Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nhân ngày Quốc tế Hiền chương Nhà giáo (20 -11 -2016): Thầy tôi

Phạm Đình Khanh (VNTB)

Kính tặng thầy Nguyễn Khánh Bình
Thầy tôi biết một chút chữ Hán từ những năm học phổ thông, rồi mê, không chỉ vì sự hấp dẫn của loại chữ tượng hình mà còn vì nhiều bộ sử, nhiều áng hùng văn, nhiều tác phẩm văn học cổ đại nổi tiếng của cha ông mình đều viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thầy tôi bảo nếu biết ít nhiều hai loại chữ này thì có thể hiểu cha ông, hiểu lịch sử dân tộc mình hơn, chí ít thì cũng có thể đọc và hiểu được nội dung các hoành phi câu đối, văn bia, thần tích thần phả, sắc phong, ngọc phả, hương ước… ở các đình, chùa, đền, miếu cổ hay ở gia phả, tộc phả các gia đình, các dòng họ.
Thầy tôi không tán thành với ai đó vọng ngoại cho rằng chỉ có người Nhật, người Hàn Quốc – vốn dĩ cũng từng dùng chữ Hán như quốc tự, như nước ta nhưng về sau họ đã thành công trong việc sáng tạo ra chữ viết riêng, còn ta, với chữ Nôm, thua họ xa. Thầy bảo dường như những người ấy chưa thấu hiểu được hoàn cảnh ngàn năm Bắc thuộc của dân tộc mình và chưa thấy được ý chí dám khác biệt của tiền nhân trong việc sáng tạo ra chữ Nôm; và rằng gần đây trong giới nghiên cứu ở nước ta xuất hiện một trường phái cho rằng người Việt là chủ nhân của chữ tượng hình, rằng không có cái gọi là “từ Hán Việt”, dù chưa thật thuyết phục lắm đâu nhưng đã có sức gợi mở!
Những năm tháng làm kỹ sư truyền thông trực máy thông tin điều hành tàu biển ở Công ty Vận tải Thúy Bắc, Bộ Giao thông vận tải, thầy tôi đã có ý thức tự học và 4 năm trước khi về hưu thầy đã tìm đến các lớp và học tập liên tục: năm 2000 học lớp Hán Nôm A của Trung tâm ngoại ngữ Trường Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, tại số 7, Hai Bà Trưng; năm 2004 hoàn thành chương trình Hán Nôm B ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, Hà Nội; năm 2005 tốt nghiệp Hán Nôm khóa V ( 2001 – 2004); năm 2008 tốt nghiệp lớp Hán Nôm khóa VI ( 2004-2008) của Viện Khoa học xã hội Việt Nam; năm 2009 hoàn thành chương trình bồi dưỡng Tiếng Việt cổ (2/5/08 đến 20/4/09).
Một lần tôi có việc riêng gặp GS,TS Đinh Khắc Thuân – Phó tổng biên tập Tạp chí Hán Nôm. Câu chuyện loanh quanh thế nào mà hôm ấy tôi lại tiết lộ thật ngô nghê rằng có học chữ Hán. Ông Thuân hỏi học ai, tôi bảo học thầy Bình, lớp buổi tối, ở đình Trung Kính Hạ; ông Thuân bảo: “Tôi biết ông Bình, trước đây ông hay đến học Hán Nôm ở Viện tôi. Điều lạ là ông ấy theo học cả lớp năm thứ nhất và năm thứ hai, tích cực và chăm chỉ lắm”. Dăm năm sau, trong một lần khác, tôi đến Phòng Tạp chí Viện Hán Nôm mua sách, có cô hỏi bác đang học Hán Nôm ư, đáp vâng, lại hỏi học ở đâu, đáp Đình Trung Kính hạ, lớp thầy Khánh Bình; bảo: “ Bác Bình ngày trước theo học tại Viện em tích cực lắm và lâu nay vẫn thường mua sách và đọc tài liệu ở đây”. Thầy tôi cũng từng tâm sự rằng “Mỗi lần đến Viện Hán Nôm, mình thường la cà hết phòng này phòng khác tìm hiểu và học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích. Cũng từ Viện Hán Nôm mà năm 2008 mình được biết Viện Tôn giáo dạy Tiếng Việt cổ, vậy là mình tìm đến đăng ký xin học”.
Thầy bảo nhiều lúc mình học được trong thực tế, từ phía học viên: “Ấy là cái lần soạn bài giảng về hương ước làng Cót, gặp từ “mang đa”, chưa tìm được từ nào dịch sát hợp, bèn gọi điện hỏi người anh em đồng môn thưở trước, hiện đang là chuyên gia ở một viện nghiên cứu, được chỉ dẫn là “mang về để lĩnh” và cố nhiên mình cũng giảng như vậy. Nhưng hôm ấy một cụ học viên, 79 tuổi, bảo: “ Không phải như thế đâu thầy giáo ạ. Nó là cái hóa đơn, dịch dựa theo tiếng Pháp”. Vậy là mình học được bài học từ “một cụ học viên”.
Thầy tôi còn tự học bằng cách khai thác trên mạng, rồi học sử dụng thành thạo phần mềm Hán Nôm. Thầy biên soạn nhiều tài liệu tham khảo tặng học viên: “Minh Đạo gia huấn” (Chữ Nôm), “ Minh đạo gia huấn” (Chữ Hán), “ Hạng Thác”, “Những chuyện hay của Phật giáo”, “Đệ tử quy” ( Sách vỡ lòng về đối nhân xử thế thời xưa), “Loài chim ăn thịt mẹ để biết bay”, “Một loài chim nuôi mẹ”… Một lần, khoảng năm 2010, thầy nói với cả lớp: “Mình vừa được người thân tặng cho bộ phần mềm Hán Nôm, lớp ta có ai muốn thì sẽ coppy tặng lại mà dùng, tiện ích lắm”. Tôi, một học trò tham lam, đã chớp lấy cơ hội ngàn vàng này, là người đầu tiên được thầy tặng bộ công cụ tuyệt vời ấy và tôi thường xuyên chiêm nghiệm tiện ích vô cùng lớn của nó.
Bộ sách công cụ để học tập và soạn bài giảng của thầy tôi thật phong phú: Về Từ điển có Từ lâm Từ điển Hán Việt (Vĩnh Cao& Nguyễn Phố); Hán Việt từ điển từ nguyên (Bửu Kế); Hán Việt từ điển(Thiều Chửu); Từ điển Hán Việt (Đào Duy Anh); Từ điển Tiếng Việt cổ (Trần Trọng Dương); Từ điển chữ Nôm ( GSTSKH Nguyễn Quang Hồng). Sách tham khảo có Luận ngữ; Trung Dung; Đại học;Mạnh Tử; Ngũ kinh; Tam tự kinh (Ngô Mông chú giải); Khổng Tử (Nguyễn Hiến Lê); Lão Tử tinh hoa(Thu Giang Nguyễn Duy Cần); Minh Tâm bảo giám; Minh đạo gia huấn; Điển cố văn học; Thủy lục chư khoa (Một bộ nghi lễ của Phật giáo Việt Nam). Thường thức Hán Nôm có Văn bia, Thơ Đường, Hương ước, Thần tích, Thần phả, Sắc phong, Các loại văn tế, Văn tế thập loại chúng sinh, Sớ sách cơ bản… 
Thầy bảo “Mình phải cân nhắc nhiều lắm trước khi quyết định mở lớp dạy Hán Nôm y tờ cho những ai thích học. Dạy học đâu phải chuyện đùa. Thiên hạ vô bái công mà, nhất là lớp trẻ, có nhiều người được đào tạo cơ bản, họ giỏi lắm. Nhưng mình mạnh dạn dạy là để chia sẻ kiến thức sơ đẳng hữu ích cho mọi người và vì đã dạy thì phải thường xuyên học. Dạy học cũng là một cách tự học mà”…
Năm 2000 nghỉ hưu, thầy có điều kiện càng miệt mài học tập, nghiên cứu biên soạn giáo khoa, đến năm 2006 thì thầy mở lớp dạy Hán Nôm ở chùa Phổ Linh và sau đó dạy ở đình Trung Kính Hạ đến nay. Thuở ban đầu mở lớp dạy cho các ni sư ở Chùa Phổ Linh, thầy tự bỏ tiền mua bảng, phấn, giấy và in tài liệu biếu tặng học viên. Đường đi từ nhà thầy ở Trung Kính tới Chùa Phổ Linh thì khá xa, mùa Hè trời nắng chang chang, mùa Đông gió rét căm căm, nhiều dạo lại không được khỏe nhưng thầy không bỏ lớp một buổi nào. Bây giờ tấm bảng đen thầy sắm năm nào vẫn còn trên đó.
Với học viên, thầy vô cùng chu đáo. Thầy sẵn sàng dịch gia phả, phú ý, hương ước làng mỗi khi học trò ngỏ lời nhờ cậy. Học trò hỏi bài ngoài giờ bất kể lúc nào thầy cũng vui lòng trả lời cặn kẽ. Trường hợp câu hỏi khó, chưa thể giải đáp ngay thì thầy bảo tôi mới có thể nói như vậy, có thể cần phải nghiên cứu thêm. Có lần thầy giúp tôi giải đáp một câu văn khó vào tôi hôm trước thì tối hôm sau thầy chủ động gọi điện bảo: “Lần trước tôi dịch chưa thật sát đâu, nay cần phải hiểu câu đó thế này nhá”
Thầy tôi thường đưa điển tích, điển cố độc đáo minh họa vào bài giảng với những lời bình luận sâu sắc, đôi khi liên hệ với thời cuộc một cách hóm hỉnh. Một lần nhân giảng câu nói của Khổng Tử “Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ; quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ”, thầy bảo Thánh nhân dạy như vậy nhưng ngày nay nhiều bậc quân tử không chịu học hoặc có học nhưng cố tình quên đi,họ không hoài đức mà lại…hoài thổ. Thổ (đất) ngày nay có chỗ đến ngót tỷ bạc một mét vuông kia mà! Thì thường dân lại tích Đức còn quan lại thì tích… Đất”. Và thầy hóm hỉnh nhìn tôi: “ Có phải thế không, ông Khanh?”.
Thường thì sau những bài giảng bài học phần chữ Nôm, thầy còn cho chúng tôi chép nhiểu mẩu chuyện hết sức thú vị, đó là chuyện “ Người ăn đá” và chuyện “ Vụ án mất trộm gà”…, đặc biệt là chuyện “Vụ án mất trộm gà”: người bị hại chửi kẻ trộm bằng một bài thơ thất ngôn bát cú; kẻ trộm thừa nhận đã trộm gà và diễu nhại người bị hại bằng bài thơ họa lại; quan huyện nổi máu nghệ sĩ xử vụ kiện bằng một bài thơ họa lại khen thằng trộm giỏi thơ, phê phán người bị hại là hỗn ẩu nhưng lại cho người bị hại 3 quan tiền để mua con gà khác. Đúng là một cuộc xướng họa thơ kỳ thú và một việc xử án vô tiền khoáng hậu! Nhờ thế mà cùng với tri thức được thụ hưởng từ bài giảng của thầy, chúng tôi còn biết được khá nhiều điển tích, điển cố thú vị không thể nào quên.
Thầy tôi rất vui khi tặng sách, tài liệu Hán Nôm hoặc tài liệu liên quan đến Hán Nôm cho học trò. Mỗi khi truy tầm được sách hay, thầy liền photo đóng quyển, in bìa mầu hẳn hoi rồi tặng. Ngày 20/11/ 2014 tôi đến thăm thầy, biết tôi đang nghiên cứu và thực hành gia phả, thầy động viên: “Ông nghiên cứu và làm gia phả thì cũng nên biết một số sách này” và tặng nhiều sách quý: “Từ lâm Hán Việt từ điển” của Vĩnh Cao và Nguyễn Phố – NXB Thuận Hóa năm 2003; 6 tập “Chuyện Đông chuyện Tây” sách của học giả An Chi (mỗi tập trên 400 trang in); “Tam tự kinh” (Ngô Mông chú giải, NXB Văn nghệ 2005); “Từ điển Từ Việt cổ” của Nguyễn Ngọc San và Đinh văn Thiện, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2001. Biết tôi quan tâm đến nghi án Hồ Dâm đàm (Vụ Thái sư Lê Văn Thịnh bị vu oan hóa hổ mưu hại vua Lý Nhân tông), đang bí vì chưa có tiền thuê dịch 13 đạo sắc phong, thầy bảo: “Ông đang làm việc Thiện đấy, tôi chưa biết ông có thành công hay không, nhưng ông cứ chuyển cho tôi dịch!”. Mừng quá, tôi bèn chuyển 13 đạo sắc phong ấy cho thầy. Một tháng sau thầy gọi đến trao cho tập tài liệu đóng thành quyển, bìa màu, nhan đề “Sắc phong của triều Lê, của Vua Quang Trung và triều Nguyễn cho Thái sư Lê Văn Thịnh”, với lời đề tặng thân thương: “Bản lược dịch 13 đạo sắc phong cho Thái sư lê Văn Thịnh, dành tặng ông Khanh”. Thầy bảo: “Cây nhà lá vườn thôi nhá, nhưng mà làm cẩn trọng đấy. Tôi tin ông biết khai thác và sử dụng nó cho công việc của mình!” (Các bản ảnh gốc chụp sắc phong đều được in mầu). Tôi nhận tập tài liệu vô cùng quý giá ấy mà lòng cứ rưng rưng. Đó là ngày 30/1/2015!
Là người người nhân hậu, thầy tôi không nỡ khiến ai đó phải phiền muộn. Nhiều lúc phát hiện cái sai của người khác trên báo chí hay trong thực tế, thầy đều nghiên cứu cẩn trọng, đều có bút ký nhận xét phản biện nhưng không công bố mà chỉ để làm tư liệu phục vụ giảng bài sâu sắc thêm. Có lần thầy đưa cho tôi xem mấy trang phản biện một nhà nghiên cứu văn hóa (đã hữu danh nhưng không hiểu Hán Nôm) phê phán văng mạng câu văn đầy minh triết “Tiên học Lễ, hậu học Văn” của tiền nhân. Một bản khác phản biện ông Nguyễn Quang H., cán bộ Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long liều lĩnh sửa câu đối của tiền nhân ở miếu làng Định Công Hạ… Tôi hỏi sao thầy không công bố, thầy đáp: mình chỉ tìm cách trao đổi lại với họ thôi chứ mình công bố thì dễ làm người ta tổn thương.
Từ những bài học đầu tiên của thầy, chúng tôi vỡ lòng rồi hiểu biết dần lên. Cảm hứng ham hiểu biết mà thầy truyền cho chúng tôi chắc chắn còn đọng mãi trong tâm hồn mỗi người. Giờ đây ai cũng có được những vốn liếng nhất định về tri thức Hán Nôm và đã có những ứng dụng thiết thực. Một số người tìm học các lớp thư pháp và đã có thể viết thư pháp Hán Nôm tặng người thân; một vài người vẫn thường xuyên trau dồi thêm kiến thức và đã viết sớ; mấy người có thể đọc và hiểu được câu đối ở đình, đền, chùa chiền, miếu mạo. Thảng hoặc có người còn đọc và dịch được văn bia, hương ước, thần tích, thần phả, sắc phong. Lại có người đã có thể vận dụng kiến thức đã học rồi mở mang thêm và viết một số bài nghiên cứu văn hóa cổ được đăng tải trên Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Văn Hiến, báo Văn Nghệ… Cách nay ba năm, ngày 19/11/ 2012 chúng tôi tổ chức chúc mừng thầy nhân ngày nhà giáo. Ai cũng nói lên những tình cảm thương mến, kính trọng của mình đối với thầy, riêng anh Quýnh xúc động và chân thành hơn cả, anh xưng con với thầy: “Con vỡ lòng từ những con chữ thầy dạy. Con học được từ những bài giảng của thầy nhiều bài học về triết lý nhân sinh. Con hứa sẽ cố gắng nhiều hơn để không phụ công lao dạy dỗ của thầy”. Sau lúc liên hoan, mấy bạn đồng môn viết thư pháp tặng chúng tôi làm kỷ niệm. Tôi cao hứng đem sự hiểu biết ít ỏi của mình chém gió về cấu trúc một tác phẩm thư pháp và thưởng lãm một tác phẩm thư pháp. Một bạn trong số người viết thư pháp thích quá khẩn khoản mời tôi về quê anh chơi. Thật thú vị, tại thư phòng của anh, nhiều chục tác phẩm thư pháp được trưng bày dưới các hình thức khác nhau. Anh còn dẫn tôi đi thăm một số gia đình hàng xóm và họ hàng anh, đến nhà nào tôi cũng thấy chữ của anh, chưa thật đẹp lắm nhưng bức nào cũng đúng cấu trúc và đều ẩn chứa tình cảm của người viết thông qua các câu chữ của tiền nhân: Hiếu động thiên; Bình an; Phật tại tâm; Bách Nhẫn thái hòa; Học hải vô nhai; Hữu chí cánh thành; Đức giả bản dã/ Tài giả mạt giã…Tôi xúc động bảo: “Chúng ta đều học thầy Bình mà tôi vẫn chưa làm được gì có ý nghĩa cho người thân. Ông, hay lắm! Nhà nào cũng thương quý, trân trọng và tự hào về ông!”. Anh cười thật hiền: “Huynh quá khen làm đệ tổn thọ. Học vỡ lòng từ thầy rồi đệ mày mò học thêm mà không thấy chán. Đệ rất vui vì đã làm được việc hữu ích cho người thân”.
Xa thầy đã lâu nhưng tôi biết hiện nay thầy vẫn đang đứng lớp, vẫn miệt mài chuyển tải những con chữ cùng triết lý nhân sinh của tiền nhân cho học trò, từ kho tàng tri thức Hán Nôm. Tôi vẫn nhớ như in giọng nói trầm ấm thân thương, nụ cười đôn hậu và những bài giảng sâu sắc, kỳ thú của thầy. Lòng bâng khuâng chợt nhớ năm nay thầy tôi tuổi tròn 71 và bất giác mường tượng thấy những hạt phấn vẫn vương hoài trên mái tóc thầy tôi…

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.