Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà tù Mỹ – Nhà tù Việt

Trúc Chi 

 

(VNTB) – Nhà tù Mỹ biến một tội phạm thành người tốt và có ích cho chính phủ Việt Nam.  Thế còn với nhà tù XHCN những người tốt này sẽ ra sao?

 

Tù Mỹ

Hiếu PC một cái tên bỗng nhiên lại được nhắc đến khi Hiếu về đầu quân cho một công ty an ninh mạng Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh.

Người ta nhắc đến nhiều vì Hiếu là một cựu tội phạm mạng nổi tiếng đã từng ngồi tù 7 năm ở Mỹ trước khi được trả tự do và về Việt Nam cách đây vài tháng.

Không ít người cho rằng Hiếu-một cựu tội phạm- lại đầu quân cho chính phủ Việt Nam với ít nhiều mỉa mai.

Tôi cũng chẳng biết gì nhiều về em, mãi cho đến khi coi buổi phỏng vấn em trực tiếp với sự tham gia của Dương Ngọc Thái. Vốn chẳng mấy khi khi coi livestream nhưng hôm ấy tôi ngồi nghe từ đầu đến cuối.

Ấn tượng đầu tiên về Hiếu là một người rắn rỏi và hơn hết qua câu chuyện kể của em tôi nhận thấy một con người có cái tâm, lòng nhân ái. Em đã sai lầm khi còn trẻ và đã phải trả giá đắt cho điều đó. Và tôi tin rằng em sẽ biết giữ cho mình làm người tốt.

Câu chuyện của Hiếu khiến tôi phải kinh ngạc về chế độ nhà tù của đế quốc Mỹ vì lâu nay cứ nghĩ rằng nhà tù Mỹ vô cùng khắc nghiệt nhất là đối với tội phạm người nước ngoài như khi coi các bộ phim hành động kiểu Mỹ.

Chuyện người phạm tội phải trả giá cho hành vi của mình là điều bình thường. Cũng như Hiếu vậy, những sai lầm tuổi trẻ tưởng chừng như là Hiếu sẽ phải ngồi chăn kiến ở Mỹ trọng 40 năm như bản án mà Toà đã tuyên. Nhưng rổt cuộc Hiếu đã được trả tự do sau 7 năm và bị trục xuất về Việt Nam.

Với lối nói mộc mạc và thật thà, pha chút hóm hỉnh, Hiếu đã kể về hành trình trả giá cho tội lỗi của mình và hơn hết là một sự chuyển đổi về tính cách và lối suy nghĩ.

Vậy nhà tù Mỹ đã dạy cho Hiếu những gì?

Hiếu đã mất hai năm để hiểu ra rằng không ai có thể giúp mình bằng mình để quyết tâm học tiếng Anh với mục tiêu tự biện hộ – khai báo cho mình mà không cần thông dịch vì đôi khi người thông dịch không sử dụng đúng hay hiểu đúng những thuật ngữ chuyên ngành về công nghệ nên có thể gây hiểu lầm khi khai báo trước toà.

Từ trong tù Hiếu được sử dụng máy tính bảng để liên lạc với gia đình qua Facetime. Và không như những tù nhân khác chỉ giết thời giờ qua Facetime với người thân hay chơi game suốt ngày, Hiếu sử dụng máy tính bảng để học online với bất kỳ môn nào Hiếu muốn,. Trong những năm tháng chịu án tù ở Mỹ Hiếu đã ghi danh học để lấy 25 khoá học trực tuyến.

Hiếu được phép đặt mua sách báo về tin học để cập nhật thông tin. Mỗi lần ra toà bản án lại được rút ngắn nhờ những chứng chỉ từ các khoá học trực tuyến, từ những đề nghị – khuyến nghị về an toàn mạng và cả lòng tin tưởng của một người phụ nữ Mỹ đã thương yêu và dẫn dắt Hiếu về tinh thần.

Nghe những gì Hiếu kể lại, tôi cũng tin em như người phụ nữ Mỹ khả kính ấy. Bà đã lấy lòng thương yêu để cảm hoá một con người và lòng nhân ái để cho Hiếu có được lòng tin vào sự hướng thiện, cải tà để không phụ lòng những người đã nâng đỡ em trong lúc hoạn nạn.

Từ những gì mà Hiếu đã học được, đã làm được trong tù đã khiến cho bản án từ 40 năm của Hiếu giảm dần xuống và để rồi được tự do sau 7 năm thụ án ở nhiều nhà tù trong nhiều tiểu bang nước Mỹ.

Ngày ra tù Hiếu đi về Việt Nam, trong thời gian đó đã có 2 công ty ở Mỹ, một ở Singapore và một ở Việt Nam đưa ra lời đề nghị mời làm việc cho họ; nhưng Hiếu đã từ chối chỉ vì muốn có thời gian cho gia đình và được ăn những bữa cơm cùng với ba mẹ. Hành trang mang về là 7 quyển nhật ký viết về những ngày tháng trong tù, các ý tưởng kinh doanh, sáng tạo.

Hiếu đã lập ra trang web, Facebook để giao lưu với các bạn trẻ, nói về cái sai của mình hầu mong người khác không phạm phải sai lầm như mình nữa. Điều tôi cảm mến ở Hiếu là không che giấu cái sai, cái xấu của mình mà dám tự nhìn vào đó để giữ mình, và giúp cho những người trẻ khác con đường hướng thiện.

Nhà tù Mỹ đã cải huấn một tên tội phạm mạng, từng bị 13.000 công dân Mỹ tố cáo vì bị đánh cắp danh tính và thông tin cá nhân đã trở thành một người tốt. Nhà tù Mỹ đã không làm thui chột sự tự tin và tài năng của một tù nhân nước ngoài để giờ đây có được một nhân viên từ chối các lời mời của Mỹ, Singapore về đầu quân cho Việt Nam.

Tôi hi vọng rằng với sự cảm hoá, bao dung và lòng nhân từ mà em đã được họ từ nhà tù của Mỹ, em sẽ luôn giữ được mình để làm điều mà em cho là “trả nợ cho đời”.

 

Tù Việt

Tôi lại miên man nhớ đến tù nhân người Việt ở ngay trên chính quê hương Việt Nam.

Tôi nhớ đến những thanh niên cũng vào tù ở độ tuổi như Hiếu chỉ vì họ thực thi các quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến Pháp như sinh viên luật Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc, Lê Hữu Minh Tuấn.

Sinh viên luật họ luôn ý thức về điều mình làm, chịu trách nhiệm hành vi của bản thân bởi lẽ họ không vi phạm pháp luật. Khi thực thi quyền tự do ngôn luận để đóng góp những tiếng nói phản biện phù hợp với Điều 28, Hiến pháp 2013 về việc công dân có quyền “tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.

Nhưng oái ăm thay họ lại bị khép vào tội danh theo điều 88 hay 117 BLHS. Những quyền căn bản hiến định đã bị chính hệ thống pháp lý phủ định bằng những bản án khắc nghiệt. Những tội danh sẽ đóng khung những cuộc đời sinh viên 6-10 năm sau song sắt và nhiều năm quản chế sau đó.

Họ bị kết án không phải vì các tội mang tính định lượng như trộm cắp thời công nghệ số như Hiếu PC hay các tội phạm kinh tế làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân hay trộm cắp từ tiền ngân sách. Họ bị kết án vì nói thật, vì yêu nước, vì thực thi các quyền hiến định, những tội danh không thể định lượng mà được định danh từ những bài viết phản biện thể hiện ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ về một nước Việt công bằng, dân chủ, văn minh.

Những sinh viên luật trẻ tuổi này họ chẳng hầu mong đối kháng với một nhà nước có các nguồn lực quân sự, vũ trang hùng hậu. Những bài viết, ý kiến của những thanh niên nhiệt huyết này không thể lật đổ được một chế độ đã tồn tại bấy lâu nay.

Ông Trần Đức Vượng đã từng nói “ ta không làm tốt thì ta tự lật đổ ta thôi.” Không phải những sinh viên luật đang phải thụ án tù hay sẽ phải ra toà họ đang chỉ ra những điều không tốt để cho đảng, nhà nước và xã hội tìm cách làm tốt hơn, tìm cách tự hoàn thiện thể chế, và cung cách quản lý đó hay sao?

Đảng chính trị làm tốt nhiệm vụ của mình là phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân thì làm sao đảng có thể bị chính người dân lật đổ?

Những năm tù dài đằng đẵng, những sinh viên này có được tự do mang theo sách luật Việt Nam và Quốc tế để nghiền ngẫm, suy nghĩ? Họ có được cho học những khoá trực tuyến nào mà họ thích như tù ở Mỹ để tài năng không bị thui chột, kiến thức được cập nhật và sẽ có được những công ty này nọ mời chào làm việc?

Những sinh viên đầy hoài bão trong nhà tù Việt Nam sẽ phải trả nợ gì cho đời? Tôi nghĩ thật ra đời và cả chúng ta đây đang nợ họ, những người dám dấn thân vì hoài bão. Những người với lòng trung thực, lòng nhân ái này sẽ lại có thể là những đốm lửa nhỏ để khơi dậy lòng nhân ái, tính hướng thiện của những người bạn tù.

Họ chấp nhận làm những viên gạch lót đường để cho những người như chúng ta không còn thờ ơ với vận mệnh đất nước và dân tộc, cho chúng ta thấy rằng mình phải tự vượt ra khỏi bản ngã, sợ hãi để tự thay đổi cho chính mình.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tự do báo chí và “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”

Phan Thanh Hung

VNTB – Điều 117 Bộ Luật hình sự và suy đoán vô tội

Phan Thanh Hung

Năm 2020, Việt Nam tăng cường kiểm duyệt nội dung, bóp nghẹt tiếng nói trên không gian mạng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo