết luận cuộc họp hội đồng khoa học về việc chỉnh sửa nội dung chú thích trưng bày thảm sát Sơn Mỹ thuộc chuyên đề “Tội ác chiến tranh xâm lược”.

Bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Chủ tịch hội đồng khoa học cho hay: “Sau thời gian xác minh, Hội đồng khoa học kết luận điều chỉnh nội dung chú thích cũ của tấm ảnh thành ‘Anh che đạn cho em’. Anh Trần Văn Đức, 7 tuổi. Em Trần Thị Hà, 14 tháng tuổi. Hai anh em hiện còn sống”.

Bức ảnh này là một trong số 60 tấm ảnh mà cựu phóng viên Mỹ Ronald Haeberle chụp trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Còn bà Trần Thị Hà khi đó đã 52 tuổi, em gái ông Đức, đang sống ở xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi.

Trong vụ thảm sát Mỹ Lai, cựu nhà báo Mỹ đã chụp lại tổng cộng 60 bức ảnh ghi lại cảnh tượng kinh hoàng (40 trắng đen và 20 ảnh màu). Bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai từng được ông đăng trên tạp chí Life cuối năm 1969, lần đầu tiên công bố với thế giới sự thật kinh hoàng về cái chết của 504 con người vô tội.

Năm 1978, kỷ niệm 10 năm vụ thảm sát, lần đầu tiên Nhà chứng tích Sơn Mỹ đã trưng bày nhiều bức ảnh của Ronald Haeberle được họ lấy lại từ Tạp chí Life. Trong loạt ảnh đó, có một tấm ảnh “Anh che đạn cho em”, cả hai sau đó đã bị sát hại, như chú thích của Tạp chí Life.

Thay vì trung thành với chú thích trên, Nhà chứng tích Sơn Mỹ lại ghi Trương Bốn che đạn cho Trương Năm – là tên của hai người đã bị giết tại một địa điểm khác với vị trí tấm ảnh mà Ronald chụp.

Năm 2020, tác giả bộ ảnh “thảm sát Mỹ Lai”- ông Ronald Haeberle – phóng viên chiến trường thuộc quân đội Mỹ vào năm 1968, đã yêu cầu không được tiếp tục treo ảnh của ông tại Nhà chứng tích Sơn Mỹ nữa cho đến khi thực hiện đúng theo yêu cầu của ông. Ông cũng đã gửi đơn khiếu nại lên Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ để nói về câu chuyện bản quyền và những lùm xùm xung quanh một bức ảnh của ông có tên “Anh che đạn cho em” được trưng bày tại Nhà chứng tích Sơn Mỹ lâu nay.

Khi đó, chia sẻ với giới truyền thông, ông Ronald Haeberle nói rằng hơn 40 năm qua (tức 1978 – 2020), ông đã nhiều lần trở lại Sơn Mỹ, lúc thì trong vai khách du lịch, khi thì trong vai một nhân chứng vụ thảm sát, ông đã thấy những bức ảnh của mình trưng bày tại đây nhưng ông chưa một lần ý kiến về việc bản quyền, ngược lại, ông cảm thấy rất vui khi chính ông đã góp phần đưa ra ánh sáng vụ thảm sát thông qua những bức ảnh ấy.

Ông chỉ yêu cầu là, phải chú thích “Trần Văn Đức che đạn cho Trần Thị Hà” trong bức ảnh “Anh che đạn cho em” kia thôi!

Tuy nhiên phía Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi – cơ quan chủ quản của Nhà chứng tích Sơn Mỹ thì không chấp nhận, và quyết định toàn bộ phòng trưng bày của Nhà chứng tích Sơn Mỹ không còn bất cứ một tấm ảnh nào về vụ thảm sát này.

Trả lời câu hỏi: “Vậy kỷ niệm 55 năm thảm sát Sơn Mỹ mà Nhà chứng tích lại không có chứng tích thì treo thứ gì?”, bà Phan Thị Vân Kiều, Giám đốc Nhà chứng tích Sơn Mỹ, nói: “Việc tháo gỡ hay treo lại số ảnh của Ronald, chúng tôi cũng chỉ biết thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên chứ không tự quyết được. Nhà chứng tích chỉ hằng ngày mở cửa đón khách theo chức phận đã được phân công mà thôi”.

Trong cụ thể vụ việc trên, tin rằng khi ấy nếu có chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chắc hẳn vụ việc đã được giải quyết theo đúng Công ước Berne, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam; qua đó sẽ không có câu hỏi đầy ngớ ngẩn đang đặt ra: “Kỷ niệm 55 năm thảm sát Sơn Mỹ mà Nhà chứng tích lại không có chứng tích thì treo thứ gì để khách biết đến?”


Tin bài liên quan:

VNTB – Làm giàu bằng… nghị quyết

Do Van Tien

VNTB- Thù địch, phản động là ai?*

Phan Thanh Hung

VNTB – Ma túy có bao bì chữ Trung Quốc dạt vào biển miền Trung Việt Nam

Baraju T. Ogelefecejo

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 08.03.2023 12:41 at 12:41

No Star Where mọi người ơi . Không có là may rùi . Trí thức phản trí thức, nhà văn hóa phản văn hóa, văn nghệ phản văn nghệ, nghệ sĩ phản nghệ thuật, nhà báo phản báo chí … đầy rẫy ra kìa . Ở VN phi là may gòi . Cứ tin & tự hào, rùi thêm hy vọng đủ thứ nữa là được tôn & tự cảm thấy mình là trí thức, là này là nọ liền ngay í muh

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo