Đông Đô
(VNTB) – “Không nên nói trái nghị quyết trung ương”
“Không nên nói trái nghị quyết trung ương. Ta có thể suy nghĩ để thiết kế nội hàm xã hội hóa nó khác đi chứ không thể bỏ xã hội hóa. Nghị quyết trung ương nói đi nói lại mãi bây giờ lại bảo không có xã hội hóa thì không được”, ông Nguyễn Khắc Định nói và dẫn chứng, khối y tế tư nhân đang làm rất hiệu quả, “chứ có phải không đâu” và đội ngũ y tế cả công và tư đều đóng góp cho xã hội.
Liên quan tới vấn đề đội ngũ cán bộ y tế chạy từ công sang tư, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng, nói đây là “chảy máu chất xám” thì không đúng. “Đấy là do cơ chế chính sách, công sử dụng không tốt thì anh em chạy sang tư, vẫn đóng góp cho đất nước này, nhân dân vẫn được hưởng, có chạy sang Tây đâu mà sợ. Vì thế mình phải sửa chính sách trong khu vực công đi để giữ các cán bộ. Ngay cả đơn vị hành chính nhà nước khác cũng thế”, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Khắc Định phát biểu trên cương vị phó chủ tịch Quốc hội ở phiên họp chuyên đề, cho ý kiến về luật Khám chữa bệnh sửa đổi.
Hồi thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Định từng được Trung ương cơ cấu để ‘soán ghế’ Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, nhưng chỉ sau một tuần lễ “điều động” tham gia Thành ủy TP.HCM, người ta thấy ông lui về Bắc không kèn, không trống.
Số liệu thống kê từ ngày 1-1-2021 đến 30-6-2022 của Bộ Y tế cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Trong đó, 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác. Có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các sở y tế và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, một số tỉnh, thành có số viên chức thôi việc, bỏ việc cao như TP.HCM có 2.035, Hà Nội có 1.032, Đồng Nai có 496, Bình Dương có 368…
Vấn đề ở đây trong chuyện gọi là “xã hội hóa y tế” đó là việc lẫn lộn công – tư.
“Hồi xưa tới giờ ngành y, ngành giáo dục là 2 người thầy trong xã hội, ngân sách nhà nước đảm bảo đầu tư và trả lương đội ngũ. Bây giờ mình chuyển qua tự chủ, rồi tự chủ toàn diện, thì buộc người ta phải tìm cách chung danh, khai thác bệnh nhân để có cái nguồn nuôi bộ máy. Chính chỗ đó nó đẻ ra những cái bất cập, đẻ ra những nhóm lợi ích. Và chính chỗ đó biến nền y tế của mình trở nên méo mó” – Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, ý kiến.
Theo ông Phong, gọi là xã hội hóa, thế mắc mớ gì anh không về tuyến cơ sở nơi đang rất thiếu thốn để làm, mà lại cứ nhắm vào mấy cái bệnh viện đặc thù của trung ương để liên doanh, liên kết. Đơn giản vì không thu được nhiều tiền.
Chưa kể, cả xã hội có liên danh, liên kết được không hay là chỉ một nhóm người. Người có tâm muốn cũng không vào được, còn người trong hệ thống, trong nhóm thì có thể là hùn với nhau, để rồi biến cái liên doanh, liên kết thành thu nhập.
“Thành ra xã hội hóa lại biến thành thương mại hóa ngành y và nó phá vỡ chiến lược phát triển ngành y với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Cho nên chỗ này phải nhìn nhận, tính toán, điều chỉnh lại, để như thế này không ổn…” – ông Đặng Thuần Phong biện giải.
Ở đây, người viết bài cho rằng không duy ý chí như ông Nguyễn Khắc Định là “Trung ương luôn đúng”, mà cần phải làm rõ là vì sao ngần ấy năm Trung ương vẫn im lặng chấp nhận thực trạng công không ra công, tư không ra tư.
Tại sao cái gọi là nhân danh Trung ương đó không kiên quyết trả bệnh viên công về vị trí cũ. Bởi bệnh viện công là đơn vị sự nghiệp công lập của ngành y tế – là một ngành đặc thù thì nhà nước bắt buộc phải đầu tư cho nó. Tức là công ra công, tư ra tư. Không có liên doanh liên kết, không có tự chủ vì mục tiêu lợi nhuận gì ở đấy nữa.
Trả về công đích thực thì vị trí việc làm phải xác định đàng hoàng để cán bộ, y bác sĩ yên tâm. Chứ giờ tối ngày cứ lo kiếm tiền để nuôi bộ máy thì chết rồi. Rồi những bác sĩ, những người giỏi thì mới được đưa lên quản lý thì giờ lại không có lo nhiệm vụ chuyên môn nữa mà lo tập trung kiếm tiền thì nó khác rồi, khác hoàn toàn.
Có như vậy mới mới có điều kiện tập trung vào nhiệm vụ, nâng cao chất lượng chuyên môn. Có như vậy thì mới thoát được cái thương mại hóa ngành y và thoát được cái dịch vụ y tế giá rẻ.
Có nịnh Trung ương thì cũng nên nịnh cho trúng, thưa ông phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
*****
Năng lực lập pháp của phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định?
Trước tình trạng hành hung bác sĩ và nhân viên y tế ngày càng gia tăng, phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề xuất: “Xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ các bác sĩ và nhân viên y tế…”.
Đề xuất lập pháp này có nghĩa lại thêm một lực lượng, tăng thêm biên chế, tăng thêm gánh nặng cho ngân sách quốc gia mà hiệu quả không cao. Vì những vụ bạo hành bác sĩ thường xảy ra bất ngờ, không kịp xử trí. Bọn côn đồ này ra tay rất nhanh, như trường hợp tử vong của bác sĩ Phạm Đức Giàu ở Thái Bình. Vả lại cách này là thụ động, để xảy ra sự cố rồi mới xử lý.