Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nhị Khê và Cuộc Chiến Ta Chống Lại Ta

Phương Thảo

(VNTB) – Tại Việt nam đã có buổi thiêu huỷ 2 tấn ngà voi và 2 sừng tê giác. Không phải chỉ có bà Giám đốc Điều hành WJC đặt ra câu hỏi mà ngay cả người Việt cũng nghi ngờ liệu đây có phải là hàng thật hay chỉ là hàng giả được mang ra đốt để loè các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới; tại sao chỉ đốt có 2 tấn trong khi hàng chục tấn ngà voi khác vẫn còn trong kho…

Tiến sỹ Colman O Criodain, wwf
WWF
Image captionTiến sỹ Colman O Criodain, nhà phân tích chính sách về buôn bán động, thực vật hoang dã của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Quốc tế

Chỉ làm quan sát viên

Buổi điều trần công khai của Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (Wildlife Justice Commission – WJC) tại Cung Điện Hòa Bình ở The Hague, Hoà lan về nạn buôn bán động vật hoang dã ở Việt nam (#WJCVietnam) vào ngày 14 và 15 tháng 11 năm 2016 đã thu hút hơn 300 người tham dự. Trong hai ngày này hàng loạt các phim, ảnh, hồ sơ, bằng chứng về những hoạt động buôn bán động vật hoang dã diễn ra công khai ở Nhị Khê, Hà nội đã được đưa ra. 

WJC đã cho tiến hành cuộc điều tra trong vòng 1 năm ở Nhị Khê và các vùng lân cận cũng như lên đến tận cửa khẩu Móng cái và sang tận Trung quốc. Các bằng chứng thu thập được từ các máy quay phim bí mật cũng như việc trực tiếp trao đổi, buôn bán ở 20 cửa hàng khác nhau. Nạn buôn bán ngà voi, sừng tê giác, xương, da và nanh vuốt hổ, tê tê không có gì là lạ ở Việt nam, tuy nhiên WJC đã chọn Nhị Khê làm đối tượng điều tra vì quy mô lớn cũng như việc công khai buôn bán ở  ngay sát nách Hà Nội ( khoảng 20km) mà chính quyền vẫn làm ngơ dù Việt nam đã có quy định rõ ràng về tội kinh doanh và tàng trữ động vật quy hiếm tại điều 190 Bộ Luật Hình Sự nước CHXNCNVN. 

Theo lời luật sư phụ trách việc chuẩn bị hồ sơ cho buổi điều trình, các chứng cứ thu thập được cùng với các nghiên cứu của các tiến sỹ chuyên về sinh vật học và thiên nhiên đã được chuyển cho chính quyền Việt nam hai lần trong năm 2016, một lần vào tháng 1 và một lần vào tháng 8. Chính phủ Việt nam và Đại Sứ Quán Việt nam tại Hoà lan đã không có động thái gì ngoài việc hứa hẹn với WJC rằng nếu họ đồng ý không tiến hành buổi điều trần công khai thì phía Việt nam sẽ có hành động thích hợp, tuy nhiên do chính quyền Việt nam chỉ hứa cuội mà buổi điều trần công khai đã được tiến hành vào tháng 11 năm 2016 sau khi đã tạm hoãn phiên điều trần vào tháng 9 vừa rồi. 

Rất tiếc, phía Việt nam cũng như Đại Sứ Quán Việt nam tại Hoà Lan đã từ chối tham gia buổi điều trần và chỉ cử người được cho là “ quan sát viên” đến tham dự có lẽ vì sợ hãi không biết phải phản ứng ra sao cho không bị mất mặt dù rằng buổi điều trần này không phải được tổ chức đề nhằm mục đích kết án Việt nam. 


Chỉ là hình chụp từ trên internet

Các chứng cứ được thu thập trong suốt một năm, cùng với danh tính, số điện thoại, các khoản tiền chuyển qua ngân hàng, số tài khoản của 51 cá nhân tham gia vào mạng lưới buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia và xuyên lục địa đã được WJC trao cho phía Việt nam vào tháng 1 năm 2016 nhưng chính quyền Việt nam đã không có hành động gì đáng được gọi là quyết liệt nhằm ngăn chặn mạng lưới tội phạm này. 

Với 5 chuyến đi đến Việt nam, nhân viên điều tra nhập vai khách hàng Trung Quốc và được các hướng dẫn viên Tiếng Trung đưa đến tận Nhị Khê để mua hàng. Các nhân viên điều tra đã khám phá ra rằng những người kinh doanh các mặt hàng này có được công an bảo kê nên mới có thể công khai mua bán ngay trên địa bàn cũng như trên mạng. Những người kinh doanh lớn, dù có bị bắt nhưng rồi cũng thoát được khỏi lưới luật pháp. Sự việc làm cho nhiều người không thể hình dung ra khi mọi sự giao dịch của các mặt hàng cấm này lại có thể được công khai chuyển khoản qua ngân hàng mà không một cơ quan chức năng nào để mắt đến. 

Trả lời về tài liệu do các điều tra viên của WJC cung cấp, “bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites) Việt Nam lại cho rằng ‘những thông tin mà tổ chức này [WJC] đưa ra được chụp từ trên Internet’. ”

Trái lại, Hội Đồng Xét Xử gồm 5 chuyên gia tư pháp hình sự và tham nhũng quốc tế trong đó có cựu chủ tịch của Tòa án Hình sự Quốc tế – thẩm phán Philippe Kirsch; cựu chủ tich toà án nhân quyền, cựu bộ trưởng tư pháp Peru Diego García-Sayan; Isaac Lenaola: Tư pháp của Tòa án Tối cao Kenya. Hội Đồng Xét Xử xác nhận những thông tin của WJC là những mô tả trung lập và công bằng. Hội Đồng Xét Xử cũng xác định Nhị Khê là và sẽ còn tiếp tục sẽ là trung tâm chính của nạn buôn bán động vật hoang dã cần được bảo vệ. 


Chỉ làm màu…

Hai ngày trước khi phiên điều trần diễn ra, tại Việt nam đã có buổi thiêu huỷ 2 tấn ngà voi và 2 sừng tê giác. Câu hỏi có thể dễ dàng đặt ra là tại sao lại vào ngay đúng thời điểm này. Liệu có phải cũng trùng hợp với sự kiện Việt nam tổ chức Hội nghị Quốc tế về Buôn bán Trái phép động vật, thực vật hoang dã lần III tại Hà Nội vào hai ngày 17 và 18 tháng 11 này. Bà Olivia Swaak-Goldman, Giám đốc Điều hành WJC đã cho rằng việc tiêu huỷ ngà voi và sừng tê giác này thực chất làm dấy lên nhiều câu hỏi đáng nghi ngờ hơn là đưa ra câu trả lời về động thái này của Việt nam. 

Kết quả hình ảnh cho hinh anh tiêu hủy ngà voi
Việt Nam tổ chức “tiêu hủy ngà voi”

Không phải chỉ có bà Giám đốc Điều hành WJC đặt ra câu hỏi mà ngay cả người Việt cũng nghi ngờ liệu đây có phải là hàng thật hay chỉ là hàng giả được mang ra đốt để loè các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới; tại sao chỉ đốt có 2 tấn trong khi hàng chục tấn ngà voi khác vẫn còn trong kho; liệu số ngà voi bị thu giữ có được kiểm kê trước khi mang đi thiêu huỷ để tránh việc mang đi bán lại; ai sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự…
Trước đó người điều hành CITES Việt nam cũng đã thông báo cho WJC biết một trong số 51 người kinh doanh trái phép trong hồ sơ điều tra của WJC đã bị bắt. Điều nực cười là người bị bắt chỉ là một con tốt thí bởi người kinh doanh lớn có doanh số lên đến hàng triệu đô la một năm với cả cơ ngơi bề thế lại không hề bị đụng đến. Ngay trong đêm trước ngày diễn ra buổi điều trần, tối ngày 13/11/2016, WJC còn nhận được tin từ Nhị Khê, Hà nội rằng “ 480 kg ngà voi mới được nhập trót lọt vào Việt nam”. 

Việt Nam tiêu hủy ngà voi và sừng tê, 11/2016
GETTY IMAGES
Image captionSố ngà voi và sừng tê mà Việt Nam tiêu hủy trước thềm hội nghị IWT chỉ là ‘con số rất nhỏ’ theo EIA

Chỉ có ta đánh được ta…

Với WJC, cuộc chiến không dừng lại ở đây, họ sẽ tiếp tục cho đến khi nào hành động thực thi pháp luật được thức hiện về điều tra này thông qua các khuyến nghị cụ thể của WJC đưa ra sau buổi điều trần và họ sẽ tiếp tục theo dõi sự tiến bộ của Việt nam trong việc này. 

Nhật bản, Đài Loan, Hàn Quốc và ngay cả Trung quốc cũng đã thành công trong việc ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã. Việt nam đã trở thành nơi có nạn buôn bán động vật hoang dã nghiêm trọng từ năm 2009 cho đến nay và chính phủ Việt nam phải làm gì để có thể giữ được lời cam kết khi tham gia ký tên vào bản công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp?

WJC nói rằng “Chúng tôi mong muốn hợp tác với chính phủ Việt Nam.” Thế nhưng liệu chính phủ Việt nam có thật sự muốn dẹp nạn kinh doanh trái phép và mang tính tận diệt tàn ác này? Chính WJC cũng thừa nhận rằng tham nhũng và hối lộ là bệ đỡ cho các nhà kinh doanh ở Nhị Khê và các vùng lân cận. 

Một ký sừng tê giác có giá đắt hơn cả một ký heroin hay một ký vàng. Cũng như ma tuý, lợi nhuận từ ngà voi hay sừng tê giác là vô cùng lớn, khác với ma túy là huỷ hoại thân thể con người thì khá nhiều người Việt nam tin rằng ngà voi, nanh vuốt cọp là lộc rừng, sừng tê giác hay cao hổ cốt là thuốc trị bá bệnh, sở hữu những lộc là sự thể hiện đẳng cấp của sự giàu sang, phú quý như vua chúa thời phong kiến. 

Có cung thì có cầu. Thế cho nên khi nào người Việt không còn tin rằng những chất có cấu tạo như móng tay và xương con người không phải là thần dược, lộc rừng cũng chỉ là huyền thoại, trưng ngà voi chỉ dành cho kẻ lắm tiền nghèo trí tuệ, sử dụng các sản phẩm được làm từ động vật hoang dã nguy cấp là sự xấu hổ của con người có lòng trắc ẩn cả đối với động vật thì nhu cầu đó mới không còn. 

Cuộc chiến chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở Việt nam thực chất là một cuộc chiến về văn hoá và tư tưởng lạc hậu bên cạnh cuộc chiến chống lại tham nhũng và hối lộ để cho Việt nam không còn phải có “hân hạnh” được làm tâm điểm cho một buổi điều trần vô cùng xấu hổ khác trong tương lai. 


Tin bài liên quan:

VNTB – Quy trình nó như thế!

Phan Thanh Hung

VNTB – Blogger Việt nam nhận giải thưởng Vì Nhân Quyền

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính quyền Việt nam thua trận chiến chống lại sự phát triển của Giáo Hội Tin Lành

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo