Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc: Những bê bối về giáo trình và nạn học chay của sinh viên văn khoa

Kiều Phong

Images intégrées 1
Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc ở An Giang

(VNTB) – Câu chuyện giáo trình và thiết bị ở giảng đường đại học Việt Nam càng ngày càng nhiều bê bối. Ở khối ngành xã hội và nhân văn, nội dung giáo trình cũng lạc hậu rất xa so với thời đại. Riêng trong ngành văn học, nhiều môn sinh viên còn không có giáo trình.

Phóng viên Việt Nam Thời Báo có cuộc phỏng vấn với nhà giáo Phùng Hoài Ngọc, thạc sỹ văn học từng giảng dạy nhiều năm ở đại học và cao đẳng về vấn đề này.

Kiều PhongMến chào nhà giáo Phùng Hoài Ngọc. Thưa thầy, tại mọi giảng đường đại học Việt Nam, vấn nạn dạy chay- học chay vẫn còn rất phổ biến. Một điều đáng thắc mắc, đó là ngay trong khối ngành xã hội và nhân văn, sinh viên hiện không có giáo trình ở nhiều môn, nhiều môn khác thì giáo trình lạc hậu và thiếu sót rất nhiều. Là một chuyên gia trong đào tạo GV văn học, xin thầy cho biết một số ví dụ về điều này?

Phùng Hoài Ngọc –  Ai đã từng nghiên cứu và giảng dạy khoa học XH-NV cũng biết Văn – Sử – Triết là nhóm bộ môn “nhạy cảm”. Nhạy cảm vì nó bị trói buộc và khống chế bởi cái lô cốt ý thức hệ. Tình trạng giáo trình bây giờ là mạnh ai nấy viết, soạn lại, miễn là trong vòng giới hạn vô hình đó.
Thầy có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn đến việc sinh viên văn khoa nói riêng và khoa học xã hội nói chung đi học mà không có giáo trình, hoặc giáo trình lạc hậu như vậy ? 
Bộ không có chủ trương qui định và cung cấp giáo trình kiểu như sách giáo khoa phổ thông bắt buộc dùng chung. Nhưng hầu như đa số đại học dùng sách in của Nhà xuất bản Giáo dục, sau đó tự biên soạn thành Đề cương bài giảng.

Một số giảng viên có tâm huyết muốn viết lại giáo trình, nhưng với lực lượng của số ít này thì dường như đó là nhiệm vụ  bất khả thi ở thời điểm hiện tại. Là một thạc sỹ văn học có nhiều năm phụ trách môn Văn ở cao đẳng đại học, chắc chắn thầy biết được những trở ngại của việc viết lại và viết mới giáo trình. Những khó khăn đó là gì, thưa thầy? 
Bộ GD chỉ khuyến khích viết, chứ không tổ chức viết lại giaó trình. (Riêng giáo trình Mác Lê đã do Ban tuyên giáo tự lo, không khiến Bộ mó tay vào). Thực tế là tùy ý trường nào muốn biên soạn thì cũng tự lo kinh phí vốn rất hạn chế. Bộ không qui định cho đại học phải lấy bộ sách nào làm chuẩn, bởi họ biết như thế là trái với tinh thần đại học, Nhưng các trường có biên soạn thì vẫn tự “kiểm duyệt” trước cho chắc ăn.
Có hai cái khó của việc biên soạn giáo trình văn học mới:

Môn Lịch sử văn học:

Chẳng hạn như các nền văn học sau đây rất khó khăn. Văn học Trung Quốc hiện đại, văn học Nga và Phương Tây. Tác giả sẽ rất loay hoay khi viết về giai đoạn văn học theo ý thức hệ cộng sản. Nhìn chung giai đoạn văn học nào có Đảng cộng sản cầm quyền thì đều khó viết, khó lý giải cả trên thực tiễn văn học và mặt lý luận. Chẳng hạn, giáo trình xưa nay coi Lỗ Tấn là nhà văn mở đầu văn học CM vô sản là sai, theo kiểu vơ vào bắt quàng làm họ của chế độ Mao. Lỗ Tấn là nhà văn theo khuynh hướng Tự do Dân chủ, không dính dáng CS. Nhân vật chú nông dân mù chữ AQ cho thấy vô sản không thể làm cách mạng, chỉ bị lôi kéo lợi dụng đi phá phách mà thôi. Câu thơ Lỗ Tấn “Quắc mắt coi khinh ngàn lực sĩ/cúi đầu làm ngựa các nhi đồng” (Hoành mi lãnh đối thiên phu chi/ Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu) là khí phách con người trí thức Tự do, không phải khí phách cộng sản. Bình giảng kiểu giáo sư Trung cộng (và Việt Nam theo y chang) là phản khoa văn học.
Riêng Văn học Việt Nam hiện đại, nhà soạn sách phải đối diện với nhìều khó khăn. Giai đoạn chiến tranh Việt Nam nội chiến đối đầu ý thức hệ vấp phải sự lúng túng khái niệm khó nuốt. Văn học có “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” hay thuần túy chỉ là anh hùng truyền thống ? Nhận định thế nào cho đúng giai đoạn văn học miền Nam (1954-1975) với những câu hỏi khó.
Môn lý luận (lý thuyết) văn học:

Vấp phải quan điểm văn nghệ Mác- Lê Nin, về tính Đảng, tính giai cấp, v.v… nhà soạn sách có dám viết thẳng thắn hay không.
Nhà soạn sách có gan “đánh đu”, cá cược với hội đồng thẩm định nghiệm thu không ? Cái hội đồng ấy gồm những chuyên gia đa dạng kín đáo về chính kiến, lúc nói thế này lúc thế kia. Ai biết đâu mà lường trước ! Không lường trước thì nhà soạn sách công toi.
Mặt khác, giáo trình còn phải thể hiện phương pháp dạy học mới. Giáo trình sẽ là cuốn “kinh thánh” bất di bất dịch, hay chỉ là điểm tựa cho SV thể hiện tư duy khoa học độc lập. Đó là cả một vấn đề.
Câu hỏi cuối cùng, thưa thầy: Nếu tình trạng học chay không được giải quyết dứt điểm, những hậu quả nào có thể xảy ra đối với xã hội khi người cử nhân văn khoa ở Việt Nam không được tiếp thu những giá trị như ở thế giới tự do?
SV cứ phải bám theo bài giảng của Thầy nếu không muốn thi học phần bị rớt. Thầy có thể tự soạn “Đề cương bài giảng” cho SV photo hoặc chỉ trỏ cuốn sách nào đó cho SV tìm mà bám theo. Nói chung vẫn gần giống như phổ thông, chệch ra ngoài sách và thầy là… rớt.
Bây giờ giáo trình chủ yếu vẫn theo sách cũ (tái bản không chỉnh lý, coi như in nối bản, khỏi phải trả nhuận bút), không giảng viên nào dám tự ý làm khác, tránh phiền phức… Có trường (như CĐSP và ĐHAG) nhiều năm chủ trương tổ chức cho thầy tự soạn Đề cương bài giảng (dựa trên một số sách của NXB.GD), trường nghiệm thu xong thì giao cho SV tự photo, để giảm chi phí tìm mua sách cho họ.
Hậu quả học chay là SV tốt nghiệp với kiến thức không cơ bản, tạp nham. Thiếu tự tin khi gặp tác phẩm văn học cổ hoặc mới lạ, nhất là thiếu tự chủ. Họ sẽ không đủ khả năng tự đánh giá văn học quá khứ vốn bị giảng dạy theo quán tính, vốn bị chính trị hóa, sinh ra bệnh “ăn theo nói leo”. Ấy là chưa nói đến tình trạng éo le, bi đát: giả sử họ được trang bị công cụ tư duy mới, về trường trung học gặp phải những GV lâu năm khô cứng tư duy lối mòn, họ sẽ bị kỳ thị, phản ứng… tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới” cũng khổ cho họ. Họ sẽ không có tài liệu chính thống để tự bảo vệ, để chứng minh họ đúng. 

Xin cám ơn nhà giáo Phùng Hoài Ngọc đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

Tin bài liên quan:

VNTB- Nói xấu linh mục trên báo quốc doanh, phải chăng bộ máy tuyên truyền đã quẫn trí?

Phan Thanh Hung

Việt Nam: Nguy cơ tụt hậu về công nghệ thông tin

Phan Thanh Hung

VNTB- Phóng sự: Quán cà phê không có khách và những thân phận đáng thương

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo