Nguyễn Nam
(VNTB) – Biển Đông là nơi có khả năng xảy ra xung đột cao nhất bởi Mỹ và Trung Quốc đều duy trì tàu chiến, máy bay chiến đấu trong khu vực
Giải thích theo từ điển, ‘nồi súp de’ là bộ phận của máy hơi nước dùng để đun nước sôi lấy hơi cho máy chạy. “Súp de” là cách đọc trại của từ gốc tiếng Pháp “Chaudière”.
Nồi súp de đang bắt đầu có dấu hiệu sôi ùng ục ở Biển Đông, khi mà các nhà quan sát chung e ngại, Biển Đông là nơi có khả năng xảy ra xung đột cao nhất bởi Mỹ và Trung Quốc đều duy trì tàu chiến, máy bay chiến đấu trong khu vực.
Báo chí Việt ngữ trong những ngày gần đây đã thêm củi lửa, khi liên tục đưa tin khiến độc giả dễ hình dung đến ngày tàn của cộng sản Trung Quốc bắt đầu hiện rõ dần.
“Mỹ tuyên bố hết trung lập trong vấn đề Biển Đông, điều tàu chiến thách thức Trung Quốc” – bài trên báo Tuổi Trẻ phát hành sáng sớm ngày 15-7, có đoạn viết:
“Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, ông David R. Stilwell, tuyên bố Washington sẽ không tự nhận mình là trung lập trong vấn đề tranh chấp hàng hải trên Biển Đông trước “các chiến thuật như xã hội đen của Trung Quốc”.
“Mỹ sẽ không còn tự nhận mình trung lập trong các vấn đề hàng hải trên Biển Đông”, ông Stilwell nhấn mạnh trong Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 10 do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức tối 14-7 (giờ VN).
Trong lúc nhà ngoại giao cấp cao đang phát biểu, hải quân Mỹ đã công bố hình ảnh tàu khu trục USS Ralph Johnson hoạt động gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái diễn ra chưa đầy 24 tiếng sau khi Mỹ công bố lập trường mới về Biển Đông.
Theo chú thích của hải quân Mỹ, USS Ralph Johnson đang trong sứ mệnh đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông ngày 14-7. Trang USNI chuyên đưa tin về hải quân Mỹ cho biết con tàu này đã áp sát các thực thể Trung Quốc chiếm đóng và thách thức yêu sách hàng hải vô lý của nước này.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rạng sáng 14-7 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính của Việt Nam và nhiều bãi cạn, bãi ngầm khác trong khu vực.
Trong hội thảo của CSIS, khi được hỏi tuyên bố này có gì khác so với các tuyên bố Biển Đông trước đây, ông Stilwell cho biết Mỹ vẫn thường được biết đến là hay im lặng về các vấn đề hàng hải trong khu vực. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Pompeo cho thấy “một cách tiếp cận chủ động hơn nhiều của Mỹ”.
Nhà ngoại giao Mỹ, vốn là chuẩn tướng không quân về hưu, bác bỏ khả năng động thái mới của Mỹ sẽ kích động Trung Quốc chạy đua vũ trang. “Những gì chúng tôi đang làm chỉ đơn giản là thực thi luật pháp hiện hữu. Điều này không nên được xem như một sự khiêu khích và lẽ ra chuyện này nên được làm từ lâu rồi” (1).
Báo Phụ Nữ TP.HCM góp thêm củi lửa khi nhấn mạnh rằng “Trung Quốc không phải chúa tể của Biển Đông”. Trong bài báo phát hành vào trưa ngày 15-7-2020, “Mỹ thẳng thừng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông”, báo Phụ Nữ TP.HCM, có đoạn viết mang hơi hướm của ‘giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh’:
“Nhóm phân tích Eurasia nhận định, “nguy cơ xảy ra tai nạn ở Biển Đông dẫn đến tình trạng bế tắc lớn hơn đã gia tăng do các mối quan hệ ngoại giao xấu đi” và dự đoán, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không trên vùng biển, nhằm buộc các máy bay thương mại và quân sự quốc tế công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Cho đến nay, Bắc Kinh đã chiếm giữ nhiều bãi đá hoặc đảo đá ở Biển Đông, xây dựng cảng, hải đăng và đường băng, cũng như cài đặt tên lửa và các thiết bị quân sự khác.
Lập trường mới của Mỹ đánh dấu lần đầu tiên nước này xác nhận rõ ràng bản chất phán quyết của tòa án và tuyên bố rằng, Trung Quốc không có quyền gì đối với vùng biển, dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển nước này. Điều đó sẽ mở đường cho sự phản đối mạnh mẽ hơn đối với các động thái của Trung Quốc nhằm đe dọa đánh bắt cá, khai thác dầu khí, cũng như góp thêm động lực buộc các nước khác phải lên tiếng nhiều hơn” (2).
Báo VietnamNet tạo thêm phấn khích với người dân Việt lâu nay vốn ‘ghét cay – ghét đắng’ cộng sản Trung Quốc bằng bản tin vào đầu giờ chiều ngày 15-7-2020 thổi lửa khiêu khích, “Donald Trump ra quyết định, sức mạnh Trung Quốc 10 nghìn tỷ USD tụt dốc”, trong đó chỉ đọc đoạn mở đầu là có thể hình dung ra toàn bài viết: “Tổng thống Mỹ Donald Trump dồn dập ra đòn nhắm vào Bắc Kinh. Trung Quốc đối mặt với hàng loạt khó khăn mới. Sức mạnh 10 nghìn tỷ USD của đại lục giờ trở thành điểm yếu khi mà các nhà đầu tư ngoại ồ ạt rút đi” (3).
Việc báo chí được gọi là ‘quốc doanh’ ở Việt Nam liên tục đưa tin tức về những cáo buộc các chiến thuật của Trung Quốc “như xã hội đen” (3), cho thấy là tín hiệu cho dự báo khả năng chấm dứt chính sách ‘đu dây’. Vì nếu đã ‘vuốt mặt nể mũi’, thì có lẽ trong 2020 này giữa hai đảng cộng sản Việt Nam – Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, báo chí sẽ hiểu cần tiết chế ra sao trong các tin tức về gã hàng xóm xã hội đen ấy.
Xin được kết thúc bài viết toàn ‘trích dẫn dông dài’ này, bằng một tựa bài báo in ngay trang 1 trên tờ Pháp Luật TP.HCM, “Biển Đông: Tuyên bố của Mỹ phù hợp lập trường của Việt Nam”.
Sự bày tỏ một cách minh thị sự đồng tình với Mỹ như vậy, tuy chưa phải là tuyên bố chính thức của chính phủ Việt Nam, chắc hẳn cũng sẽ làm Bắc Kinh rất khó chịu.
***
Trong thông tin phát đi chiều 15-7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có bình luận đầu tiên liên quan tới tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo về lập trường của Hoa Kỳ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông.
Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó”.
Theo người phát ngôn, Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
“Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này”, bà Thu Hằng nói.
______________
Chú thích: