Việt Nam Thời Báo

VNTB- ‘Nội bộ chơi xấu’ qua scandal Bộ luật hình sự 2015?

Ảnh: youtube.com
Scandal lùm xùm “90 nội dung sai sót” của Bộ luật hình sự đã được Quốc hội chính thức thông qua vào cuối năm 2015 có ý nghĩa có lẽ không thua kém vụ “cá chết Formosa”.
Bất ngờ nổ ra vào cuối tháng 6/2016, trước hết vụ scandal Bộ luật hình sự đã khiến dư luận xã hội thêm một lần nữa phẫn nộ về từ thế ngủ ngày của đội ngũ tinh hoa gần 500 đại biểu quốc hội, và 3,600 tỷ đồng cho một kỳ bầu bán với hầu hết các ứng cử viên độc lập bị loại thẳng cánh.
Một lần nữa, người ta nhớ lại câu nói bất hủ của nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai bây giờ!…”.
Vụ scandal Bộ luật hình sự còn được xem là “hoành tráng” hơn vụ điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội hồi đầu năm 2015, mà đã dẫn đến cuộc đình công kèm biểu tình của hàng trăm ngàn công nhân Pou Yuen và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tất cả đều hội tụ vào trách nhiệm của một quốc hội ngày càng tệ.
Nhưng có một điểm khác biệt cơ bản: liên quan vụ điều 60 luật Bảo hiểm xã hội, giới quan chức quốc hội và chính phủ không hề lên tiếng thừa nhận sai lầm, cho đến khi nổ ra cuộc biểu tình của công nhân – khác hẳn với thái độ mau mắn lạ lùng của những quan chức quốc hội, khi thừa nhận có đến 90 sai sót trong bộ luật hình sự đã được thông qua.
 Ở một khía cạnh khác, báo chí nhà nước tuy biết, nhưng chỉ dám lên tiếng một cách tự phát trong vụ việc điều 60. Còn với vụ Bộ luật hình sự 2015, không hiểu từ đâu một số tờ báo nhà nước đã có được tin tức nhanh nhạy và lập tức đăng tải. Hiện tượng truyền thông đặc biệt này đã dẫn đến một giả thiết: phải chăng báo chí được “bắn tin”? 
Và nếu giả thiết trên là có cơ sở như đã từng tồn tại trong rất nhiều vụ việc chính trị trước đại hội 12, người chủ động cung cấp thông tin cho báo chí muốn nhắm đến mục đích gì?
Điều rõ ràng là không chỉ nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bị lôi ra chỉ trích, cả người tuy đang là chủ tịch quốc hội nhưng còn phải thông qua một lần bầu bán nữa mới chắc chắn – bà Nguyễn Thị Kim Ngân – cũng bị một số dư luận đòi hỏi phải từ chức hoặc phải bị cách chức.
Nhìn về phía trước, kỳ họp đầu tiên của quốc hội mới sẽ diễn ra từ ngày 20 đến ngày 29/7 năm nay, với nội dung chủ yếu xoay quanh chuyện “bầu nhân sự cao cấp”. Các vị trí chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ theo đó sẽ một lần nữa “lên thớt”, sau cuộc bầu bán đầu tiên vào tháng 3/2016.
Hiển nhiên, nếu “90 sai sót” trong Bộ luật hình sự được làm rõ, Quốc hội sẽ mang tiếng không biết khi nào mới hết. Mà không chỉ quốc hội, cả chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng phải chịu dư luận liên đới.
Không khí đưa tin nhanh nhạy của báo chí lẫn thái độ nhận sai mau mắn của một số quan chức quốc hội mang lại cảm giác dường như Quốc hội đang muốn cải thiện hình ảnh theo hướng minh bạch hóa. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là nếu Quốc hội đã muốn tự “đổi mới”, tại sao cơ quan này lại vẫn “ngâm tôm” các bộ luật liên quan sát sườn đến quyền lợi của dân như luật Biểu tình, luật Lập hội, luật về Tôn giáo?
Có một bóng đen lẩn khuất đâu đây, như đã từng vào thời gian trước đại hội 12, khi cuộc xung đột nội bộ trong đảng lên đến đỉnh điểm và đơn thư tố cáo nhau bay như bươm bướm trên… mạng xã hội.
Lần này, cũng có thể là như vậy. Nhưng cả trên mặt báo nhà nước.
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo