Trúc Giang – Nguyễn Tuấn
(VNTB) – Trong hai tuần lễ cuối tháng 12-2016, phát biểu trên cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Đinh La Thăng đã có ít nhất hai đề xuất mà nói theo ngôn ngữ mạng xã hội, là ‘chém gió’ dữ quá!
Xúi dại!
Tại buổi họp bàn giải pháp giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM sáng 13-12, Bí thư Đinh La Thăng ‘xúi’ ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam hãy làm đề xuất gửi Cục hàng không Việt Nam, về việc đưa máy bay đậu qua đêm ở các sân bay lân cận như Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương để giảm tải cho Tân Sơn Nhất.
Bí thư Thăng còn yêu cầu: “Tân Sơn Nhất là điểm ùn tắc lớn, tôi đã có đề nghị giãn thời gian bay ra. Bay sớm giá khác, bay muộn giá rẻ. Muốn giá rẻ được thì phải điều tiết giờ bay”.
Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Cảng hàng không Việt Nam nói thẳng: “Việc điều tiết khung giờ các chuyến bay gặp khó khăn do bay giờ giấc đó người dân ít đi”. Nghe ông Bình trả lời vậy, Bí thư Thăng nói luôn: “Giờ quá tải lắm rồi, đếm chuyến lấy tiền sẽ không khuyến khích được. Phải điều tiết được giờ bay thì chắc chắn sẽ giảm được ùn tắc và phải dùng giá cả để điều tiết, khuyến khích khách hàng”.
Ông Trần Doãn Mậu đã nghe theo lời ‘xúi’ của vị cựu tư lệnh ngành giao thông vận tải. Ngày 23-12-2016 trên trang web Cục Hàng không Việt Nam đăng tải thông tin cho biết Cục này vừa có văn bản gửi các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco về việc nghiên cứu, báo cáo kế hoạch đậu lại tàu bay qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (sân bay Cần Thơ). Các hãng phải báo cáo Cục hàng không trước ngày 30-1-2017.
Ông Trần Đình Bá, chuyên gia nghiên cứu hàng không độc lập nêu quan điểm: “Tôi hoàn toàn bất ngờ và thất vọng về tư duy của lãnh đạo ngành hàng không khi họ yêu cầu hãng hàng không đưa tàu bay qua đêm về “ngủ” tại sân bay Cần Thơ. Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải đường băng do tần suất cất hạ cánh. Nếu đưa máy bay về sân bay Cần Thơ để ngủ qua đêm thì số lần cất hạ cánh sẽ tăng cấp số nhân. Hơn nữa từ Tân Sơn Nhất bay đến Cần thơ rồi quay về mất 400Km. Mỗi lần cất hạ cánh là mỗi lần “sinh tử”, càng cất hạ cánh nhiều lần thì xác suất mất an toàn lại cao hơn, điều này làm khó các phi công và tốn phí sân bay”.
Nôm na là nếu làm theo lời ‘xúi’ của ông Bí thư Thành ủy TP.HCM, sắp tới đây các hãng hàng không sẽ phải bay lòng vòng trên bầu trời lãng phí 30 phút bay, lại mang máy bay đi “ngủ đêm” rồi quay về mất cả 1 giờ bay.
Một góc khu dinh thự thuộc sân golf trong phi trường Tân Sơn Nhất – Ảnh: Ngọc Thịnh.
Diêm dân đi nuôi yến
Tại buổi làm việc về tình hình sản xuất của bà con diêm dân huyện Cần Giờ sáng 25-12, Bí thư Thành ủy TP.HCM lại đưa ra một chỉ đạo khá sốc khác khi chốt vấn đề chuyện giá thành của muối gấp đôi giá bán thì không thể nào thoát nghèo với nghề làm muối: “Yến dễ nuôi, rủi ro thấp, lợi nhuận cao. Cho vay 300-400 triệu để mỗi hộ có một nhà nuôi yến”.
Theo ông Bí thư Thành ủy, việc chuyển đổi sản xuất là bắt buộc vì làm muối không hiệu quả, “thà dùng tiền hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo hơn là hỗ trợ vốn làm ăn mà không có thu nhập”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tham quan một cánh đồng nuôi tôm và làm muối tại huyện Cần Giờ, TP.HCM sáng 25-12 – Ảnh: Quang Định.
Những phóng viên phụ trách mảng nông nghiệp ở Sài Gòn cho rằng, có lẽ ông Bí thư Thành ủy đã ‘ngẫu hứng’ khi nghe nói nhiều nhà dân Cần Giờ làm giàu suốt hơn chục năm nay từ nghề nuôi yến, trong đó có cả nhà báo đầu tư nghề nuôi yến tại nơi này, đã dùng tiền bán tổ yến nuôi được cả đứa con du học tận bên nước Mỹ.
Ở xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ là nơi có nhiều nhà nuôi yến. Cuối giờ chiều, có mặt ở khu bờ kè, sát mé sông, người ta sẽ chứng kiến cảnh yến về tổ. Tại một dãy chừng 6-7 căn nhà yến liền kề, yến quây về lượn đen kịt bên trên, anh Minh, một người dân sống gần đó, bảo: “Coi vậy chứ để ý kỹ thì thấy yến chỉ vô cái nhà nhỏ nhất, đen thui nằm chính giữa là nhiều nhất. Mấy căn xung quanh, tụi nó chỉ lượn lờ cho vui vậy thôi. Cái nhà đen đen đó là căn nhà yến đầu tiên ở vùng này từ chục năm rồi, yến trong đó chắc đã sanh đẻ tới đời chắt, đời chít”.
Một đặc tính của chim yến là rất trung thành, đã ở đâu là không bao giờ đổi chỗ. Những nhà yến xây sau chỉ mong dụ được số yến mới từ nơi khác chuyển đến hoặc số yến con được sinh sản từ các nhà yến cũ. Tại xã Tam Thôn Hiệp, hiện tại công xây dựng nhà yến ở đây bình quân 2,2 triệu đồng/m2. Nếu chỉ xây dựng xác nhà, không bao gồm chi phí trang bị kỹ thuật bên trong thì có giá 1,8 triệu đồng/m2. Sau khi bỏ tiền tỉ ra xây nhà, hằng tháng chủ nhà yến phải tốn thêm chừng 700.000 đồng cho chi phí điện, nước. Tiền thuê bảo vệ cỡ 3 triệu đồng/nhà. Đó là chi phí đối với những hộ nằm trong quy hoạch vùng nuôi yến và được cấp phép nuôi yến.
Số tiền bỏ ra là rất thật nhưng chuyện có thu hồi vốn hay không lại là chuyện không ai biết. Khá nhiều người đã đổ cả đống tiền để xây nhà, “trang trí nội thất”, thuê kỹ thuật viên “có tay nghề Malaysia”, nhưng chim không chịu vào ở. Đất lành chưa chắc chim đậu là điều ở Cần Giờ mà ai cũng biết.
Dân trong nghề nuôi yến nói rằng hiệu quả đầu tư nuôi yến hiện không còn cao, phải tới 10 năm mới lấy lại vốn thay vì 5 năm như trước.
Và đâu chỉ vậy. Ghi nhận tại Tam Thôn Hiệp, ban ngày khi yến đi kiếm ăn thì không sao, nhưng khi đến tối về chúng bay lượn nhiều vòng trước khi vào nhà và thải phân bừa bãi khu vực xung quanh. Ảnh hưởng nhất là những hộ dùng nước mưa vì phân chim rơi vào hoặc trong khu phơi quần áo ngoài trời.
Trước đây, UBND huyện Cần Giờ từng đề nghị UBND thành phố cho phép mở rộng phát triển nghề nuôi chim yến từ diện tích 256 ha hiện tại lên tới 1.127ha. Tuy nhiên, đề nghị này không nhận được sự đồng tình của các nhà chuyên môn do thiếu cơ sở khoa học đánh giá hiệu quả và rủi ro của ngành nghề này; đặc biệt là dịch bệnh như virus cúm A/H5N1 và A/H7N9 lây lan từ chim.
Các chuyên gia nông nghiệp thì cho biết họ lo ngại chim yến xơi hết côn trùng giúp thụ phấn ở các vùng canh tác.
Xem ra không phải cái gì ông Bí Thư Thành ủy cũng đúng.