Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn… là các tù nhân bị kết án oan – sai về tội danh mà họ không thực hiện.
Oan án vì… chính trị hóa
Trả lời phỏng vấn của đài VOA Hoa Kỳ số phát hành ngày 21-9-2023, ông Nguyễn Bắc Truyển đã chia sẻ câu chuyện ông được phóng thích sang Đức, với những ý như sau:
“Vào ngày 3-9-2023 Bộ công an đã vào trại giam Gia Trung để làm việc trực tiếp với tôi và đề nghị tôi hai vấn đề: Một là, điền vào đơn để cấp hộ chiếu, hai là, làm đơn tạm hoãn thi hành án với lý do xuất cảnh định cư. Và tôi đã đáp ứng được yêu cầu thứ nhất là điền vào đơn xin cấp hộ chiếu.
Tuy nhiên, đơn xin tạm hoãn thi hành án gửi Tòa án Tối cao thì tôi không làm. Bởi vì đối với bản án đã buộc tội oan sai tôi, tôi không công nhận từ khi vào trại tạm giam. Từ khi bị bắt cho tới nay thì tôi vẫn không công nhận bản án đó”.
“Tôi là một nhà hoạt động về nhân quyền, chú trọng của tôi là hoạt động về vấn đề quyền tự do tôn giáo. Tôi luôn luôn nghĩ về mục đích và trách nhiệm của mình trong vấn đề hoạt động nhân quyền. Nên khi Nhà Nước Việt Nam buộc tội tôi là có “âm mưu lật đổ chính quyền” tôi cảm thấy rất là oan sai. Bởi vì tôi không bao giờ có ý định đó. Tôi cũng không có khả năng để làm cái chuyện đó. Tôi chỉ hoạt động nhân quyền”.
Lúc còn ở Việt Nam, trong một chia sẻ với thân hữu báo chí, luật sư Đặng Đình Mạnh từng đưa ra nhận xét: “Tôi tin rằng cả ba người, ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đã phải chịu một bản án hết sức bất công. Các ông ấy chỉ thực hiện những quyền do Hiến pháp Việt Nam quy định: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội. Nhưng rất tiếc là những điều đó bị đẩy đi quá xa, đến mức ba ông phải ra tòa như những người vi phạm pháp luật Việt Nam”.
Hiện tại thì cả 3 người đàn ông được kể tên đó đều trong vòng lao lý, nhưng có lẽ nếu họ được hỏi tương tự như vấn đề mà VOA đã nêu với ông Nguyễn Bắc Truyển, chắc hẳn họ cũng sẽ có chung câu trả lời là công việc của họ, đúng ra thì nhà nước Việt Nam phải ủng hộ thay vì kết án. Bởi nhà nước Việt Nam cũng đã ký kết những vấn đề nhân quyền với quốc tế, do vậy nên tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quyền này để cho người dân mình có một cuộc sống tự do, hạnh phúc và thịnh vượng.
Như vậy, nếu hiểu thuần theo cách diễn giải ngôn từ pháp lý, ở đây các ông Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn đã bị cáo buộc oan – sai về tội danh mà họ không thực hiện.
Thế nào được xem là “án oan” – “án sai”?
Theo từ điển tiếng Việt thì “oan” là bị quy tội không đúng, phải chịu sự trừng phạt một cách sai trái, vô lý. Ví dụ: Kết tội một người khi người đó không thực hiện hành vi phạm tội, hoặc kết án họ ở một tội nặng hơn so với hành vi mà họ đã thực hiện. Chẳng hạn như: kết tội họ phạm tội “Giết người” trong khi các chứng cứ cho thấy họ phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.
Nghĩa thông thường của từ “sai’’ được hiểu là “không phù hợp với cái hoặc điều có thật, mà có khác đi”. Trong tố tụng hình sự việc giải quyết vụ án sai là trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được giao một cách không khách quan, trái với những quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, oan và sai trong tố tụng hình sự là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau, nhưng có mối quan hệ với nhau: Việc làm “oan” người vô tội luôn luôn là hệ quả của hành vi trái (sai) pháp luật, còn “sai” được hiểu là tính chất của hoạt động hoặc chất lượng giải quyết vụ án hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp hành vi sai pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng không dẫn đến việc làm oan người vô tội. Ví dụ: Trong quá trình điều tra, điều tra viên đã hỏi cung bị can không đúng quy định của luật tố tụng hình sự như hỏi cung ban đêm,… hoặc do thiếu trách nhiệm trong việc đánh giá chứng cứ của vụ án, thẩm phán đã áp dụng điều luật quy định tội phạm của Bộ luật hình sự không phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo.
Những trường hợp sai kể trên không thuộc nội hàm khái niệm oan. Do vậy, “oan” và “sai” không được đồng nhất với nhau. Cần thiết sử dụng cụm từ “oan, sai” hoặc oan, sai độc lập trong những tình huống thích hợp. Sự nhầm lẫn trên mặc dù chỉ là về mặt ngôn ngữ, nhưng trong khoa học pháp lý thì ngôn ngữ pháp lý phải được sử dụng một cách chính xác, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
Thay cho lời kết
Trong một trả lời với kênh BBC Tiếng Việt, dân biểu Đức – bà Renate Künast, người đang nhận bảo trợ cho các nhà báo độc lập Việt Nam, cho rằng “Tội tuyên truyền chống nhà nước” là một sự quy kết dễ dãi, nhằm ngăn chặn những người phê phán chính phủ.
Quy việc phê phán chính phủ thành một tội là không phù hợp với khuôn khổ của một nhà nước pháp quyền”, bà nói.
“Để quyền tự do biểu đạt được thực hiện thì các phóng viên cần phải có quyền đánh giá, đưa tin về các vấn đề chính trị. Cho dù mỗi phóng viên là một phần trong hệ thống truyền thông của chính phủ hay đứng ở phía đối lập, thì họ cũng cần có quyền phân tích, phê bình một cách độc lập, không bị nhà nước kiểm soát. Đó là điều bình thường. Đó chính là công tác kiểm tra và duy trì cân bằng trong một nền dân chủ” – nghị sĩ Đảng Xanh của Đức Renate Künast ý kiến.
____________
Tham khảo:
https://www.bbc.com/