Kỳ Lâm (VNTB) Các vụ gây áp lực cũng như bắt giam người trong thời gian gần đây cho thấy điều gì?
Với 9 năm tù, Trần thị Nga đã trở thành người mới nhất “nhập kho”, ngay đêm trước buổi tuyên án, giáo dân Lê Đình Lương (Nghệ An) cũng bị bắt giam!
Tự do ngôn luận, tự do biểu đạt bị xâm phạm nghiêm trọng!
Cũng trong lúc ấy, ca sĩ Mai khôi – người từng tranh cử ĐBQH năm 2016 đã bị an ninh Hanoi gây áp lực, khiến cho buổi biểu diễn ca nhạc riêng bị gián đoạn giữa chừng! Không những vậy, an ninh còn tiếp tục gây áp lực lên chủ nhà cho thuê, khiến cô phải rời bỏ nơi ở và là nơi thực hành các ca khúc của mình!
Được biết các ca khúc của Mai Khôi là hướng tới sự đồng cảm chính trị như: “Trại Phục Hồi Nhân Phẩm”; “Xin ông”,…
Đáp lại tất cả những áp lực đó, cô vẫn duy trì một quan điểm và là nguyên tắc sống còn của mình: tôi sẽ tiếp tục hát!
Các vụ gây áp lực cũng như bắt giam người trong thời gian gần đây cho thấy điều gì?
Ngoài việc tiếp tục bỏ lơ nhân quyền sau sự đứt gãy TPP thì nhà nước Việt Nam có lẽ đang tiếp tục vận dụng công thức phát tán dư luận!
Cần nhớ rằng, các vụ bắt giữ diễn ra khi mà dư luận đã và đang tập trung vào các vấn đề thuộc sự bất ổn định của Đảng!
Từ vụ Yên Bái liên quan đến nữ quan chức đầu tỉnh là Bí thư Đảng uỷ cho đến vụ kiện Việt Nam của một nhà đầu tư gốc Việt (lên đến 1 tỷ USD), hay vụ Việt Nam buộc phải nhún nhường trước áp lực Biển Đông (bồi thường lên đến 300 triệu USD)!
Cơn bão “thiên nhiên” không làm lắng dịu những yếu kém trong Đảng về mặt điều hành kinh tế lẫn chính trị. Và nghiễm nhiên, vì không có sự hỗ trợ từ “thiên nhiên”, nên chẳng thể có cái gọi “chúng ta đã giành thắng lợi trong đấu tranh” mà người đứng đầu Đảng – ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố năm 2014. Chính vì vậy, khi một vấn đề nảy sinh làm lộ yếu điểm của Đảng, thì Đảng lại sử dụng con bài nhân quyền làm nam châm để hút sự kiện dư luận, nhằm điều chỉnh sự chỉ trích Đảng từ vai trò điều hành sang một sự chỉ trích mang tính truyền thông nhưng hợp lý hơn – “nhân quyền” và thách thức của chế độ độc tài toàn trị.
Dù như thế nào đi chăng nữa, thì qua câu chuyện bắt giam những nhà bất đồng chính kiến, gây khó khăn cho các hoạt động và hành vi được Điều 25 Hiến Pháp cho phép cũng đã cho thấy phần nào sự ngoan cố, cứng rắn và có phần luồn lách của chính quyền. Những khuyến nghị, những cam kết liên quan đến nhân quyền luôn là một “vật phẩm giá trị” mà chính quyền sử dụng để đảm bảo cho sự trường tồn và lãnh đạo của Đảng, và như thế, bản thân nó đã khiến cho nhân quyền trở nên rẻ rúng.
Không ai bắt cóc con dân trở thành một con tin để trao đổi. Nhưng rõ ràng, tính chất này trở nên thường xuyên và truyền thống để đặc tả tính chất của một chế độ, thể chế mang tên độc tài Cộng sản. Đó là điều không thể chối cãi, dù cho nhà nước có cố gắng tô vẽ thêm gì vào bức tranh nhân quyền bằng sự ban phát quyền LGBT, hay thỉnh thoảng “nhá hàng” bằng dự luật hội họp hay biểu tình.
Và như đã đề cập, “cơn bão thiên nhiên” không còn cho Đảng, thì “cơn bão nhân quyền” sẽ được đảng sử dụng. Tỉnh táo hay cảnh giác trước mọi sự phác thảo “nhân quyền” của đảng là một điều tốt.
Và ở một khía cạnh khác, duy trì niềm tin vào một con đường đòi hỏi cái quyền của mình cũng sẽ là một điều tốt để hướng tới một cuộc đấu tranh mang tính sòng phẳng hơn. Như cách mà ca sĩ Mai Khôi sau khi bị áp lực buộc rời khỏi nhà thuê đã tiếp tục khẳng định rằng: Tôi rất mong nhiều người như vậy nữa bước ra khỏi sợ hãi, xuất hiện trong xã hội này, những người can đảm và tôn trọng lẽ phải, tôn trọng tự do biểu đạt, tự do ngôn luận.
Và – Nhân quyền sẽ vẫn là câu chuyện: “Tôi vẫn sẽ tiếp tục hát”