Mai Lan
(VNTB0 – Học giả, bằng thật giả lẫn lộn, bác sĩ dỏm, nhưng người bệnh chết oan là có thật…
Một cựu tổng biên tập tờ báo có chủ quản là Bộ Y tế – bác sĩ Trần Sĩ Tuấn đã chua chát nói rằng, nếu như hệ thống đào tạo ngành y – dược thuộc Bộ Y tế được quản lý rất nghiêm ngặt – cả đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao – thì một số trường cao đẳng, trường nghề có liên quan đến y dược ngoài hệ thống của Bộ Y tế đang vô cùng bát nháo, không thể kiểm soát.
Có thể khó tin, nhưng sự dối trá đang hiện hữu và là mối hiểm họa tới ngành y tế nói chung và đe dọa sức khỏe người dân. Y – dược là lĩnh vực đặc thù, liên quan trực tiếp tới tính mạng con người, nhưng người ta sẵn sàng cấp bằng không qua đào tạo thực chất, mà bằng muôn chiêu trò đậm mùi tiền…
Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, thành lập từ năm 2007, trụ sở chính tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, là một dẫn chứng cho nhận xét trên của vị bác sĩ từng là tổng biên tập đó.
Hồ sơ vụ việc ghi nhận từ nhóm phóng viên của tờ báo thuộc Bộ Y tế, cho biết, với những người bận công việc không có thời gian đi học, trường này có “cơ chế” giúp học viên không cần phải đi học bất kỳ buổi nào trong suốt quá trình đào tạo. Theo đó, sau khi đã nộp học phí 2 kỳ là 14.000.000 đồng cho Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, và chỉ cần cuối kỳ đến lấy đề thi, đáp án kết thúc các môn về chép, nộp lại. Thậm chí, nếu muốn có bằng sớm, họ sẽ chuyển hồ sơ sang trường khác chuẩn bị thi tốt nghiệp. Vẫn hình thức không cần đi học tuy nhiên sẽ phải bổ sung thêm 28.000.000 đồng tiền học phí cho trường này.
“Ngay sau khi đóng tiền, nhóm phóng viên điều tra này nhận được thông báo có tên trong danh sách học viên đã trải qua toàn bộ khoá học và đủ điều kiện dự thi kỳ thi tốt nghiệp ghi tên Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ tổ chức. Địa điểm thi tại Viện Y Học Dự Phòng Quân Đội ở Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội.
Một người trong nhóm phóng viên viện cớ đang đi công tác nên xin thi sau. Lúc này phía tuyển dụng trong hệ thống đào tạo cao đẳng ngành y – dược trả lời rằng: Có thể nhờ người khác đi thi hộ. Sau đó người mà nhóm phóng viên điều tra nhờ đi thi hộ là một anh xe ôm, không có bất kỳ giấy tờ nào của học viên nhưng không bị kiểm tra mà vào thẳng phòng thi…” – vị cựu tổng biên tập kể.
Tuy nhiên tất cả các nội dung trên đều bị Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ phủ nhận.
Trong báo cáo gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ, phía Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ khẳng định nhà trường không có bất cứ hình thức hợp tác và liên kết đào tạo nào với 2 trường: Cao đẳng Dược Hà Nội (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và Cao đẳng Lê Quý Đôn (Biên Hòa, Đồng Nai).
Không có việc sau khi học viên đóng tiền cho Trường cao đẳng Dược Hà Nội thì nhận được thông báo có tên trong danh sách học viên đã trải qua toàn bộ khóa học và đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp tại Trường cao đẳng Y tế Phú Thọ tổ chức tại Viện Y học dự phòng quân đội (Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội). Nhà trường chưa từng tổ chức thi tại địa điểm này.
Bản chất vấn đề ở đây là việc cấp bằng không qua đào tạo tại một số trường như phản ánh là có thật. Lưu ý, gần đây nhất, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y – Dược ASEAN cũng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm liên quan đến việc đào tạo và cấp bằng cao đẳng điều dưỡng.
Thanh tra Sở Y tế Phú Thọ đang thanh tra tại Trường cao đẳng Y tế Phú Thọ theo quyết định số 751 ngày 24-8-2022 của giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ về công tác đào tạo chuyên ngành y dược tại trường.