Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ô nhiễm tiếng ồn là “sát nhân” giấu mặt

Đông Đô

 

(VNTB) – Hà Nội đã lên kế hoạch tái lập hệ thống “loa phường”.

 

Đề xuất tái lập hệ thống “loa phường” của Hà Nội cho thấy đã không được chuẩn bị đầy đủ về dữ liệu cho việc tái lập hệ thống “loa phường”, tức hệ thống loa công cộng trải đều ở xóm phường, hẻm ngách…

Những con số của đe dọa chết người

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày đạt mức từ 77,8 đến 78,1 dBA (đơn vị đo âm thanh), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn trung bình vào ban đêm là 65,3 – 75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10 đến 20 dBA).

Tại các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn ở mức cao hơn so với mức cho phép.

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đánh giá, tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới sức khỏe lớn thứ hai – sau bụi. Tiếng ồn không tích lũy trong môi trường như ô nhiễm chất độc, nhưng nó gây tác động xấu cho sức khỏe con người và có thể để lại hậu quả lâu dài.

Ngoài ảnh hưởng đến cơ quan thính giác (gây ù tai, làm giảm sức nghe, điếc), ô nhiễm tiếng ồn còn gây ra chứng mất ngủ, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy giảm nhận thức ở trẻ em… Điều đó cho thấy tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại nhưng lại ít được quan tâm so với các loại ô nhiễm khác.

Một ghi nhận trước khi xảy ra dịch Covid tại khoa Tai – Mũi – Họng của bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội thì trung bình một ngày khoa tiếp nhận 500 – 600 bệnh nhân đến khám, trong đó, vấn đề thường gặp là về khả năng nghe kém khoảng 15 – 20%.

Các thầy thuốc chuyên khoa Tai – Mũi – Họng của bệnh viện Bạch Mai nói rằng đối với trẻ nhỏ, việc phải sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nghe, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển về ngôn ngữ, tư duy, kết quả học tập. Còn với người lớn, việc sống và làm việc trong môi trường tiếng ồn liên tục khiến họ bị stress, cáu giận, chóng mặt, đau đầu và có nguy cơ cao về bệnh thần kinh.

Những căn bệnh của ồn ào đô thị

Một tài liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đưa ra các cảnh báo mang tính chuyên ngành: Tiếng ồn khiến cơ thể tăng tiết catecholamin, cortisol – là những chất tham gia vào quá trình điều hòa và kiểm soát các hoạt động trong cơ thể, bao gồm cả hệ tim mạch. Vì vậy khiến nhịp tim và huyết áp tăng lên. Ngoài ra tiếng ồn cũng khiến người ta cảm thấy căng thẳng và mất ngủ, dẫn đến tăng huyết áp và rối loạn hoạt động của tim.

Sự tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn có độ lớn trên 80 decibel có thể làm giảm thính lực. Cơ chế gây giảm thính lực do tiếp xúc với tiếng ồn là cơ chế thần kinh và cơ học. Tiếng ồn gây nên những thương tổn ở bộ phận thần kinh của cơ quan thính giác, những nghiên cứu đã quan sát thấy ở những người tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên, ngưỡng đáp ứng của thần kinh thính giác tăng, dẫn đến mất khả năng nhạy cảm thông thường, dần dần không cảm ứng được với âm tần có cường độ thấp.

Bên cạnh đó, cơ quan Corti nằm trong ốc tai, nơi chứa các tế bào sợi lông (tế bào Corti) để tiếp nhận các tín hiệu về âm thanh. Hệ tế bào này bị tổn thương trong giai đoạn đầu sau đó đến sự dày lên, xơ hóa màng nhĩ và toàn bộ cơ quan Corti.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do các tế bào Corti chịu tác động thường xuyên của áp lực âm thanh mạnh lên bề mặt tế bào cũng như các sợi lông khiến nó dày lên và dần dần mất cảm ứng về âm thanh, dẫn đến hiện tượng trơ về mặt cơ học cũng như thần kinh, gây suy giảm thính lực.

Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy nếu âm lượng trên 50 decibel vào ban đêm cũng có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim do cơ thể sản xuất quá nhiều và liên tục cortisol.

Tiếng ồn tác động đến cơ thể qua hệ thần kinh thực vật (thần kinh giao cảm) và hệ nội tiết (tuyến yên và tuyến thượng thận). Những tác động này kéo dài gây nên các nguy cơ như huyết áp tăng, mỡ máu tăng, độ nhớt của máu tăng, tăng nhịp tim, tăng lượng đường trong máu, ảnh hưởng các yếu tố đông máu. Từ đó gây nên bệnh cao huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ và nghiêm trọng hơn là đột quỵ.

Trồng cây xanh nhiều hơn, thay vì chăm chăm chỉ tiêu ‘loa phường’

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đưa ra đề xuất Hà Nội cần trồng nhiều cây xanh ở hai bên đường. Riêng đối với các khu vực cần yên tĩnh như bệnh viện, trường học, đường cao tốc qua khu dân cư… cần xây tường cao “chắn” tiếng ồn. Về lâu dài, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp cần phải có điều khoản về chống tiếng ồn đối với các khu dân cư, nơi công cộng.

Nhìn ở góc độ kiến trúc, ông Nguyễn Khiêm – một kiến trúc sư, cho rằng nhà ở tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có chất lượng cách âm khá thấp do thói quen xây tường đơn để tiết kiệm chi phí, thay vì tường đôi có lớp không khí nhằm cách âm và cách nhiệt ở giữa.

Còn nhớ khi Hà Nội chưa bỏ loa phường, ngày vài lần, người dân ở gần khu vực đặt loa bị “hành hạ” bởi tiếng loa, nhất là buổi sáng những ngày cuối tuần, muốn ngủ thêm một chút cũng không được.

Như vậy, với những khảo sát thực tế và các khuyến cáo đưa ra từ những cơ quan chuyên môn về vấn đề tiếng ồn đô thị tại Hà Nội, nay lại có đề xuất tái lập hệ thống loa trải đều trên đường phố ở nhiệm kỳ mới của tân chủ tịch Hà Nội – ông Trần Sỹ Thanh, dư luận có căn cứ cho hoài nghĩ về kiến thức quản lý đô thị của người vừa được Đảng ‘phân công’ vào ghế quyền lực này ở Hà Nội.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao Hà Nội ưu tiên tiêm vắc xin Trung Quốc cho người trên 65 tuổi?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Hà Nội không còn COVID!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo