Hàn Lam
(VNTB) – Chúng tôi dự tính miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng quản trị đối với anh Lê Viết Hải, nhưng anh Hải không chịu.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm 5-1-2023, cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chốt ở giá 9.230 đồng, giảm 380 đồng so với phiên hôm qua.
Tuy nhiên, tính chung trong 3 phiên giao dịch đầu năm mới 2023 và bất chấp giữa bão xung đột giữa các thành viên hội đồng quản trị, cổ phiếu HBC vẫn cao hơn giá đóng cửa cuối năm 2022 vừa qua.
Khá bất ngờ, vào ngày 5-1-2023 trên một tờ báo chuyên ngành tin tức về thị trường chứng khoán, có bài phỏng vấn ông Dương Văn Hùng, Thành viên hội đồng quản trị độc lập Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC).
Trong bài phỏng vấn được phía thực hiện ghi âm rất cẩn trọng, có những đoạn “trích băng” đáng quan tâm như sau với những ai đang đầu tư cổ phiếu HBC:
“Gần đây, anh Hải chỉ đạo ứng các khoản tiền cho các cá nhân trong công ty với số tiền rất là lớn. Chúng tôi lại càng vô cùng bất ngờ những việc đó trong bối cảnh tình hình kinh doanh đang rất khó khăn như thế này. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu hội đồng quản trị lập ra Tổ công tác độc lập (ITF) để kiểm tra, kiểm toán lại các hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính công ty mẹ và công ty con, xem điều hành đó là đúng hay sai, lý do gì.
Chúng tôi phát hiện ra những sai phạm về tài chính kế toán trong việc này và làm việc cả với công ty kiểm toán EY. Khi làm việc các thành viên Tổ công tác xuống dưới công ty con do con trai lớn của anh Hải làm Tổng giám đốc, chúng tôi đã không nhận được sự hợp tác, thậm chí họ còn lấy ra nhiều lý do để phản đối việc Tổ công tác thu thập tài liệu để làm việc.
Trong Tập đoàn Hòa Bình, anh Hải là Chủ tịch, Hiếu (ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Hải – PV) là Tổng giám đốc, do không phù hợp quy chế quản trị và quy định của pháp luật, sau đó chuyển xuống làm Phó tổng giám đốc. Ngoài ra, Kế toán trưởng, thủ quỹ cũng đều là những người thân quen, người nhà, điều này rất bất lợi cho cổ đông.
Khi chúng tôi làm việc có phát hiện ra những sai phạm như vậy và nhận thấy tình hình nguy cấp, vì dòng tiền cạn đứng. Có thời điểm, vào tháng 10-2022, giám đốc tài chính của Công ty cho biết, tiền trong tài khoản của Công ty chỉ còn 23 tỷ đồng, khiến chúng tôi vô cùng sửng sốt. Mâu thuẫn đạt đỉnh điểm khi trong lúc khó khăn, nhưng Công ty vẫn cho công ty con vay tới 162 tỷ đồng, chỉ với một tờ trình của con gửi lên.
Nhận thấy các vấn đề nghiêm trọng như vậy, chúng tôi dự tính miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng quản trị đối với anh Lê Viết Hải, nhưng anh Hải không chịu. Sau mấy cuộc họp, hội đồng quản trị thống nhất thành lập ra Hội đồng Sáng lập để vinh danh người sáng lập và tận dụng những kinh nghiệm của anh Hải. Đồng thời, bầu Chủ tịch hội đồng quản trị mới để điều hành con tàu Hòa Bình đi qua lúc khó khăn này, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông, giữ lại thương hiệu Hòa Bình và giữ công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động, đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên.
Hiện nay, tình hình nợ lương đã xảy ra, nhà thầu phụ đến biểu tình ở công ty. Anh Hải cũng nhất trí như vậy, đồng ý rời sang làm Chủ tịch Hội đồng Sáng lập, còn ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị đã bỏ phiếu nhất trí với 8 phiếu, trong đó có phiếu của anh Hải và con trai là Lê Viết Hiếu. Theo đó, hội đồng quản trị đã ra Nghị quyết 50 và Nghị quyết 51 và công bố chính thức, hiệu lực từ ngày 01-01-2023. Tuy nhiên ngày 29-12-2022, anh Hải yêu cầu triệu tập cuộc họp để hoãn thi hành việc đó, nhưng không đủ thành viên, vì ông Phú có tên trong danh sách thi hành Nghị quyết 51 đang ở nước ngoài và 2 thành viên khác cũng đang ở nước ngoài.
Đến ngày 31-12-2022, anh Hải vẫn triệu tập nhưng chỉ có 4 người, ông Phú thông báo không họp, tôi và ông Lê Quốc Duy không họp và 1 thành viên ủy quyền cho ông Phú không họp.
Tuy nhiên, anh Hải nhắn tin cho ông Phú, để ông Phú bình luận là không tham gia họp vì cuộc họp này không hợp pháp, nhưng anh Hải vẫn tuyên bố là ông Phú tham dự họp online. Việc này cơ quan pháp luật sẽ vào điều tra. Anh Hải đang biến việc này thành một vụ tranh chấp, mặc dù ở đây không có tranh chấp gì cả, vì hội đồng quản trị đã ra Nghị quyết với 8 thành viên biểu quyết.
Cuộc họp hội đồng quản trị anh Hải triệu tập chỉ có 4 thành viên tham dự là 2 bố con anh Hải, 1 thành viên hội đồng quản trị điều hành hiện đang làm Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài của Công ty, nhưng cũng là người của anh Hải và 1 thành viên là Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán đang ở Canada. Kết quả 3 thành viên liên quan tới anh Hải bỏ phiếu thông qua, còn thành viên đang ở Canada bỏ phiếu trắng.
Các tin nhắn, tài liệu qua viber chúng tôi đã lập vi bằng để bảo vệ danh dự của mình, bảo vệ cổ đông” (dừng trích).
Từ vụ việc trên cho thấy giả dụ như ở Việt Nam lá phiếu của cử tri thật sự có sức mạnh của quyền dân chủ, thì dẫu chỉ có một đảng độc quyền quản trị quốc gia đi nữa, thì tin chắc những biến động nhân sự kiểu tân phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang cần phải được giải trình minh bạch vì sao đảng lại quyết định chọn hai đảng viên đó vào vị trí phó thủ tướng? Liệu mai này họ không đủ năng lực làm tốt trách nhiệm của phó thủ tướng, vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm, và đó là trách nhiệm cụ thể gì?