Một cựu luật sư bị tuyên án tù với cáo buộc đăng tải nhiều bài viết trên Facebook có nội dung nói xấu, xúc phạm người khác.
Ngày 7.7, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt bị cáo Phan Thị Hương Thủy (64 tuổi, cựu luật sư, trú tại Q.Long Biên, Hà Nội) 12 tháng tù về tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo quy định khoản 1, điều 331 bộ luật Hình sự.
Bị hại vụ án này được xác định là luật sư Nguyễn Văn Chiến, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội.
Phiên tòa được mở dù cả bị cáo và bị hại vắng mặt. Trong đó, bà Thủy có 2 luật sư bào chữa, ông Chiến có 3 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Cáo trạng cho thấy, giữa năm 2020, bà Thủy (thời điểm này là cựu luật sư Đoàn luật sư TP.Hà Nội, đã bị xóa tên khỏi danh sách) đăng trên Facebook cá nhân 8 bài viết liên quan đến ông Chiến.
Các bài viết có tiêu đề như: “Khi lưu manh giả danh trí thức”, “Nhân cách bốc mùi của ông Nguyễn Văn Chiến”, “Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Nguyễn Văn Chiến, học giả bằng thật”… Nội dung cho rằng ông Chiến không đủ tư cách làm Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư vì không có bằng đại học, có nhiều vi phạm trong quá trình giữ vị trí Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội…
Làm việc với cơ quan điều tra, bà Thủy khai những bài viết trên xuất phát từ việc bà bức xúc do bị ông Chiến ký quyết định xóa tên khỏi danh sách thành viên Đoàn luật sư TP.Hà Nội vào năm 2018, nên tố cáo ông “tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đạo đức”.
______________
Nguồn: Báo Thanh Niên
******
NHỮNG GÓC KHUẤT CỦA CHỦ NHIỆM ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI:
CẦN XEM XÉT LẠI TƯ CÁCH ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN CHIẾN – ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV, PHÓ CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM, CHỦ NHIỆM ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
Thưa các bạn tôi viết lại đề tài này vì hôm nay tình cờ xem trên ti vi thấy ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà nội, đại biểu quốc hội, đứng cãi trước Toà trong vụ án chạy thận tử vong ở Toà án tỉnh Hoà Bình, bảo vệ cho bác sĩ Hoàng Công Lương.
Tôi ngạc nhiên vì thấy ông Chiến đứng không đúng vị trí. Là đại biểu quốc hội, đại diện cho giới luật sư Hà nội, nhẽ ra ông phải tham gia nghị trường cùng với các đại biểu luật sư khác đóng góp ý kiến cho các vấn đề thời sự nóng bỏng về quốc kế dân sinh, an ninh chủ quyền quốc gia, nhất là các vấn đề sửa đổi bổ sung các đạo luật để giúp cho hoạt động xã hội nghề nghiệp của giới luật sư góp phần bảo vệ công lý được tốt hơn chứ không đứng trong phiên toà nói tranh hết cả phần của các luật sư khác nhằm đánh bóng tên tuổi.
Chiếu vào Luật đại biểu quốc hội, ông Chiến bận đi đánh án nên không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu quốc hội quy định tại Khoản 5 Điều 2 quy định 1 trong các tiêu chuẩn của đại biểu quốc hội là ” Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”.
Hành trình bảo vệ công lý, công bằng cho người dân của giới luật sư là hữu xạ tự nhiên hương, âm thầm nhưng tâm huyết, quyết tâm tìm ra sự thật trên cơ sở vận dụng pháp luật chứ không phải cãi tay đôi trước toà trong một phiên xử là xong.
Nhìn ông cãi thì biết ông có thuộc hồ sơ đâu, chỉ nói vo là chính. (Thuật ngữ “vo” giới luật sư hay sử dụng để ám chỉ việc luật sư tranh luận với đại diện viện kiểm sát không viện dẫn bút lục trong hồ sơ cũng không trích dẫn điều luật để chứng minh tính có căn cứ và hợp pháp của luận cứ gỡ tội cho thân chủ).
Tuy nhiên chỉ giới luật sư dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh tụng mới biết, còn ngoài kia nhân dân chỉ thấy ông đứng chém gió trước Hội đồng xét xử kiên nhẫn lắng nghe thì phục ông quá!
Ít người biết tuy trước toà ông lớn tiếng yêu cầu phải “thượng tôn pháp luật” trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhưng ngoài đời ông ta ký quyết định “khai tử” đồng nghiệp tôi không đúng quy trình mà pháp luật quy định.
Trước đây tôi đã viết bài này vì lý do quá trình đăng một số bài liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Chiến ký Quyết định số 72/QĐ-BCNĐLS ngày 12/2/2018 để ra hình thức kỷ luật xóa tên tôi khỏi Đoàn luật sư Hà Nội một cách trái luật, tuy nhiên khi trả lời báo chí (nhằm biện bạch cho hành vi sai trái của mình) ông Chiến đã trả lời rằng “đã xem xét kỹ trước khi ra quyết định, nhưng do vi phạm ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của luật sư nên bất đắc dĩ mới phải ra quyết định kỷ luật” (trích báo Tuổi trẻ Online TP. HCM ngày 07/3/2018), thì có rất nhiều người vào ủng hộ tôi và chuyển cho tôi nhiều bài báo phản ánh những vi phạm về tư cách đạo đức cũng như dấu hiệu phạm tội hình sự của ông Nguyễn Văn Chiến thời còn làm Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội nhiêm kỳ VII vào năm 2004.
Đọc những bài báo này tôi vô cùng ngạc nhiên tự hỏi nguyên nhân vì đâu mà vi phạm nghiêm trọng đến mức tày trời như thế này mà ông Chiến lại vẫn được thăng chức đều đều, đặc biệt lại còn được giữ các chức vụ quan trọng lãnh đạo của giới luật sư, lại còn làm đại diện cho giới luật sư Thủ đô trong cơ quan lập pháp của đất nước.
(Ngày 22 tháng 5 năm 2016, ông Chiến đã trúng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV ở đơn vị bầu cử số 6 của thành phố Hà Nội trong đó có quê của ông-Phú Xuyên với tỉ lệ (56,19% số phiếu hợp lệ), thấp nhất trong ba người được bầu ở đơn vị bầu cử này (hai người kia là Trần Thị Quốc Khánh với 71,41% và Nguyễn Thị Lan với 67,62%).
Nay, vì lợi ích chung của xã hội, tôi thấy trách nhiệm của mình cần phải lên tiếng nhằm làm sáng tỏ sự thật về những sai phạm nghiêm trọng của ông Nguyễn Văn Chiến, đương kim Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà nội, đại biểu quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt nam, Uỷ viên Hội đồng luật sư toàn quốc, giám đốc Công ty TNHH Luật thực hành Nguyễn Chiến trụ sở tại 52 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà nội thể hiện qua một loạt các bài báo của Nhà nước đăng tải vào năm 2004 nhằm khai quật những bê bối trước đây của ông Chiến đã bị ai đó đào sâu chôn chặt một cách khó hiểu.
Câu chuyện này dài và rất ly kỳ, không thể hiện hết trong khuôn khổ một bài viết này mà phải cắt ra thành nhiều kỳ để mổ xẻ phân tích sự việc cho thấu đáo. Mong các bạn bớt chút thời gian theo dõi những sự thật mà tôi đưa ra thông qua các bài báo sau.
Ở Việt Nam Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân và cũng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Người đại biểu quốc hội phải có có đủ năng lực chuyên môn, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín, đặc biệt là phải có tư cách đạo đức tốt hơn mọi công dân khác.
Theo Luật tổ chức đại biểu quốc hội người đại biểu quốc hội phải là công dân ưu tú, không vi phạm pháp luật và đạo đức, đặc biệt là không bị mắc những khuyết điểm đến mức bị xử lý kỷ luật thuộc phạm trù đạo đức nói chung và đạo đức ứng xử nghề nghiệp nói riêng chứ không nói đến những vi phạm pháp luật. Điều 2 của Luật này quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội như sau:
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”.
Theo tinh thần đổi mới từ nhiệm kỳ khóa XIII, trong giới luật sư VN đã có luật sư Trương Trọng Nghĩa thuộc Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh được trúng cử đại biểu quốc hội. Tôi chưa gặp vị luật sư này nhưng đã nhiều lần được chứng kiến ông Nghĩa đại diện cho giới luật sư phát biểu tại nghị trường về những vấn đề gai góc đầy ấn tượng, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp đổi mới của đất nước nói chung, góp phần phát triển và tăng cường vị thế của giới luật sư nói riêng. Rất nhiều luật sư trong đó có tôi thật sư tự hào về người đại biểu quốc hội đầu tiên của giới luật sư này.
Nhiệm kỳ quốc hội khóa XIV này có thêm 02 luật sư trúng đại biểu quốc hội tham gia với tư cách đại diện cho giới luật sư, trong đó có ông Nguyễn Văn Chiến-Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội –là luật sư cùng thời với tôi chập chững bước vào nghề hơn 23 năm về trước tại trụ sở 19 Tràng Thi, Hà Nội – khi đó số luật sư Thủ đô chưa đầy 100 người và cùng được các bậc luật sư tiền bối dìu dắt giáo dục rất cẩn thận. Vậy mà ông ta đang tâm dùng mưu hèn kế bẩn để xóa tên tôi ra khỏi Đoàn luật sư Hà Nội bất chấp quy định của Luật luật sư, Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam mà tôi nghi ngờ có động cơ mục đích giải quyết mâu thuẫn cá nhân như tôi đã đăng trước đây.
Tôi nhận thấy việc ông Chiến được trở thành đại biểu quốc hội mặc dù ông cũng đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp rất nặng nề (thời là Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội nhiệm kỳ VII), nặng nề hơn những gì mà ông đánh giá tôi rất nhiều, thậm chí hành vi của ông còn có dấu hiệu phạm tội hình sự (bị dư luận báo chí phanh phui ầm ĩ một thời) nhưng chỉ bị xử lý khiển trách lại còn được leo lên làm Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội, phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, đại biểu quốc hội khóa XIV…. thực sự là những uẩn khúc cần phải được làm rõ để làm trong sạch bộ máy lập pháp của đất nước.
Cụ thể vào năm 2004, ông Chiến bị thân chủ Nguyễn Minh Phong – bị can trong một vụ án hình sự về tội đánh bạc tố cáo ông vòi 5,000 đô la Mỹ để chạy án treo-đây là vi phạm đạo đức luật sư nghiêm trọng và phải chịu mức kỷ luật xóa tên khỏi đoàn luật sư. Ngoài ra ông Chiến còn có hành vi nhận tiền thù lao của khách hàng nhưng không làm mà giao cho luật sư tập sự Phạm Xuân Thành làm khi chưa được sự đồng ý của thân chủ (hành vi này bị Ban chủ nhiệm phát hiện và tự xử lý chứ ông Phong không tố cáo).
Vụ việc ông Chiến có đơn tố cáo đòi chi 5,000 đô la để chạy án cho đến nay còn chưa có kết luận thỏa đáng của cơ quan có thẩm quyền, còn đối với hành vi nhận tiền mà không làm lại chuyển giao cho người khác đã bị Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội xác định là vi phạm quy tắc 5, chương II Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư và bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách theo Điều 38 Điều lệ Đoàn luật sư. Nếu so sánh với trường hợp của tôi xuất phát chỉ là tranh chấp phí thù lao trong vụ án phi hình sự (như nhận định của ông Chiến là vi phạm đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư cụ thể là quy tắc 3,5,7, 14.6;14.10 ) thì vi phạm của ông Chiến (về vòi đương sự tiền để chạy án trong vụ án hình sự và nhân tiền rồi nhưng không đi đọc hồ sơ mà giao cho người tập sự luật sư đi) nghiêm trọng hơn nhiều so với những lý do mà ông đưa ra để quyết định xóa tên tôi, thậm chí hành vi của ông Chiến còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn bàn về TƯ CÁCH ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI của ông Chiến, tôi đã nghiên cứu Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì thấy người ra ứng cử phải có những tiêu chuẩn đạo đức cá nhân và trải qua các bước sau đây:
Theo quy định của Khoản 1 Điều 3 Luật bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân thì người ứng cử đại biểu Quốc hội (cụ thể là ông Chiến) phải có đầy đủ các tiêu chuẩn đáp ứng các tiêu chuẩn theo Điều 2 của Luật Tổ chức quốc hội (như đã trích dẫn ở trên) và các tiêu chuẩn này phải được thể hiện tại bản tóm tắt tiểu sử cá nhân của người ra ứng cử một cách rõ ràng và trung thực.
Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục kiểm tra thẩm định như sau:
“2. Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội… giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội”.
- Gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội… giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực hiện việc hiệp thương. …..
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; chuyển giao hồ sơ, khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội”.
Như vậy những vi phạm của ông Chiến xảy ra trước đó như đã nêu ở trên ông phải có nghĩa vụ ghi đầy đủ trong hồ sơ ứng cử đại biểu quốc hội. Không hiểu ông đã khai báo trung thực chưa ?
Sự VI PHẠM ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP của ông Chiến thể hiện ở 2 vấn đề đó là:
1- Nhận tiền thù lao của thân chủ ( ông Nguyễn Minh Phong) nhưng khi chưa có sự đồng ý của thân chủ đã giao cho luật sư tập sự thực hiện. Mặc dù ông Phong không tố cáo nhưng vi phạm này đã được Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội nhiệm kỳ VII xác định là ông Chiến vi phạm quy tắc 5, chương II Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư và ông Chiến bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách theo Điều 38 Điều lệ Đoàn luật sư.
2- Còn hành vi vòi thân chủ chi 5,000 đô để chạy án treo như tố cáo của ông Phong theo nhận định của ông Nguyễn Trọng Tỵ – Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội nhiệm kỳ VII trả lời báo chí là: “Mới đòi, chưa nhận cũng vi phạm đạo đức nghề nghiệp” (Việt Báo ngày 02/6/2004). Thế nhưng hành vi này chưa bị Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội xử lý ???
Đặc biệt là DẤU HIỆU PHẠM TỘI HÌNH SỰ của ông Chiến là vòi 5,000 USD của thân chủ là ông Nguyễn Minh Phong để chạy án treo thể hiện tại cuốn băng ghi âm đã được bóc tách rõ ràng do chính ông Phong cung cấp (mà ông Chiến không hề phủ nhận giọng nói của người đối thoại với ông Phong là của ông – theo Việt báo ngày 02/6/2004), hiện cuốn băng ghi âm còn lưu tại Công an quận Hoàn Kiếm thì cho đến nay sự việc này đã bị đánh chìm xuồng !
Giả sử sự việc này không có thật, như vậy tố cáo của ông Nguyễn Minh Phong là sai sự thật gây ảnh hưởng uy tín danh dự của cá nhân ông Nguyễn Văn Chiến nói riêng và Đoàn luật sư Hà Nội nói chung thì hành vi này phải bị xử lý theo pháp luật, đặc biệt là Chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội và ông Nguyễn Văn Chiến phải có hành động thích đáng để bảo vệ uy tín danh dự cho mình và cho các luật sư Hà Nội như ông Nguyễn Trọng Tỵ – nguyên chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội nhiệm kỳ VII đã khẳng định với báo: “Nếu anh Phong tố cáo không đúng thì chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan nhà nước xem xét, có hình thức xử lý”. Còn ông Chiến thì khẳng định: “Bịa đặt hoàn toàn, tố cáo thế này là vi phạm luật hình sự, không phải là dựng chuyện lăng nhăng nữa. Đây là tội vu khống” (Việt báo ngày 06/7/2004). Thế nhưng không hiểu vì sao sau đó Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội cùng ông Chiến lại im lặng và ông Phong cũng không bị xử lý gì cả ???!!! nên hiện nay đây vẫn là nghi án chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Vấn đề ở đây có những thắc mắc cần được được làm rõ là khi khai hồ sơ đăng ký ra ứng cử Đại biểu Quốc hội ông Chiến có thật thà khai báo sự việc trên cho Hội đồng bầu cử quốc gia tại bản tự kiểm điểm của mình không ?
Nếu có thì Hội đồng bầu cử quốc gia có xử lý vấn đề này không ? Xử lý như thế nào ? Kết quả ra sao cần phải làm rõ và trả lời cho các cử tri được biết.
Còn nếu ông Chiến không khai báo thì đây là hành vi thiếu trung thực trong quá trình kê khai về tư cách của người ra ứng cử Đại biểu quốc hội. Lịch sử của Quốc hội khóa XIV này cũng đã có đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã bị bãi nhiệm do hành vi gian dối trong khai báo quá trình đăng ký ra ứng cử đại biểu quốc hội.
Vậy thì có vùng cấm nào dành cho ông Nguyễn Văn Chiến – Đại biểu quốc hội khóa XIV, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội hay không ??? Người lúc nào cũng yêu cầu mọi cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” nhưng lại thẳng tay trừng trị đồng nghiệp của mình bằng hình thức kỷ luật xóa tên ra khỏi danh sách đoàn luật sư Hà nội bất chấp Hội đồng khen thưởng kỷ luật đã 6 lần đề nghị không áp dụng hình thức kỷ luật nào, đẩy đồng nghiệp già vào tình trạng thất nghiệp, điêu đứng vì danh dự, uy tín bị xâm phạm nặng nề.
Với tư cách là một cử tri trên địa bàn Thủ Đô tôi da có đơn gửi Ủy ban kiểm tra tư cách đại biểu quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội khóa XIV để làm rõ và trả lời cho cử tri cả nước được biết.
Tái bút: Khi nào nhận được văn bản trả lời tôi dẽ thông tin cho các bạn biết vì đã là đại biểu quốc hội đại diện cho giới luật sư Thủ đô, Chủ nhiệm đoàn luật sư Hà nội thì lý lịch phải trong sạch và không có vi phạm pháp luật.
Facebook Phạm Thị Hương Thuỷ