Có lẽ giới quan chức Việt Nam thuộc về một nhóm sinh vật như người đời truyền tụng “nghèo thích xài sang, hết tiền ưa nổ”.
Hình: laodong.com.vn
Vào năm 2014 khi mới bắt đầu vận hành Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) để mua lại nợ xấu từ các ngân hàng thương mại, một số quan chức của Ngân hàng nhà nước và những ngành tài chính liên quan đã tuyên bố trên báo chí “Nước ngoài đang xếp hàng chờ mua nợ xấu Việt Nam”.
Kết quả đến giờ ra sao?
500 hồ sơ chào bán nợ mà Ngân hàng nhà nước gửi cho các tổ chức tín dụng và tập đoàn quốc tế đã không hề có thông tin hồi âm, ít nhất trên phương diện công khai. Cũng không có bất kỳ tin tức nào cho thấy một doanh nghiệp nước ngoài nào đã thương thảo và ký hợp đồng mua nợ, càng không thấy các doanh nghiệp nước ngoài “xếp hàng chờ mua nợ.”
Sau hai năm rưỡi ra đời, VAMC đã chỉ làm được một công việc rất khiêm tốn là “gom nợ xấu”, nhưng không biết phải xử lý số nợ xấu này ra sao. Vào đầu tháng 6/2016, một quan chức cao cấp của VAMC đã lần đầu tiên phát lộ “VAMC sẽ lần đầu tiên mua nợ xấu bằng tiền mặt trong năm 2016”. Phát lộ này có ý nghĩa tương đương với một tình cảm thú nhận: hoàn toàn trái ngược với số liệu công bố trong các báo cáo trước đây về việc VAMC đã mua được 10% nợ xấu, VAMC chưa bao giờ mua nợ xấu bằng tiền mặt. Tất cả những gì bỏ ra mua chỉ là “trái phiếu đặc biệt” – về thực chất là giấy!
Chuyến làm việc Việt Nam vào tháng 6/2016 của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ông Tekehiko Nakao, một lần nữa khơi lại hy vọng nhỏ nhoi của giới quan chức Việt Nam để chào bán nợ xấu. Một lần nữa, giới quan chức Việt Nam tuyên truyền: ADB có thể mua cổ phần của ngân hàng để bơm thêm tiền vào ngân hàng có nợ xấu cao.
Nhưng làm thế nào để nước ngoài mua nợ xấu?
Câu hỏi này hiện thời vẫn bế tắc bởi một lý do rất chung chung: hệ thống pháp lý về mua bán nợ xấu chưa được hoàn thiện, việc một tổ chức nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ khó được thực thi.
Nhưng thực trạng cụ thể hơn nhiều đã được xác nhận bởi chính một quan chức là ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC: việc mua bán nợ vẫn dừng lại ở giai đoạn khảo sát, nghiên cứu mà chưa đi tới đặt vấn đề chính thức.
Vào đầu năm 2016 và ngay trước khi khai mạc kỳ họp thứ 11, Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, một cơ quan khá khép nép thuộc chính phủ, đã đột ngột tung ra số liệu cho rằng trong năm 2015, nợ xấu là 119,660 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ 2.9% (năm 2014 là 3.7%), giá trị tuyệt đối khoảng 120,000 tỷ đồng; tuy nhiên, con số này chưa tính đến 243,000 tỷ đồng nợ xấu đang “mắc kẹt” tại VAMC, gấp đôi số nợ xấu trên sổ sách được thống kê.
Hiện trạng, số liệu mà một trang kinh tế trong nước là CafeF tổng hợp từ 17 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2016, với 11/17 ngân hàng có phần thuyết minh chi tiết về nợ xấu, cho thấy nợ xấu đã thực sự tăng mạnh trong thời gian gần đây, cả về số tương đối và tuyệt đối.
BIDV vẫn đang là ngân hàng đứng đầu về tổng số nợ xấu với con số lên tới hơn 11 nghìn tỷ đồng, trong số này chiếm một nửa là nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng lên 1.84% và trong gần 7,600 tỷ đồng nợ xấu có đến 77% thuộc nợ nhóm có khả năng mất vốn…
Lê Dung / SBTN