Việt Nam Thời Báo

VNTB- Những tổ chức công đoàn độc lập ở Việt Nam cần tập dợt gì ở hiện tại?

Trần Thành – Đức Việt

(VNTB) – TPP là một cơ hội để xã hội dân sự chứng minh cho những ai còn hoài nghi rằng người Việt Nam không phù hợp với nền dân chủ.

Kết quả hình ảnh cho hinh anh công đoàn độc lập

Trong một thông cáo báo chí đề ngày 5-10 đăng tải trên nhiều mạng xã hội, cho biết vào tháng 1 năm 2014, tại Bangkok (Thái Lan), Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do đã được ra đời với tư cách là liên minh 3 tổ chức: Công Đoàn Độc Lập, Phong Trào Lao Động Việt và Ủy ban Bảo Vệ Người Lao Động.
Ngày 5-10-2016, Phong Trào Lao Động Việt tuyên bố rời khỏi Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do và vẫn giữ nguyên tên cũ.
Qua quan sát các nội dung đăng tải trên trang web của Phong Trào Lao Động Việt, người viết thấy rằng dường như còn khá thiếu mảng đề tài về các yêu cầu cụ thể về hành lang pháp lý mà tổ chức này cần phải lên tiếng đòi hỏi nhà nước Việt Nam nhanh chóng sửa đổi đồng bộ, trong đó có Bộ Luật Lao động. Đây cũng chính là những yêu cầu lúc đàm phán về TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Trans-Pacific Partnership Agreement) giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

TPP không phải là bữa ăn miễn phí
Để những tổ chức công đoàn độc lập được người lao động chấp nhận, đòi hỏi các tổ chức này trước tiên phải đưa ra được những hoạch định cụ thể cho các đường lối vận hành phù hợp với hành lang pháp luật đã được đề cập trong TPP.
Cần phải nói rõ rằng thỏa thuận về công đoàn độc lập không nằm trong Chương 19 của TPP. Chương 19 của TPP chỉ ghi nhận các quyền chung và có tính cách lặp lại công ước của ILO (Tổ chức lao động Quốc tế, International Labour Organisation, Văn phòng Quốc gia của ILO được mở tại Hà Nội năm 2003), đó là các quốc gia thành viên phải tôn trọng quyền tự do liên kết của công nhân.
Cam kết về quyền công đoàn nằm khá tách biệt trong Bản Kế Hoạch Đẩy Mạnh Quan Hệ Thương Mại và Lao Động, được xem như một hiệp định biên của TPP, trong đó, các cam kết về công đoàn của Việt Nam chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu. Bản Kế Hoạch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đưa ra năm nguyên tắc mà Việt Nam phải tuân thủ khi sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do công đoàn:
Nguyên tắc số 1: Công nhân được tự do tham gia các tổ chức công đoàn theo lựa chọn của họ. Nguyên tắc số 2: Các tổ chức công đoàn phải được tự quản. Nguyên tắc số 3: Tự chủ trong việc nhận đại diện của công đoàn trong các đơn vị không có công đoàn. Nguyên tắc số 4: Tính đại diện trong việc lựa chọn cán bộ công đoàn. Nguyên tắc số 5: Ngăn chặn việc can thiệp của giới chủ vào hoạt động của công đoàn.
Bản Kế Hoạch thực chất là một lộ trình để Việt Nam xây dựng pháp luật nhằm cụ thể hóa các tiêu chuẩn lao động đã cam kết. Như vậy, từ kết quả của TPP, chúng ta có thể chờ đợi vào một sự thay đổi lớn trong hệ thống pháp luật lao động và pháp luật về hội của Việt Nam trong thời gian không xa.
Những tổ chức như Công Đoàn Độc Lập, Phong Trào Lao Động Việt và Ủy ban Bảo Vệ Người Lao Động phải là nơi tiên phong trong hoạch định, đề xuất các chính sách để nhà nước Việt Nam sửa đổi hệ thống pháp luật đảm bảo quyền tự do công đoàn, quyền về lập hội.
Như vậy có thể thấy rõ rằng TPP không phải là một bữa ăn miễn phí, và để có những tổ chức công đoàn độc lập của Việt Nam thực sự mang lại lợi ích cho người lao động, buộc các tổ chức này cũng phải trang bị cho mình những kiến thức pháp luật liên quan về Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn của nhà nước Việt Nam.
Có lẽ cũng cần nhìn thẳng vào sự thật rằng công đoàn độc lập sẽ không đem lại tự do chính trị tức thì như nhiều người mong muốn, mà đó sẽ là một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và can đảm của xã hội dân sự.

Công nhân có quyền gì đối với việc yêu cầu thực thi?
Đây sẽ là câu hỏi mà người viết tin rằng ngay lúc này các tổ chức công đoàn độc lập khó có câu trả lời ‘trúng vấn đề’.
Theo Bản Kế Hoạch về Quyền lao động giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, người lao động khi có khiếu nại chỉ có quyền thực hiện thông qua các thanh tra lao động thuộc biên chế của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội hoặc các Sở trực thuộc Bộ này. Điều đó có nghĩa rằng các công nhân chỉ có quyền khiếu nại các vi phạm từ phía giới chủ. Nếu chính phủ Việt Nam vi phạm các cam kết về tiêu chuẩn lao động – ví dụ, quá 5 năm kể từ ngày TPP có hiệu lực mà vẫn chưa đưa ra luật về công đoàn độc lập, công nhân Việt Nam cũng không có quyền khiếu nại (!?).
Có một điều nữa ít ai để ý đến trong chương Lao Động đó là quyền công đoàn đã được xác định rõ là một quyền dân sự – kinh tế, chứ không phải là một quyền chính trị.
Cụ thể, trong Bản Kế hoạch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ghi nhận rất rõ rằng công đoàn độc lập có quyền tổ chức đình công hoặc các biện pháp tập thể khác liên quan đến “các mối quan tâm nghề nghiệp (occupational) và kinh tế – xã hội (socio-economic) tại doanh nghiệp của họ”.
Theo một nhận định của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore thì đây là bước đi khéo léo của chính quyền Việt Nam, vì nó tạo nên tính chính danh cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người lao động trong quan hệ với giới chủ, và đồng thời tạo cơ sở cho chính phủ Việt Nam đàm phán các vấn đề khác trong TPP.
Điều này có nghĩa rằng tổ chức công đoàn độc lập được mặc định chỉ tham gia vào các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp và kinh tế – xã hội chứ không được phép lan tỏa sang các vấn đề về chính trị. Chính quyền Việt Nam cũng sẽ đủ khôn ngoan để đặt ra các phương thức nhằm hạn chế tối đa sự can dự vào chính trị của các tổ chức công đoàn này.
Tự do không miễn phí
Các xã hội chỉ thức tỉnh khi người dân của nó biết tích lũy những gì họ đạt được từ các hiệp định thương mại. TPP là một cơ hội để xã hội dân sự chứng minh cho những ai còn hoài nghi rằng người Việt Nam không phù hợp với nền dân chủ.

Tự do không miễn phí. TPP không đem lại tự do, nó chỉ là phương tiện.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo