VNTB – Những chiếc Honda và bà mẹ phai tàn

VNTB – Những chiếc Honda và bà mẹ phai tàn

 

Khải Đơn

Tôi bước xuống một chuyến BTS ở Bangkok để đến một nhà nguyện gặp cha sứ. Con chiên của ông là những người Việt đi làm bất hợp pháp ở Thái. Họ làm nhiều việc, từ bán nước lựu trên đường, công nhân xây dựng, phụ bưng hàng ở quán ăn.

Ở đó, tôi gặp Điển. Điển gần 30 tuổi, lớn hơn tôi thuở đến gặp anh. Điển bị cảnh sát Thái bắt ba lần khi đang đi bán nước lựu. Điển đã hết tiền đến mức cảnh sát bắt anh cũng… kệ, nói trên người có gì đâu mà tiếc nữa. Cha sứ đến chuộc anh ra, nhưng anh không dám về nhà ở Hà Tĩnh vì số tiền để anh chạy giấy tờ đường xá qua Thái là món tiền cuối cùng mẹ anh chắt bóp trong cái túi vải bà đeo trên người. Bà hi vọng anh có thể kiếm được khá bên Thái, như những hàng xóm khác trong làng ra đi, và đem tiền về để nuôi đứa con nhỏ của chính anh. Vợ anh mất vài năm trước đó vì bệnh nặng. Điển không thể về. Anh không dám về. Anh không đủ sức nhìn con đói, mẹ cực. Và anh sợ sẽ phải nhìn thấy ánh mắt thất vọng của mẹ khi anh thất thểu về quê không một đồng bạc sau khi đã hết sạch số tiền “đầu tư” của bà.

Tôi sẽ còn gặp những người trẻ khác giống Điển theo nhiều cách ở nhiều tầng lớp khác nhau. Một bạn du học sinh học ở trường cỡ lớn tại Mỹ nhưng cực kỳ khổ sở về tinh thần bởi cha mẹ bạn luôn nói “ráng học xong làm sao ở lại Mỹ”. Sự “đền đáp” mà họ đòi hỏi thực ra vô cùng không thực tế với du học sinh, nhất là nếu họ học trúng ngành có sự cạnh tranh rất lớn với người bản xứ. Bạn không dám cãi lại hay ngỏ ý muốn về. Bốn năm học đó tôi chứng kiến bạn dằn vặt, khổ sở. Bạn biết kỳ vọng của cha mẹ thực ra là để tốt cho bạn, nhưng sẽ thế nào nếu cái kỳ vọng đó quá sức?

Kỳ vọng vào con cái là quan hệ tình cảm rất chặt chẽ ở xã hội Á Đông. Nó là nền tảng giúp người trẻ có thể đi xa hơn nhưng đồng thời cũng là sợi dây diều níu và kìm tỏa họ trong khung trời mà họ không thể có lựa chọn nào khác. Tôi lập tức nhớ tới Điển và bạn du học sinh đó khi tôi nghe lời bài hát “mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ” Lyrics này đã kèm sẵn hai lớp kỳ vọng: Kỳ vọng đứa trẻ thành đạt và kỳ vọng nó không rơi vào những cái hố của cuộc đời.

Nhân vật trong ca khúc có một tương lai đủ xán lạn để anh nói về câu đó với niềm tự hào: “Giờ con đã đi làm và con kiếm tiền về, mẹ chỉ cần ngồi đó mà xơi (nước chè)”, “Con đã kiếm được tiền từ hình ảnh, kiếm được tiền từ âm thanh”. Chỉ có kẻ thành công mới có quyền kể về quá khứ. Chỉ có anh hùng thắng trận mới được quyền viết lịch sử chiến tranh. Đó là hàm ngôn mà bài hát đem lại – một hàm ngôn vừa mượt mà, ve vuốt, vừa dễ dãi để đón nhận, bởi ta thuận tai nghe câu chuyện thành công như anh Shark chị doanh nhân nhưng sớm chóng tay gạt bỏ những kẻ thất trận qua bên lề như câu chuyện không cần kể đến.

Xã hội Việt Nam đang cưỡi lên làn sóng thành công với những niềm tự hào rực rỡ. Một nền kinh tế đầy tích cực. Thu nhập người dân tốt hơn. Những khu căn hộ mới và đời sống vật chất tròn vẹn. Xe hơi mới. Đồng hồ đeo tay thông minh. iPhone mới. Chạy bộ. Tập yoga. Thành lập Fintech. Đánh bại Covid. Lái xe máy xịn. Những diễn ngôn tích cực không có chỗ cho kẻ thất bại hay yếu lòng như anh Điển phải rời xứ đói Hà Tĩnh để làm công nhân bên Thái. Bên cạnh anh Điển là hơn 50 ngàn người Việt khác, cũng bất hợp pháp và đối diện sự đe dọa của cảnh sát Thái. Bên cạnh bạn du học sinh là những diễn đàn du học sinh Úc, Mỹ, nơi bạn trẻ khóc vì không tìm được việc làm để ở lại đúng kỳ vọng mẹ cha. Công chúng không có chỗ cho kẻ thất bại. Cũng như Đen nói, thật đúng “đừng mang ưu phiền về cho mẹ” – ca khúc phản ánh thật trọn vẹn kỳ vọng của xã hội vào người trẻ: chúng mày hãy làm, hãy sống cho giàu có, đừng thất bại. Kẻ thất bại không có chỗ trong ca khúc này (và diễn ngôn của xã hội này).

Nhưng tôi không chỉ tìm thấy chân dung của đứa con ngoan trong ca khúc ấy, tôi còn tìm thấy bà mẹ.

Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè (trưa nắng hè)

Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ mà chưa thấy về (chưa thấy về)

Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang

Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan (yeah)”

Đây là nhân vật mẹ “cổ truyền” của chúng ta. Một bà mẹ chịu thương chịu khó, làm ăn vất vả, vật lộn với cuộc đời nhưng khi về nhà vẫn ru ta ngủ. Một bà mẹ có tấm huy chương là đứa con trở thành “ông này bà nọ”.

Tôi phải thú thật mình có đúng một bà mẹ như thế. Tôi không thể nào quên năm tôi học lớp bốn, ngủ dậy đi tè lúc 3 giờ sáng, tôi nhìn thấy mẹ đang… nấu cơm dưới bếp. Mẹ nấu cơm để sáng dậy tôi có cơm ăn đi học. Nấu cơm xong mẹ sẽ đi chợ mua hàng về bán và mở tiệm lúc 6 giờ sáng. Mẹ làm vậy với tôi suốt 10 năm ròng đến khi tôi vào đại học. Tôi nhớ mình phải cắm đầu học thật giỏi, phải nhẫn nhịn khi cô giáo chửi tôi xấu gái đen đúa, phải học thuộc tất cả công thức Hóa học để đạt điểm giỏi dù tôi không hiểu nó viết gì. Tôi đã làm tất cả vì tôi nhớ mẹ dậy lúc 3 giờ sáng nấu cơm cho tôi và bán hàng tới 7 giờ tối và lại nấu cơm cho tôi lúc 8 giờ tối.

Bây giờ trở thành một phụ nữ trưởng thành, tôi tự hỏi mình đã là thể loại con cái gì suốt 12 năm đó. Tôi không phải làm việc nhà. Tôi có thể nhắm mắt cho qua những ngày nghèo nhất của gia đình vì mẹ bảo con cứ yên tâm. Tôi cũng tự hỏi bố tôi là thể loại gì suốt 12 năm đó? – Bố tôi đi làm chăm chỉ nhưng ông không bao giờ đưa tiền cho mẹ nuôi con. Mẹ tôi một tay nuôi 2 đứa con hết đại học, dậy từ ba giờ sáng và kết thúc ngày lúc 9 giờ 30 khuya. Không một ngày nghỉ.

Câu chuyện của thế hệ sau nghe càng kịch tính hơn tôi. Có những bạn trẻ đến ngày đi du học không biết bật nồi cơm điện, phải gọi cho mẹ. Có những thanh niên 18 tuổi vẫn không biết đạp xe tới trường, thậm chí không biết luôn trường nằm ở đâu vì mẹ sợ để con đi học một mình, ngày nào cũng phải đưa đón tận cổng. Và bởi thế, khi nghe “mang tiền về cho mẹ”, tôi nhìn thấy một quan hệ gia đình vô cùng kỳ thị nữ giới và đòi hỏi người phụ nữ phải vắt kiệt sự sống của họ cho câu chuyện thành đạt của đứa con.

Người phụ nữ ấy phải “không dám ăn, không dám mặc, không dám tiêu”. Bà phải “đi chợ chưa thấy về” để được làm bà mẹ quốc dân xuất hiện trong nhạc của Đen Vâu. Chúng ta đã đi đến thế kỷ 21 của cuộc đời này để hát mãi ca khúc “mẹ già như chuối chín cây” hay “mẹ về đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ” sao? – Tại sao người đàn ông chả cần có gì trách nhiệm trong diễn ngôn của tượng đài mẹ? Tại sao chúng ta muốn mẹ phải kiệt cùng để ta lớn khôn? Tại sao ta không muốn mẹ mình đẹp, trẻ, thư thái, yêu đời? Tại sao không ai có diễn ngôn nào khác về mẹ – để mẹ tôi lớn lên biết bà phải sống cho riêng bà thay vì để những đứa con của bà – đến cái bát không biết rửa và kệ mẹ tổ ấm mình đói no ra sao – cứ sống phây phây như công chúa nhà giàu. Tôi ước gì thuở mẹ sinh tôi, có những bài hát viết về bà mẹ có những đứa con biết thò tay giúp mẹ dọn nhà, biết hỏi tại sao cha không góp công xây dựng mái nhà, biết phẫn nộ vì sao bà nội bắt mẹ giặt hết đống quần áo của họ hàng. Tôi ước mình biết về những đứa con ấy: những đứa con sống cùng mẹ , chứ không phải những con đỉa ký sinh trên thân mẹ.

Nhưng Đen Vâu – cũng như những nam nhạc sĩ vĩ đại của thời đại của chúng ta – là người chỉ huy kể chuyện về vai trò của nữ giới. Chắc bạn chưa bao giờ quên Huyền Thoại Mẹ của Trịnh Công Sơn

Mẹ về đứng dưới mưa

Che đàn con nằm ngủ

Canh từng bước chân thù

Mẹ ngồi dưới cơn mưa.”

Ồ hóa ra người phụ nữ phải thế mới là mẹ. Ồ hóa ra mẹ phải làm tất cả đống việc khốn cùng ấy để đạt được danh hiệu mẹ trong những ca khúc được đám đông tung hô.

Và đám đông chúng ta, có bao giờ tự trả lời: Ồ tôi không muốn mẹ “không dám ăn, không dám mặc, không dám tiêu”. Tôi muốn mẹ đi sơn móng tay cùng tôi chứ không phải cho tiền tôi đi sơn móng tay còn mẹ thì ăn khoai buổi sáng. Tôi muốn mẹ biết đi tập yoga hàng ngày cho khỏe, thay vì cắm đầu nấu cơm ba bữa cho tôi đi học thêm đặng sớm thành ông này bà nọ. Tôi không muốn nghe về bà mẹ bạc phai tàn tạ vì tôi, bởi tôi muốn bừng lớn lên cùng mẹ. Tôi đã ước hàng ngàn lần có ai đó hãy cho mẹ tôi một chân dung bà mẹ mới được tôn trọng và yêu thương, chứ không phải bị đòi hỏi rồi dựng tượng đài kính ngưỡng sì sụp cúng vọng muôn đời.

Nhưng Đen Vâu – tôi mong chờ gì ở một nam nghệ sĩ hi vọng anh hiểu cho đời làm mẹ là làm mẹ chứ không phải làm trâu ngựa. Bởi anh kể ra tất cả những đói no khốn đốn đó để gợi ý những quả ngọt mà bà mẹ có thể “hái” sau khi con thành tài “bước ra đời là ông này bà nọ”, “mẹ chỉ cần ngồi đó mà xơi (nước chè)”, “Người hâm mộ đợi con từ Đồng Khởi, xếp hàng dài đến hết đường Ký Con”, “Mẹ yên tâm con là công dân tốt,”, “muốn đời đối xử với mẹ như một bà hoàng”.

Khác với giọng văn mô tả lúc đói no thật cụ thể và đời thường, đủ dân túy để những người như tôi nghe xúc động (tôi đã nói rồi, tôi có một bà mẹ đúng y như anh viết), ở lời hứa hẹn, anh dùng những cụm từ đại ngôn “bà hoàng”, “xơi”, “ông này bà nọ”… như thể mẹ đã hóa thành tượng đài và ngồi chễm chệ trên mâm cúng đặng ăn thành quả của những ngày vất vả đã qua.

Người nghe nếu làm con sẽ cảm thấy vô cùng thuyết phục vì hóa ra sự thành công nó có là đủ làm mẹ vui rồi, tất cả sự hi sinh từ đầu đến giờ cũng chỉ vì sự phục vụ cuối cùng mà mẹ dành cho con: là coi sự thành công của con là món quà vô giá nhất.

Người nghe bài hát nếu làm mẹ cũng thấy thuyết phục không kém. Bà rơi vô chính xác cái điểm yếu nhất của diễn ngôn làm mẹ. Tuy bà cũng chẳng cần gì ở con đâu, nhưng cũng tốt nếu nó thành tài, cũng tốt nếu nó dâng cho mình một chén chè (ôi thật là Trung Hoa phong kiến sì sụp dâng trà cho cha mẹ ngày đáo thành công trạng). Còn tốt hơn nếu vì đứa con mà mẹ được phong huân chương “bà hoàng”. Còn hay hơn nếu nó trở thành mề-đay thăng cấp mẹ lên thành đấng này nọ được cuộc đời nể trọng.

Bài hát cho tôi hẳn một đối thoại hai chiều quan hệ mẹ con mà ai cũng hài lòng cả. Nó xóa nhòa bức chân dung của những đứa con như anh Điển đi làm không dám về quê vì sợ làm mẹ thất vọng. Nó ngụy tạo chân dung của mẹ tôi chưa bao giờ có một ngày yên tâm và sống cho riêng bà khi đẻ tôi ra. Nó làm tất cả những cô gái trẻ sắp làm mẹ nghĩ rằng họ sẽ phải làm mẹ như vậy, như vậy, như vậy để được đời lưu danh muôn thuở. Bên cạnh đó, nhớ đòi hỏi đứa con phải thành tài, phải được đời kính ngưỡng, phải không làm nhục gia môn vì thất bại, sa cơ. Những phần tầm thường đó của đời sống chỉ dành cho bọn thất bại, không nên được ca hát thành lời.

Nhưng rồi thành công của đứa con là gì, bài hát cũng nêu rõ:

Người hâm mộ đợi con từ Đồng Khởi, xếp hàng dài đến hết đường Ký Con

tiền con kiếm là tiền lương thiện, đem sức lực ra làm phương tiện”

Sống phải đẹp như là hoa hậu,

con là công dân tốt, đóng thuế đều và chỉ có đủ mà thôi”

Chân dung đứa con “gợi ý” và hướng dẫn người trẻ hãy “đóng thuế đều”, “làm công dân tốt”, “đem sức lực ra làm phương tiện”. Đây là diễn ngôn quen thuộc của Đảng về công dân lương thiện. Chỉ cần bạn đóng thuế và chăm làm, đời bạn vậy là thành công. Nhưng hãy ra một quán cafe nhỏ để nghe người thành đạt nói gì về chuyện làm giàu? – Vài năm trước họ nói về bất động sản, khi thị trường rùng rục bơm lên bởi những ông lớn nói chuyện nghìn tỷ. Rồi các ông lớn vào tù, những người trẻ lơ ngơ đón sóng ấy mất tất cả tiền bạc và chìm xuống lặng thinh. Rồi người ta lại nghe về những doanh nhân đa cấp đi khắp mọi miền đất nước tuyển mộ “mạng lưới” làm giàu. Tôi còn nhớ lúc đó bạn học của mình muốn làm giàu, tôi cũng muốn làm giàu. Lũ người ngây dại ấy trở thành mạng lưới của hàng ngàn mạng lưới. Ùm một phát, tất cả mạng lưới ponzi sụp đổ, vài kẻ được nêu tên đi tù, những quan chức quân đội từng oang oang đi phát biểu ca ngợi thần dược cho đám tập đoàn mạng lưới ấy lặn không sủi tăm.

Nhưng giàu chưa bao giờ hết hấp dẫn, chỉ trước dịch Covid, người ta lại nghe về tiền điện tử, về những app lãi suất cao, những fintech giúp bạn có lãi nhanh. Ngoài quán cafe tôi ngồi năm 2019, tôi lại nghe về tiền nghìn tỷ. Lát sau, app lặn mất, tiền điện tử trôi sông. Những người trẻ mất tiền lại ngơ ngác. Nhưng họ vẫn khao khát làm giàu ghê lắm. Vậy sự làm giàu đó và diễn ngôn chung đầy bệnh tật đó của xã hội có xinh đẹp và ngây thơ như của Đen Vâu viết không? Đâu phải “công dân tốt, đóng thuế đều” là thành công rực rỡ, mà nếu phải “sống đẹp như hoa hậu” – là ta đã có thể thấy cách nói này lệch lạc đến mức nào. Người trẻ sống đẹp nhờ vào hình mẫu “hoa hậu” – hóa ra điển tích về cái đẹp dừng ở mức biểu diễn và hạn hẹp như những cuộc thi hình thể vậy.

Nếu nhạc Rap thường được xem là thế lực âm nhạc giàu tiếng nói khiêu khích và phản kháng thì đây là bài rap hợp pháp nhứt tôi từng được nghe, với niềm tin vô cùng tích cực vào nhà nước anh Đen đang ca ngợi và là môi trường để vinh danh anh. Trong không gian ca khúc đó, ta có thể đơn giản hóa quan hệ con người xuống còn đơn thuần là quan hệ vật chất, bỏ qua những phức cảm và vật lộn của xã hội để viết một câu chuyện thành công đẹp như anh shark ngày xưa bán bánh mì nay thành tỷ phú ngành ẩm thực.

Ca khúc vẽ ra một quan hệ trọn gói giữa nhà nước và công dân: đóng thuế – đời sẽ ổn. Nó đơn giản hóa những quan hệ phức tạp mà người trẻ Việt Nam đang phải đối mặt, giống như lúc mọi người trên FB ngơ ngác hỏi, ủa bé V.A ở chung cư Saigon Pearl sang trọng thế mà không ai bảo vệ à? Ủa cả cái chung cư cao cấp ấy toàn người có học thức có tiền mà không ai nghe đứa trẻ gào khóc kêu cứu à? Ủa đóng phí chung cư mắc quá trời bảo vệ để làm chi? Ủa anh chồng du học Úc làm giám đốc marketing mà lại bạo hành à?

Những câu hỏi tréo ngoe ngơ ngác đó đó của ta tương tự như quan hệ đóng thuế – đời ổn vậy. Ta tưởng tiền có thể lát gạch xây đường cho cuộc đời thẳng thớm, nếu có tiền và chìa tiền ra, mọi thứ hài lòng như ý. Nhưng tiền phí chung cư có đắt bao nhiêu cũng không đảm bảo trẻ con không chết vì bị đánh trong căn hộ đắt tiền đó nếu không có thiết chết luật pháp chặt chẽ để trình báo và hành động để bảo vệ trẻ. Học vị có cao bao nhiêu, có giàu cỡ đủ tiền mua Saigon Pearl cũng không đảm bảo một doanh nhân thành đạt không hóa thân thành kẻ bạo hành nếu luật pháp dung túng cho hành vi đó. Quay trở lại sự vuốt ve trong bài hát: Bạn có tin không nếu bạn đóng thuế đầy đủ đời bạn sẽ ổn? – Hãy tự hỏi mình – và hỏi Anh Đen Vâu chỉ bạn xem cách nào.

Nhưng chắc là chúng ta tin vào anh Đen, bài hát cán hơn 6 triệu view chỉ sau vài ngày với những lời khen niềm nở của báo giới. Trong khung cảnh MV, anh Đen Vâu lái chiếc Honda khẳng định thế làm trai, tiền tự kiếm, xe tự mua (chắc vậy). Anh đứng giữa những ngư dân nghèo lem luốc và chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé và biển khơi rộng lớn. Chiếc xe Honda lấp lánh đâu đó như khả năng di chuyển an ổn vào tương lai.

Nhưng câu chuyện của bài rap không giống với những ngư dân miền Trung bỏ thuyền đi làm lao động bất hợp pháp ở Anh Quốc, bỏ mạng trên những chiếc xe đông lạnh vượt biên. Câu chuyện của anh trang trí hài hòa bởi những hình ảnh đời thường làm bất cứ khán giả nào cũng xúc động. Người ngư dân ngồi cạnh anh trên thuyền như thể anh đứng vào hàng ngũ của họ. Ở giữa đám người đó, thấy mẹ mình tóc bạc phai, ta thấy anh chị mình ở quê hương, ta thấy biển quê mình đẹp nghèo tha thiết đó. Nhưng sự đói khổ đèm đẹp trên video clip không có gợi nhắc nào về cuộc đời mãi vật lộn, mãi lênh đênh, mãi mang những giấc mơ kỳ vọng to lớn đi muôn phương trời và bỏ mạng.

Cuối cùng thì, rõ ràng chúng ta thích những câu chuyện hài hòa như vậy. Chúng ta thích cổ tích vì nó kết thúc đẹp và lành. Chúng ta tin vào nó. Thời đại của chúng ta sẽ càng khẳng định nó đúng.

Trong cổ tích thế kỷ 21, mẹ yêu có chỗ để ngồi trên tượng đài. Đứa con có một chỗ để trèo tới đỉnh cao (không có đỉnh thấp).

Cuộc đời thật vô sự khi ai ngồi chỗ nấy trật tự vô cùng và đóng thuế đầy đủ.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)