Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nỗi buồn chiến tranh: tiểu thuyết phản chiến đỉnh nhất sau 1975

Phùng Hoài Ngọc (VNTB) Các nhà văn, nhà phê bình cho rằng lý do chính khiến Bảo Ninh trượt giải là định kiến về tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của một thế lực bảo thủ có quyền lực. Điều này phản ánh một cuộc đấu tranh tư tưởng nghệ thuật bị chính trị hoá.


Sự cố văn học nổi bật năm 2016

Bảo Ninh và “Nỗi buồn chiến tranh“ (NBCT) trượt Giải thưởng Nhà nước năm 2016. Hầu hết các tờ báo quen thuộc với công chúng đều xôn xao lên tiếng, trong đó hai tờ báo VN Express và Nộng Nghiệp tỏ thái độ thất vọng, mỉa mai phản đối rõ rệt với Hội đồng xét giải Nhà nước.
Trả lời báo Tiền Phong, ông Hữu Thỉnh cho biết Hội đồng Nhà nước có 28 thành viên trong đó chỉ có 04 người thuộc lĩnh vực văn chương là ông, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà văn Chu Lai, nhà văn Nguyễn Trí Huân. Tỷ lệ phiếu bầu của Bảo Ninh ở Hội đồng cấp Nhà nước là 76% trong khi quy định là 90% mới đạt. Hữu Thỉnh cho rằng đó là con số yêu cầu quá cao. (Ông cũng cho biết Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn Việt Nam sẽ làm công văn đề nghị xem xét bỏ phiếu lại. Ở hai vòng trước, tác giả Nỗi buồn chiến tranh đều nhận được tỷ lệ bầu chọn cao).

Nào, hãy xem qua chân dung các vị lãnh đạo “cầm cân nảy mực”: Hội đồng quốc gia gồm 28 thành viên, do ông Nguyễn Ngọc Thiện Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch làm Chủ tịch. Còn bốn phó Chủ tịch hội đồng bao gồm: Thứ trưởng Bộ Văn Thể Du- Lê Khánh Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban thi đua khen thưởng trung ương – Vương Văn Đỉnh và Chủ tịch Liên hiệp Văn học nghệ thuật – Hữu Thỉnh.

Kết quả vòng cuối, Bảo Ninh chỉ được 76 % số phiếu, theo qui chế Giải phải đạt tối thiểu 90 %, nghĩa là nhà văn đã bị 14 % uỷ viên được qui hoạch bố trí để cản phá anh ở vòng sau chót, bất chấp hai vòng chuyên môn đều đã thông qua rồi (Hai hội đồng cấp cơ sở và cấp Liên hiệp đều là người chuyên môn văn học nghệ thuật). Đểu thật !


Một cuộc giăng co chân lý giữa giới báo chí và văn nghệ sĩ có lương tri đối đầu với thế lực bảo thủ đầy quyền lực, chưa có hồi kết.

Các nhà văn, nhà phê bình cho rằng lý do chính khiến Bảo Ninh trượt giải là định kiến về tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của một thế lực bảo thủ có quyền lực. Điều này phản ánh một cuộc đấu tranh tư tưởng nghệ thuật bị chính trị hoá.
Năm 1991, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh (in lần đầu năm 1987 trên tạp chí văn học), được tặng Giải thưởng Hội nhà văn cùng hai tiểu thuyết khác.

Giới phê bình Việt Nam còn băn khoăn, NBCT là một cuốn tiểu thuyết về tình yêu bi thảm trong chiến tranh, Thân phận của tình yêu, hay là một tiểu thuyết về Nỗi buồn chiến tranh”?

Tôi xin khẳng định NBCT bao gồm cả hai chủ đề, song cái tên gọi chính thức NBCT đã nói rõ chủ đề chính.
Tính phức tạp của những đánh giá về tác phẩm thể hiện ngay từ cuộc tọa đàm về cuốn tiểu thuyết do Hội Nhà văn và Tuần báo Văn nghệ tổ chức trong năm 1991 và một loạt bài viết sau cuộc tọa đàm. Những ý kiến đánh giá cao tác phẩm về nội dung và đặc biệt hình thức nghệ thuật (của Đỗ Đức Hiểu, Nguyên Ngọc, Trần Đình Sử…) được bạn đọc đồng tình ủng hộ.
Nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam hồi đó, người có công lớn trong việc trao giải cho NBCT, đánh giá rất cao tác phẩm này. Ông viết: “Đây là cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến đấu của một con người tìm lẽ sống hôm nay. Bằng cách chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình. Cuốn sách này không mô tả chiến tranh. Nó “mô tả” một cuộc kiếm tìm nặng nhọc chính hôm nay. Hiện thực ở đây là hiện thực bên trong của một tâm hồn quằn quại và đầy trách nhiệm, quằn quại vì đầy trách nhiệm. Trách nhiệm lương tâm (dẫn theo Phạm Xuân Nguyên- Văn hoá Nghệ An).

Có một số nhà phê bình theo kiểu xã hội học dung tục đã coi cuốn sách của Bảo Ninh là “điên loạn”, “rối bời”, “lố bịch hóa hiện thực”, “bôi nhọ quân đội” (bài viết của TS. Đỗ Văn Khang trên tuần báo Văn nghệ số 43, ra ngày 26/10/1991). Tiêu biểu phe chống đối là ý kiến của Đỗ Văn Khang, tiến sĩ mỹ học và ngữ văn. Ông Khang phẫn nộ vì Bảo Ninh đã gọi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “cuộc chiến tranh Việt – Mỹ”, đã thể hiện người lính quân đội nhân dân như một lũ thất trận chứ không phải những người mang tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhân vật Kiên bị ông Khang kết tội như sau: “Đó là một kẻ chiến bại, tìm cách chạy trốn vào quá khứ để khư khư ôm lấy tâm trạng đổ vỡ mà không dám nhìn thẳng vào những khó khăn để dồn sức làm được một cái gì đó cho ngày mai”. Sự phê phán bị đẩy tới mức mà Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng cho nó nhưng rồi lại phải tự lên tiếng phủ nhận giải thưởng đó thông qua ý kiến của một số nhà văn ở trong ban giám khảo hồi ấy (Mãi tới đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII năm 2005, nhà văn Nguyễn Quang Sáng mới phát biểu xin lỗi nhà văn Bảo Ninh về chuyện này từ trên diễn đàn đại hội)…
Cần biết thêm Đỗ Văn Khang là giảng viên ở KHXH-NV Hà Nội, kẻ tự nguyện “gác cửa ý thức hệ”, chuyên cay cú phản đối văn học Đổi Mới, Khang đã từng hăng hái phê phán khắc nghiệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ngay khi ông mới xuất hiện trên văn đàn.

NBCT được đón nhận nhiệt tình trên khắp thế giới
Nỗi buồn chiến tranh được coi là một cột mốc sáng chói của văn học thời kỳ “đổi mới”, thực chất là văn học bắt đầu được “cởi trói”. Tác phẩm nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, hơn 10 ngôn ngữ, xuất bản tại 18 quốc gia trên thế giới mà bản dịch Anh ngữ “The Sorrow of War’”của Phan Thanh Hảo và Frank Palmos xuất bản năm 1994 có lẽ là bản dịch đầu tiên. Bản dịch được đón đọc và đánh giá cao ở nhiều nước, đặc biệt ở Mỹ, phía bên kia cuộc chiến.
Từ khi ra mắt độc giả thế giới vào giữa thập niên 1990, những tờ báo danh tiếng của Mỹ và Anh như: Time, The London Times, The New York Times, Philadelphia Inquirer, The New Yorker, Washington Pos, The Guardian… đã không tiếc lời ngợi khen tác phẩm văn học gây kinh ngạc của “phía bên kia”. Đặc biệt giới phê bình thế giới đánh giá rất cao, và xem NBCT nằm trong số những tiểu thuyết hay nhất về đề tài chiến tranh của mọi thời đại.

“Một cuốn tiểu thuyết không thể đặt xuống… Nó lẽ ra phải được giải Pulitzer, nhưng đã không được. Nó quá hấp dẫn để xứng được thế ” – báo Anh The Guardian đã viết.
“Nỗi buồn chiến tranh” được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Một nhà phê bình Mỹ viết trên tờ Philadelphia Inquirer rằng cuốn tiểu thuyết “đã làm cho những người lính Bắc Việt thành ra con người” vì nó “rốt cục đã đặt một bộ mặt người khả dĩ chấp nhận được lên một nhóm người lâu nay không có mặt”.
Một nhà phê bình khác táo bạo hơn cho rằng NBCT “vượt lên trên tất cả các tác phẩm văn xuôi của Mỹ đã viết về cuộc chiến Việt Nam”. Một cựu binh Mỹ viết sau khi mua sách NBCT năm 1999: “Tôi đã đọc sách này một cách do dự, nhưng sau trang đầu thì tôi đã bị móc vào nó. Là một lính thủy đánh bộ, tôi đã chiến đấu chống lại kẻ thù này vào năm 68 và 69 và đã có mặt ở Sài Gòn khi anh ta vào đấy năm 75… Cuốn sách này cần cho tất cả các cựu binh Việt Nam. Bạn sẽ thấy kẻ thù cũng y như chúng ta về mọi mặt”.

“Nỗi buồn chiến tranh” được điện ảnh Mỹ mua bản quyền dựng phim. Sau 10 năm đàm phán, cuối cùng đạo diễn Nicolas Simon cũng nhận được đồng ý của nhà văn Bảo Ninh và giấy phép của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch VN cho kịch bản phim “Nỗi buồn chiến tranh”…Trước đó, NBCT đã lọt vào dự kiến của các đạo diễn trong nước như Hải Ninh, Khánh Dư. Vấp phải nhiều trở ngại khác nhau, các nhà làm phim trong nước đành bỏ dở dự án chuyển thể NBCT thành phim. Hơn 25 năm sau khi xuất bản “Nỗi buồn chiến tranh” vẫn chưa được điện ảnh khai thác, dù tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết đương đại hay nhất, một sự tái hiện xuất sắc về cuộc chiến tranh Việt – Mỹ. Hiện tại, kịch bản phim, do nhà biên kịch Peter Himmelstein chuyển thể, tuy nhiên cuộc trao đổi kịch bản giữa Bảo Ninh và đạo diễn Mỹ và còn những lý do gì khác nữa, hai bên chưa đi đến hồi kết.

Bản dịch ra tiếng Trung Quốc là bản mới nhất, năm 2015 của dịch giả Hạ Lộ, với Lời giới thiệu của Diêm Liên Khoa, nhà văn hàng đầu Trung Quốc. Bản dịch đăng nhiều kỳ trên Tạp chí văn học Thiên Nhai 天涯 (tỉnh Hải Nam, Trung quốc, với tựa đề 《战争哀歌》CHIẾN TRANH AI CA (Bài ca buồn của cuộc chiến). Lời đánh giá cao nhất từ nước ngoài dành cho NBCT, theo chúng tôi, là từ Trung Quốc. Đây là một hiện tượng lạ lùng, vì xưa nay người Tàu không thích đánh giá cao văn học Việt Nam mặc dù văn học TQ hiện đại, xét cho cùng là “cùng hội cùng thuyền” với văn học Việt Nam. 

Lời đánh giá cao nhất từ nước ngoài
Lời giới thiệu của Diêm Liên Khoa 阎嗹科, nhà văn hàng đầu Trung Quốc đương đại, với tiêu đề: “Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông” (东方战争文学的标高 /Đông phương chiến tranh văn học đích tiêu cao) đăng nhiều kỳ trên tạp chí Thiên Nhai:

Nhà văn Diêm Liên Khoa cây bút quân đội TQ từng nhận 30 giải thưởng trong và ngoài nước, đã đánh giá Bảo Ninh rất cao, cao hơn văn học Liên Xô và Trung Quốc về đề tài chiến tranh. 
Diêm Liên Khoa ngỡ ngàng đọc NBCT và tự trách mình: “Cứ như năm ngoái hoa nở, năm nay chúng ta mới ngửi thấy hương thơm.Tiểu thuyết “Chiến tranh ai ca” (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh nhà văn Việt Nam xuất bản từ năm 1990, mãi đến hôm nay sau 25 năm, mới được dịch và giới thiệu ở Trung Quốc, quả thực không khỏi có chút cảm giác: bất luận cây lê nhà hàng xóm có kết trái to đến mấy cũng chỉ là một trái táo nhỏ tầm thường, còn với văn học Âu Mỹ, cho dù chỉ là một quả nho, cũng có thể nhanh chóng tỏa mùi đào mùi lê ở Trung Quốc, thật không chỉ khiến người ta cảm thấy buồn cười mà còn thấy hợp lý”. 
Diêm Liên Khoa tiếc rẻ, trách cứ TQ chậm trễ dịch sách của Bảo Ninh:

“Sự đến muộn của nó, đối với Bảo Ninh, đối với “Nỗi buồn chiến tranh” đều không làm ảnh hưởng đến thành tựu và vị trí vốn có của tác gia và tác phẩm; mà bị ảnh hưởng chính là văn học Trung Quốc, nhất là sáng tác (nói chung) và sáng tác của văn học quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Tôi với tư cách là một tiểu thuyết gia đã có đến 26 năm trong quân đội, đọc xong tiểu thuyết này, cảm giác mãnh liệt nhất, là, giả sử ngay từ cuối những năm 80 hoặc muộn hơn một chút vào đầu những năm 90, chúng ta có thể dịch Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung giống như “Vòng hoa dưới núi” của nhà văn Trung Quốc Lý Tồn Bảo vừa xuất bản hồi đầu những năm 80 đã gần như đồng thời được dịch sang tiếng Việt, thì nhận thức của chúng ta đối với văn học Việt Nam sẽ không đến nỗi phong bế và hạn hẹp như hôm nay; văn học quân đội Trung Quốc cực kỳ cũ kỹ và trì trệ hôm nay cũng nhất định sẽ không bảo thủ, bó chân và tụt hậu như vậy. Thậm chí có thể nói, nếu như có thể kịp thời dịch và giới thiệu Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, văn học quân đội Trung Quốc ngày ấy và bây giờ đều rất có thể đã mang một cảnh sắc và sinh khí khác”.

Nhà văn đương đại nổi tiếng Trung Quốc Diêm Liên Khoa
Diêm Liên Khoa khẳng định NBCT đạt đẳng cấp quốc tế:

Nghiền ngẫm Nỗi buồn chiến tranh với tư cách là một tiểu thuyết chiến tranh phương Đông trong bối cảnh văn học thế giới và so sánh nó với dòng văn học chiến tranh mà chúng ta có thể đọc được của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, rõ ràng Nỗi buồn chiến tranh đánh dấu tầm cao của một thứ văn học mới. Một tác phẩm cực hiếm của một nhà văn châu Á phương Đông, hiếm có trong những miêu tả, nhận thức, phê phán thẩm mĩ đối với chiến tranh, hiếm có trong những lý giải và tình yêu đối với con người, những suy tư về nhân tính, hiếm có cả trong biểu đạt nghệ thuật – một phương diện cá tính nhất, quan trọng nhất đối với một nhà văn.

Diêm Liên Khoa khẳng định NBCT vượt qua cả văn học Liên Xô và Trung Quốc:

So sánh với văn học quân đội Trung Quốc hay đơn thuần là tiểu thuyết chiến tranh Trung Quốc, thì trong khi chúng ta tôn thờ “chủ nghĩa anh hùng” như một đấng thiên thần của văn học quân đội thì Bảo Ninh của Việt Nam đã coi bản tính của con người và bản thân sự sống là thần thiêng của sáng tác; Thì ra, ở một đất nước có chế độ giống chúng ta, cùng đọc và hấp thụ dưỡng chất cao cả trong văn học quân đội của Nga (Liên Xô cũ), Bảo Ninh đã vượt qua đồng thời hy vọng đưa tác phẩm của anh giao lưu và đối thoại với sáng tác về chiến tranh của văn học thế giới; trong khi sáng tác về chiến tranh của chúng ta cho đến hôm nay vẫn còn dở dang ở hành trình “văn học quân sự cách mạng Liên Xô” 70 năm về trước thì Bảo Ninh từ cách đây 25 năm đã đến từ con đường ấy rồi cũng từ con đường ấy vượt qua nó chỉ trong một bước chân. Sự vượt thoát ấy, không chỉ trong cốt truyện, nhân vật, tình tiết và miêu tả đối với chiến tranh, mà chủ yếu ở chỗ, anh đã đặt chiến tranh vào số phận của cả nhân loại để nhận thức về nó và về con người”. (Thiên Thai dịch)[1]

Ở Việt Nam, đã có hàng trăm luận văn, tiểu luận nghiên cứu danh tác NBCT do SV và GV ở các khoa Văn đại học thực hiện.
Giải thích nhanh vì sao Bảo Ninh bị đánh rớt
Mời bạn đọc hai đoạn văn ngắn có thể hiểu vì sao nhà văn rớt giải.

Đoạn 1: Tâm sự của Kiên nhân vật chính, trung đội trưởng trinh sát:

“Cũng may là trong làng trinh sát không hề có mặt những tay lên giọng tuyên huấn phách lối, uốn nắn người, răn dạy người, thành thử bữa ấy trò chuyện chủ khách thật dễ chịu chỉ xoay xung quanh chuyện làm ăn sinh nhai, hạnh phúc gia đình, đời sống phong thổ, chẳng một lời đả động đến thời cuộc và chiến tranh”.

Đoạn 2: Cuộc trò chuyện của hai anh lính ở một trang trại cà phê Tây Nguyên trước ngày 30 tháng Tư:

Vân “còm”, cựu sinh viên kinh tế kế hoạch, đưa ra ý kiến: 

– Đấy, họ sống như thế đấy. ốc đảo bình yên sung sướng thật. Nhưng tớ nghĩ đến mấy ông thầy của tớ ở trường đại học với những lý luận của các bố ấy mà hãi hùng. Nếu bọn ta đánh thắng có nghĩa là dọn đường cho mấy lão ấy tràn vào. Và khi đó thì cặp vợ chồng nọ sẽ biết thế nào là thời thế mới. 

– Ừ. Họ sẽ khốn khổ. Hòa bình, cánh mình có quay trở lại chắc gì họ còn đối đãi tử tế nữa nhỉ? 

– Là cái chắc. Trừ phi mày trở lại đây làm “chủ nhiệm hợp tác xã”. 
Kỳ sau: Một số đặc điểm nghệ thuật đặc sắc của “Nỗi buồn chiến tranh”

Tin bài liên quan:

VNTB- “Gặp gỡ cuối năm”: cơ hội trút ấm ức của nhóm nghệ sĩ Hà thành và sự giằng co tuyên giáo

Phan Thanh Hung

VNTB- “Dân chủ đến thế là cùng” = đảng…đảng….đảng !

Phan Thanh Hung

VNTB – “Giai cấp mới” đã đến giai đoạn cuối

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo