Long Đức
(VNTB) – Nếu lại buộc phải giãn cách, người dân có còn tin vào những hứa hẹn về các gói hỗ trợ an sinh?
Những ngày qua, khi mà một biến chủng mới của SARS-CoV-2 được gọi là Omicron (B.1.1.529) xuất hiện tại Nam Phi đã gây không ít xôn xao từ các nước trên thế giới lẫn nước sở tại là Việt Nam.
Nhiều người lo ngại về biến thể mới này là điều dễ hiểu, khi mà những nhận định ban đầu về Omicron có phần trội hơn Delta, như mức độ lây lan tăng 500% so với Delta, khả năng tái nhiễm cao…
Tại Việt Nam – cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh – từ cụ ông bán vé số dạo, hay người đàn ông mưu sinh bằng việc buôn bán những món đồ chơi trẻ con, đến người phụ nữ nhặt ve chai… mỗi người đều có từng suy nghĩ, cách hiểu biết khác nhau về biến chủng mới này.
Nhưng họ lại có một điểm chung còn băn khoăn chưa hề có câu trả lời, rằng liệu trong tương lai gần thì Omicron có xuất hiện ở TP.HCM không, nếu có thì chính quyền thành phố có quay lại như thời “đóng cửa”?
Những vấn đề đó đối với người dân lao động tự do hằng ngày thì có vẻ họ không có nhiều thời gian để bàn luận sâu xa. Điều họ nghĩ đến trước mắt là chuyện công việc có được tiếp tục trên đà phục hồi hay phải tạm thời ngưng lại để phòng dịch?. Trường hợp phải ngưng việc làm thì họ trang trải cuộc sống thế nào, các gói hỗ trợ an sinh thì sao?
Về những gói hỗ trợ vừa qua trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thì đã có tổng cộng 3 đợt được chính quyền thành phố thông qua lần lượt tại các mốc thời gian là ngày 25/6; ngày 5/8 và ngày 22/9. Lao động tự do là đối tượng đều có trong danh sách được hưởng hỗ trợ trong 3 đợt trên.
Khi nhắc đến việc hỗ trợ của chính quyền, có người thì vui vẻ mà kể lại bản thân đã nhận được đầy đủ các đợt hỗ trợ (tức 3 đợt), có người thì “ấm ức” khi chỉ được chính quyền “để mắt” tới vào đợt cuối cùng (tức đợt thứ 3), các đợt trước thì như rơi vào “quên lãng” không một lời giải thích.
Bà Lê Thị Tám, một người nhặt ve chai trên đường Lê Hồng Phong, quận 10 chia sẻ rằng trong thời gian qua, bà là một trong những người “may mắn” đã được nhận tổng cộng 4,5 triệu động cho cả 3 đợt hỗ trợ của chính quyền thành phố. Thật sự với số tiền đó thì nếu chi tiêu hết sức tằn tiện trong thời gian dài phải ở nhà thì bản thân bà Tám có thể xoay sở được. Nếu chẳng may mà biến chủng mới có tìm đến thành phố, và nếu chính quyền có ban hành lệnh hạn chế ra ngoài thì bà Tám sẽ ở nhà, với điều kiện là các gói hỗ trợ phải được nhận đủ như lần trước.
Với điều kiện đó thì không gì là “đòi hỏi”, khi mà những người dân lao động đó phải thu xếp tiền nong để chi trả cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày, nhất là tiền thuê phòng trọ.
Thế nhưng ở một góc cạnh khác, ông Lý Cát Thiên, người bán đồ chơi dạo trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh lại thẳng thắn bộc bạch về vấn đề bản thân không được nhận 2 gói hỗ trợ đầu tiên, và chỉ nhận được 1 triệu đồng ở gói hỗ trợ thứ 3.
Chia sẻ thêm về gói hỗ trợ thứ 3, ông Thiên cho rằng mình nhận được tiền là do có trình bày về hoàn cảnh cho một người quen làm trong cơ quan nhà nước, nên mới “mách”, để sau đó ông Thiên nhận liền 1 triệu đồng.
Nếu vẫn “im lặng” như 2 lần trước, ông Thiên khẳng định việc bản thân bị “thiếu sót” sẽ tiếp tục thêm một lần nữa. Và dĩ nhiên sẽ không ai quan tâm đến, qua đợt thì ông sẽ tiếp tục không nhận được tiền hỗ trợ.
Người ta thường nói “quá tam ba bận”, đối với ông Thiên thì 3 lần chính quyền “hứa” sẽ hỗ trợ, thì trong đó có 1 lần “mấp mé”, 2 lần không nhận được một đồng nào đã quá đủ. Ông không còn niềm tin khi chính quyền kêu gọi người dân ở nhà để phòng chống dịch và sẽ hỗ trợ đầy đủ trong trường hợp nếu chủng mới Omicron lan truyền đến Việt Nam.
Một lần nữa bằng những tủi hờn còn lại, ông Thiên chia sẻ rằng nếu có biến chủng mới xuất hiện, ông vẫn sẽ quyết tâm ra đường để tiếp tục công việc mưu sinh và không trông chờ vào những lời hứa của chính quyền sẽ hỗ trợ người dân.
Dẫu biết rằng trong khâu chi hỗ trợ an sinh cho hàng ngàn, hàng triệu người dân thực không dễ dàng, chắc hẳn sẽ gặp những vấn đề bất trắc, sai sót. Nhưng nếu tình trạng đó lặp đi lặp lại nhiều lần và nhiều người thì có lẽ nên xem xét lại.
Ở thời điểm hiện tại, đã có một số người “nản lòng” trước các đợt hỗ trợ, họ mất đi niềm tin. Đó không phải lỗi của người dân. Đến một lúc nào đó, khi đại bộ phận người dân đều có chung quan điểm đó, thì lời kêu gọi của chính quyền trong tương lai sẽ khó mà đạt được hiệu quả như thời gian qua.