Minh Triều
(VNTB) – Nữ sinh xé áo, đánh nhau giữa đường chỉ vì những mâu thuẫn vụn vặt
Nữ sinh đánh nhau ngày càng nhiều
Tỷ lệ các trường hợp bạo lực học đường ở nữ sinh gần đây đang tăng lên đáng kể. Những cuộc xô xát nhỏ đến những trường hợp nghiêm trọng hơn như hành hung hoặc làm nhục ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Một nhóm nữ sinh ở Kon Tum bị tố cáo về hành vi hành hung và hạ nhục nhau đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng.
Ngày 2/4, cơ quan chức năng huyện Đăk Glei (Kon Tum) cho biết đã có báo cáo xác minh vụ nữ sinh bị nhóm bạn học hành hung rồi quay clip đăng mạng xã hội. Qua xác minh, do mâu thuẫn trên mạng xã hội. Chiều 27-3 nhóm 4 học sinh Trường PTDT Nội trú huyện Đăk Glei đã đến ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Glei để tìm em Y.M.T. (học sinh trung tâm này) để giải quyết mâu thuẫn.
Sau đó, 3 trong số 4 học sinh nhóm này đã lao vào đấm đá, tát vào mặt, và dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu em Y.M.T.. Lúc này, bị cả nhóm bắt quỳ dưới sàn và liên tục bị mắng chửi, hành hung nhưng nạn nhân không dám phản kháng. (1)
Trước đó, một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk vào ngày 28-2-2024. Do có mâu thuẫn với một nữ sinh ở trường khác trên Facebook nên một nữ sinh lớp 8A Trường tiểu học – THCS Khuê Ngọc Điền bị nhóm nữ sinh khác do Nguyễn Thị Hồng D. (học lớp 9A của Trường THCS Hòa Lễ) chặn đánh hội đồng dọc đường.
Điều đáng nói là, trong khi nạn nhân bị đánh bằng mũ bảo hiểm, thì có nhiều bạn nữ đứng xem, có em còn vừa cười vừa cổ vũ nữ sinh đánh bạn “hay quá D. ơi”, “nữa đi D.”. Đoạn clip khiến dư luận bức xúc lẫn lo ngại khi các em nữ sinh đánh bạn tuổi còn nhỏ nhưng hung hăng, manh động. (2)
Các sự kiện như vụ việc này báo động thực trạng nữ sinh đánh nhau và nạn bạo lực học đường. Vậy nguyên nhân nào khiến cho trẻ trở nên bạo lực? Làm sao có thể ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, và ai phải chịu trách nhiệm cho vấn nạn này?
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo thống kê, tính từ ngày 01/9/2021 cho đến ngày 05/11/2023 cả nước có xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh nữ. (3)
Để xảy ra tình trạng bạo lực học đường, có nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm lớn thuộc về nhà trường khi phụ huynh tin tưởng, giao phó hầu hết việc dạy dỗ con em mình cho nhà trường, thầy cô giáo.
Nhưng khi có vụ học sinh đánh nhau xảy ra bị tung lên mạng, nhiều trường học né tránh trách nhiệm, không đối mặt cũng như giải quyết các tình huống một cách thấu đáo. Qua đó, đã tạo ra một môi trường không ổn định, kích động, tăng nguy cơ xảy ra bạo lực trong học đường.
Mặt khác, nhiều giáo viên hiện nay đang lạm dụng bạo lực để dạy dỗ học sinh không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vô tình gây tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh từ đó dễ dẫn đến bạo lực học đường giữa bạn bè. Bạo lực học đường không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân mà còn đe dọa sức khỏe tinh thần và thể chất của các em học sinh.
Có thể nói trách nhiệm trong việc phát hiện và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực vẫn đang giao trọn cho giáo viên kiêm nhiệm luôn chức tư vấn tâm lý. Mặc dù giáo viên có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và xử lý tình huống dẫn đến bạo lực, nhưng họ thường không được đào tạo đầy đủ về tư vấn tâm lý và xử lý các vấn đề phức tạp như bạo lực. Điều này có thể tạo áp lực lớn và gây căng thẳng cho giáo viên.
Cần phải có sự hỗ trợ và hợp tác từ cả phụ huynh, nhà trường và cộng đồng để ngăn chặn cũng như giải quyết các trường hợp bạo lực học đường một cách hiệu quả.
________________
Tham khảo:
(2) https://tuoitre.vn/nu-sinh-lop-8-bi-chan-danh-hoi-dong-phai-nhap-vien-20240302095401051.htm
(3) https://nhandan.vn/ty-le-hoc-sinh-lien-quan-den-bao-luc-gia-dinh-la-rat-lon-post781476.html