Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc: Môn chữ Hán chỉ nên tích hợp

Phóng viên VNTB

VNTB – Cộng đồng học thuật Việt Nam lại thêm một đợt dậy sóng: Pgs Đoàn Lê Giang ở đại học Khoa học xã hội Nhân văn Tp.HCM đề xuất dạy môn chữ Hán trong trường phổ thông. Vietnamnet ghi nhận các chuyên gia Hán Nôm đồng tình với ông Giang. Ba ngày sau đó, sinh viên Tôn Phi, cũng đến từ Khoa văn đại học KHXH-NV TP.HCM có bài viết phân tích và phản đối đề xuất của Ts Đoàn Lê Giang. Để hiểu thêm về vấn đề, phóng viên Việt Nam Thời Báo có cuộc phỏng vấn với thạc sỹ văn khoa Phùng Hoài Ngọc.

Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc (trái) và nhà báo Lê Phú Khải

PV: Mến chào thạc sỹ Phùng Hoài Ngọc. Chúng tôi được biết thầy là một giảng viên văn khoa lâu năm và quan tâm đến nền văn học và văn hoá nước nhà. Xin được hỏi thầy đã đọc bài báo nói về quan điểm của TS Đoàn Lê Giang chưa?
Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc:

Trước hết tôi không đồng tình ý kiến Ts Đoàn Lê Giang phát biểu rằng “mục tiêu” đưa môn Hán văn vào phổ thông là để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Nhớ lại ngày xưa, người đầu tiên lập ngôn “cần phải giữ gìn sự trong sáng cuả tiếng Việt” chính là ông Phạm Văn Đồng cựu thủ tướng nước VNDCCH vào những năm 60s. 

Ở  đây chính xác mà nói thì ý của anh Giang là Hán cổ tự, chứ không phải là Hán tự.

Ông Đồng là người thạo tiếng Pháp, chắc hẳn gặp khó khăn vấp từ Hán Việt khi đọc tài liệu nên ông ta nhắc nhở cán bộ cố tránh né từ Hán Việt khi nói và viết, càng nhiều càng tốt (?!) Chỉ là một bài phát biểu ngẫu hứng của thủ tướng, nhưng, ở cái thời lãnh tụ nói gì cấp dưới cũng nghe răm rắp và tán thưởng tin tưởng như sấm trạng Trình, thế là báo chí nói theo. Ngành giáo dục cũng nhai đi nhai lại cái câu vô nghĩa ấy. 

Thực ra câu nói của ông Phạm Văn Đồng rất vớ vẩn. “Giữ gìn sự trong sáng” của một ngôn ngữ dân tộc là một điều vô nghĩa. “Ngôn ngữ dân tộc trong sáng” chẳng có nghĩa lý gì. Phẩm chất của một ngôn ngữ là sự phong phú (từ vựng, cách nói), là khả năng diễn tả thế giới khách quan và khả năng biểu cảm. Khái niệm ngôn ngữ “trong sáng” và “vẩn đục” thực là mơ hồ. Bây giờ số từ ngữ tiếng Anh kể cả viết tắt đang du nhập ngày càng nhiều vào tiếng Việt liệu có làm “vẩn đục” tiếng dân tộc không ? – tôi không biết. Chỉ biết rằng, nhiều quan chức, phát ngôn viên đài  truyền hình, nhiều báo viết và ca sĩ vốn chẳng giỏi ngoại ngữ lại thích nói chen tiếng Anh khi không cần thiết nghe rất chướng tai và gai mắt nữa. Trong khi đó, vốn từ Hán Việt đã sống thọ hàng nghìn năm trong lời nói dân gian, trong vô số văn bản. Thời hiện đại, đặc biệt từ sau 1945, do bị đoạn tuyệt quá lâu nên người sử dụng đúng lẫn lộn với người sử dụng sai. Môn tiếng Việt có chen Hán văn sẽ giúp thế hệ kế tiếp phục hồi sự phong phú và cách dùng chính xác vốn từ đó. Tôi nghĩ đó là mục tiêu đúng đắn (không phải “giữ gìn sự trong sáng” mơ hồ). Ngôn ngữ dân tộc nào cũng thay đổi theo thời gian và thế giới biến động, kêu gọi “giữ gìn” là điều không tưởng và vô ích.
 Ngôn ngữ dân tộc là tấm gương phản chiếu nền văn hóa dân tộc. Không ai có thể sửa chữa cái hình ảnh phản chiếu vào tấm gương đó được. Ngôn ngữ cũng là một sự thể hiện của lịch sử dân tộc nữa. Đáng lẽ nói cần bảo tồn sự phong phú của ngôn ngữ dân tộc thì ông Đồng lại đưa ra ý kiến vô nghĩa vớ vẩn mà bao năm qua giới ngôn ngữ học Việt Nam chưa ai phản biện và tranh luận hay phản bác. Tôi ngạc nhiên là đến bây giờ anh Đoàn Lê Giang lại lặp lại cái “mục tiêu” vớ vẩn đó.
Tuy nhiên, cơ bản tôi đồng tình dự kiến đưa Hán văn vào trường phổ thông mà hội thảo Hán Nôm đã đề xuất, qua ý kiến Ts Đoàn Lê Giang.
PV: Thạc sỹ Phùng Hoài Ngọc nhận xét như thế nào về phân tích của TS Đoàn Lê Giang?

Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc: Ts Đoàn Lê Giang thuật lại và truyền đạt quan điểm của Hội thảo nói trên. Tuy nhiên anh Giang thuyết minh thuyết trình trên báo chí chưa đủ hợp lý và rõ ràng khiến dư luận phản đối thái quá. Dù sao đây cũng là dịp để thiên hạ góp bàn việc nước trong khuynh hướng tiến tới nền dân chủ không thể ngăn cản.
Cuối Truyện Kiều, Kim Trọng và Thúy Kiều tranh luận khá gay go về việc hôn lễ mà Kim Trọng đưa ra. Cuối cùng Kim Trọng nhượng bộ và “Chàng rằng: khéo nói nên lời / Mà trong lẽ phải có người có ta”.
TS Đoàn Lê Giang hăng hái thuyết phục bạn đọc bằng cách so sánh Việt Nam với Nhật bản và Hàn quốc. Đó là so sánh rất khập khiễng và chưa đủ sức thuyết phục. Anh Giang cho rằng hai nước kia giàu có văn minh là nhờ bảo tồn Hán văn (!). Anh cố ý quên hay không biết rằng Nhật và Hàn khác biệt nước ta chủ yếu là về ý thức hệ và thể chế chính trị, đó mới là sự khác nhau cơ bản nhất, đó cũng là chỗ dở nhất của Việt Nam. Chữ Nhật và chữ Hàn quốc còn lưu dung nhiều chữ Tàu gốc và chế biến số chữ Tàu khác thành chữ của họ (theo hướng giảm nét, sửa nét và thêm nét mới, tương tự cách chế tạo chữ Nôm của nước ta) nên họ cần học Hán văn là điều tất nhiên. Mặt khác học một số chữ Hán nhất định để giúp đọc và nghiên cứu, thưởng thức văn hóa cổ Trung Quốc vốn chung nguồn gốc ngoại lai với Việt Nam.
  

PV: Giả sử ý kiến của Ts Đoàn Lê Giang, mà cũng là ý kiến của hội thảo, được áp dụng cả nước thì có đủ nhân lực để thực hiện không ? Và dự án đó có thể mang đến những biến động nào cho xã hội Việt Nam?
Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc:
Nhân lực Việt Nam hiện tại có thể đáp ứng được yêu cầu dạy một phần Hán văn cơ bản ở trường THCS và THPT. Giáo viên Ngữ văn khi ở trường sư phạm đã được đào tạo chữ Hán Nôm trung bình khoảng 3 học phần gồm 120 tiết, chưa kể phần SV tự rèn luyện (Trước khi chuyển sang chế độ học phần, trường tôi bố trí 225 tiết Hán Nôm, nhưng về sau nhiều môn vớ vẩn được nhét vào chương trình nên phần chuyên môn cứ tóp dần lại,  nay chỉ còn một nửa). Nếu Bộ GD quyết định đưa Hán văn vào trường trung học hai cấp thì sẽ cần gia tăng thêm một số giờ ở trường sư phạm. Lúc trước, sinh viên cao đẳng và đại học ngữ văn sư phạm biết rằng chỉ học chữ Nho cho biết, nay biết rằng học để dạy thì ý thức  học hành sẽ khác.
Dự án đưa Hán văn trở lại phổ thông chỉ làm phong phú thêm cho môn học tiếng Việt và học sinh trung học sẽ rất hào hứng học tập và thực hành- đó là “biến động tốt”.

PV: Các luận điểm của sinh viên Tôn Phi trong bài phản biện trên trang Việt Nam Thời Báo, nhất là đoạn nói về nguy cơ làm cớ cho phe diều hâu Trung Quốc phát động chiến tranh có giá trị tham khảo hay không ?
Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc:
Phe diều hâu bành trướng Trung Quốc chả cần biết đến môn tiếng Việt có thêm một số chương bài Hán Nôm cấy ghép vào môn tiếng Việt. Bọn họ có lộ trình bành trướng riêng… Mười lăm nghìn du học sinh Việt Nam luôn luôn có mặt hàng năm ở các trường đại học TQ, việc ấy có đáng lo hay không ? và rất nhiều hoạt động chế tạo “quyền lực mềm TQ” khác nữa đang diễn ra âm thầm ở Việt Nam… Lại còn “mật ước Thành Đô” và những lời hò hẹn “16 vàng 4 tốt” mới thực sự nguy hiểm. Chúng ta chỉ cần bồi dưỡng lòng yêu nước là đủ “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Đưa Hán văn vào thành một bộ phận khiêm tốn trong môn Tiếng Việt (đúng ra nên gọi môn Việt ngữ) chỉ là một việc nhỏ trong tổng thể công việc của ngành giáo dục phức tạp đa đoan. Vì thế tôi nghĩ không cần phải đưa ra trình quốc hội (lắm thầy thối ma) lại càng không cần “trưng cầu dân ý”. Chỉ cần đưa ra phản biện trong giới trí thức. Chẳng hạn, BỘ GD đưa ra Dự án, mời Viện hàn lâm KHXH và các trường đại học có khoa Ngữ văn  tham gia hội thảo, phản biện và nghiệm thu là đủ.
Rất nhiều người hiểu lầm rằng đưa Hán văn vào phổ thông tức là đưa thêm “ngoại ngữ 2” đứng bên cạnh tiếng Anh, như thế thì học sinh không học nổi.  Chúng tôi khẳng định học Hán văn không phải là môn “ngoại ngữ” và không liên quan gì đến “nguy cơ đồng hóa”. Suốt hơn nghìn năm tổ tiên chúng ta học và hành với Hán văn mà vẫn tránh được đồng hóa và vẫn giữ độc lập tự chủ. Việt Nam là trường hợp hiếm hoi trên thế giới: học một ngoại ngữ (tiếng Hán) mà tự chế thêm phần phiên âm, phát âm hoàn hảo (tiếng Hán-Việt) . Khi nói tiếng Hán Việt thì người bản xứ không hiểu chút gì, họ chỉ có thể đọc văn bản Hán cổ tự của người Việt viết ra thôi. Muốn giao thiệp Tàu- Việt với nhau phải bút đàm nếu không có người thông ngôn. Đó là khả năng tự chủ mãnh liệt và kỳ lạ của dân tộc Việt vào cái thời nước Việt nhỏ bé (chỉ có miền Bắc, chưa có miền Nam), đơn độc ngày xưa.
  

PV: Theo thạc sỹ Phùng Hoài Ngọc, để giữ gìn sự phong phú của tiếng Việt và tăng cường khả năng dùng chính xác tiếng Việt hơn trước, cần làm thế nào ?
Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc:
Tôi đề nghị đưa Hán văn trở thành một bộ phận của môn Tiếng Việt (vài chương) và môn Mỹ thuật (một chương vẽ thư pháp Hán tự). Có nghĩa, không đưa môn Hán văn hoàn chỉnh và tự chọn (như đề xuất của TS Hà Văn Minh). Như thế khỏi phải lo lắng rằng lại thêm môn học trong khi chương trình đang quá tải.
Cái khó nhất chỉ là soạn sách tiếng Việt và bồi dưỡng giáo viên (Ngữ văn), nhưng Bộ GD đủ khả năng làm việc này.

PV: Ý của thầy có phải là tích hợp chữ Hán vào môn Ngữ văn hay còn gọi là Tiếng Việt phải không ?
Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc: Môn Ngữ văn phổ thông ở Việt Nam gồm 3 bộ phận chính: tiếng Việt, Văn học và Làm văn.  Phần Làm văn chủ yếu là thực hành, áp dụng hai môn kia. Do vậy thông thường người ta chỉ nói tới hai phần cơ bản nổi bật là Văn họctiếng Việt.
Nếu đưa Hán văn vào môn Tiếng Việt, cách thức đó tạm gọi là “lồng ghép”, mức độ giản đơn của “tích hợp”. Trên một gốc cây hoa, người ta lai ghép thêm vào một loại bông khác nữa. Một gốc cây có hai giống hoa, hai màu hoa, nhìn hài hòa màu sắc rất đẹp. Trồng một gốc cây cho hai loại hoa. Môn tiếng Việt có ghép một số chương Hán văn khiến tôi nghĩ tới cây hoa hai sắc ấy (so sánh hơi khập khiễng). Một bức tranh cổ có bài thơ đề tranh (thi họa tích hợp), đó là một sáng tác nghệ thuật tích hợp…
Tích hợp là một khuynh hướng mới hiện nay trong nhiều nền giáo dục thế giới. Tích hợp là lồng ghép kiến thức môn này vào môn kia một cách nhuần nhuyễn, như tích hợp địa lý vào lịch sử, tích hợp sử vào văn, tích hợp sinh học vào địa lý. v.v… Nguyên lý cơ bản là: các môn học ấy vốn dĩ tự “lồng ghép, tích hợp” với nhau trong thực tiễn khách quan một cách tự nhiên, khi vào nhà trường thì nó bị “phân tách” rời nhau ra… Việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa tích hợp rất khó nhưng hiệu quả rất cao. Đưa Hán văn vào tiếng Việt coi như một dạng “lồng ghép” giản đơn của tích hợp.

Bàn về tính khả thi của việc lồng ghép tích hợp chữ Hán vào môn Tiếng Việt, tôi nghĩ ngành giáo dục cần có quá trình thực hiện từng bước. Tham khảo các trường hợp thế giới người ta lồng ghép tiếng La tinh, Hi Lạp (vốn là cổ ngữ ở châu Âu) vào tiếng Anh, Pháp, Tây ban nha… Nhìn chung, tôi tin tưởng vào hiệu quả của việc đưa Hán Nôm vào trường phổ thông.

Tin bài liên quan:

VNTB- Nhà thơ tự ứng cử Bùi Minh Quốc: Chưa có biểu hiện ‘đấu tố’ ở Lâm Đồng

Phan Thanh Hung

VNTB- Khiếu nại đăng ký học phần ở đại học Nhân văn: “Thầy không biết”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.